Theo đại diện Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc xử lý vướng mắc, bất cập tại một số dự án BOT là nội dung rất khó và phức tạp, liên quan đến nhiều chủ thể và chưa có tiền lệ, các giải pháp đưa ra nếu không bảo đảm chặt chẽ sẽ rất khó được cấp có thẩm quyền thông qua chủ trương.
Do vậy, đề xuất sử dụng ngân sách để mua lại 8 dự án BOT bị vỡ phương án tài chính cần được nghiên cứu kỹ hơn để hoàn thiện hồ sơ trình cấp có thẩm quyền cho ý kiến. Từ đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định rút nội dung này ra khỏi phiên họp của Quốc hội đang diễn ra.
Trạm thu phí cầu Thái Hà, một trong 8 dự dự án BOT được Bộ GTVT đề xuất mua lại bằng tiền ngân sách (Ảnh: Anh Trọng).
Từ ngày 4-7/10/2022, báo Tiền Phong đã khởi đăng loạt bài 4 kỳ với nhan đề “ Vì sao phải mua lại dự án BOT chết yểu? ”. Loạt bài đề cập đến thực trạng các dự án BOT từng được ví như “miếng bánh ngọt”, tuy nhiên sau hơn 10 năm triển khai đầu tư hạ tầng giao thông theo hình thức BOT (đầu tư - khai thác - chuyển giao) ngoài các dự án đã phát huy hiệu quả, mang lại lợi ích tích cực cho xã hội, tuy nhiên cũng có nhiều dự án giao thông bị dư luận phản ứng, phía nhà đầu tư vì thế cũng muốn bỏ trạm thu phí, trả dự án.
Để xử lý tình trạng này, Bộ GTVT đã đưa ra giải pháp sử dụng ngân sách Nhà nước với tổng số tiền hơn 13.000 tỷ đồng để mua lại 8 dự án bị vỡ phương án tài chính, trạm thu phí “chết yểu”. Tuy nhiên, dư luận cho rằng, điều này đi ngược với chủ trương trong việc huy động các nguồn lực xã hội, giảm gánh nặng cho ngân sách .
Hơn nữa, các dự án vừa được Bộ GTVT đề xuất mua lại được đánh giá là không đảm bảo mục tiêu đầu tư hài hòa giữa ba bên, gồm: Người dân - Nhà đầu tư - Nhà nước. Đáng chú ý, hầu hết các dự án này đang có tình trạng dự án làm một nơi, trạm thu phí đặt một nẻo .