Thương vụ diễn ra trong phòng kín: Shark Phú bị chê là “tên trộm dở nhất thế giới”

Ngân Hà |

Trong chương trình Shark Tank Việt Nam được phát sóng tối qua 5/9, Shark Thủy đã chi mạnh tay cho thương vụ diễn ra trong phòng kín vì đúng sở thích. Trong khi đó Shark Phú lại bị chê là… “tên trộm dở nhất”!

Thương vụ diễn ra trong phòng kín và trò chơi sử dụng kiến thức lịch sử, địa lý hút được số vốn 5 tỷ đồng 

Trong chương trình Thương vụ bạc tỷ được phát sóng tối qua (5/9), Nguyễn Chí Nhân, Co – Founder và CEO của Công ty Nhập vai thực tế We Escape cùng hai người bạn là người đồng sáng lập công ty đã mang đến nhiều bất ngờ cho khán giả và 5 nhà đầu tư. 

Để các Shark hiểu rõ hơn về sản phẩm, ba chàng trai đã mời các nhà đầu tư tham gia trò chơi nhập vai đặc biệt. Trong đó, Shark Phú sẽ được vào vai tên trộm giỏi nhất giới, nhiệm vụ được giao là phải ăn trộm được quả trứng vàng. 

Thương vụ diễn ra trong phòng kín: Shark Phú bị chê là “tên trộm dở nhất thế giới” - Ảnh 1.
Thương vụ diễn ra trong phòng kín: Shark Phú bị chê là “tên trộm dở nhất thế giới” - Ảnh 2.

Thương vụ gọi vốn trong phòng kín - "Phá đảo" thế giới ảo

Trải nghiệm trò chơi nhập vai thực tế, Shark Phú đã "thất bại" khi bị chuông báo trộm phát hiện và tỏ ra hơi hốt hoảng, khiến Shark Hưng không ngần ngại kết luận hài hước: "Ông Phú này chắc là tên trộm dở nhất thế giới!". 

Sau trải nghiệm thú vị này, We Escape kêu gọi 5 tỷ đồng cho 17% cổ phần công ty. Nhiều người xem đoán, có thể đây là công ty chuyên cung cấp các sản phẩm dịch vụ chống trộm. Tuy nhiên, thực tế, đây lại là đơn vị giải trí, với các trò chơi thực tế thú vị, trí tuệ, giúp trả lời cho câu hỏi: "Hôm nay đi chơi ở đâu?" mà giới trẻ vẫn hỏi nhau mỗi ngày. 

Ra đời từ năm 2014, đến nay công ty đã có 13 phòng chơi đặt tại Hà Nội và Sài Gòn. Doanh thu không ngừng gia tăng - năm 2017 là 6,1 tỷ đồng/ 6 tháng đầu năm 2018 đạt 4,4 tỷ đồng. 

Thương vụ diễn ra trong phòng kín: Shark Phú bị chê là “tên trộm dở nhất thế giới” - Ảnh 3.

We Escape là mô hình trò chơi này dành cho đội nhóm từ 2 - 8 người

Xuất phát từ thực tế giới trẻ ngày nay và đặc biệt là ở những thành phố lớn đều đang thiếu một mô hình vui chơi giải trí bổ ích, có tính vận động cao, rời xa được các thiết bị công nghệ - thế giới ảo, Nguyễn Chí Nhân cùng các người bạn của mình đã quyết định sáng lập công ty: 

"Bọn em không muốn con em mình sẽ chỉ biết đi vào quán coffee, mỗi người một góc với chiếc điện thoại thông minh, vì thế mà công ty này ra đời. 

Giới trẻ sẽ được cùng nhau tham gia vào các trò chơi tập thể, một đội từ 2-8 người vào một phòng kín, làm việc nhóm trong vòng 60 phút để cùng nhau giải các câu đố, vượt qua chướng ngại vật để thoát ra ngoài". 

Mong muốn phát triển công ty trở thành một đơn vị giải trí đa dịch vụ, cạnh tranh trực tiếp với các công ty nước ngoài, 3 start up dự định sẽ dùng số vốn đầu tư kêu gọi được để mở thêm 2 cơ sở mới ở Sài Gòn, tuyển dụng, quy chuẩn hóa công ty và nghiên cứu, phát triển sản phẩm, dịch vụ của mình. 

Thương vụ diễn ra trong phòng kín: Shark Phú bị chê là “tên trộm dở nhất thế giới” - Ảnh 4.

Khi Shark Thủy yêu cầu các start up phân tích cụ thể hơn về công suất, doanh thu, chi phí và quy mô, thời gian thu hồi vốn của mỗi cơ sở, các start up chia sẻ: "Mỗi  phòng chơi chi phí đầu từ 300-350 triệu, doanh thu trung bình mỗi phòng khoảng 600-650 triệu đồng/năm. 

Thời gian hồi vốn cho một phòng khoảng từ 2 năm, và dự kiến thời gian này sẽ giảm đi trong thời gian tới khi chúng em có được những khách hàng trung thành" .

Các start up cũng khẳng định, không chỉ thu hút những người chơi mới chưa từng tham gia, mà mô hình trò chơi trải nghiệm thực tế còn kéo được khách hàng cũ quay trở lại chơi nhiều lần nếu họ chưa chinh phục được thử thách ở những lần trước. 

Tuy nhiên, Shark Nguyễn Mạnh Dũng cho rằng, nếu chỉ những khách hàng không vượt qua được thử thách mới quay lại, thì sản phẩm này sẽ không hướng đến đối tượng khách hàng là những người thông minh. 

Những người sáng lập công ty cho hay, họ có nhiều phòng trò chơi với nhiều thử thách khác nhau cho các khách hàng thực sự muốn khám phá và chinh phục. 

Thương vụ diễn ra trong phòng kín: Shark Phú bị chê là “tên trộm dở nhất thế giới” - Ảnh 5.

Sau một hồi tìm hiểu kỹ về công ty, có 4/5 Shark từ chối đầu tư, dù đã nhận xét sản phẩm của công ty khá thú vị.

Shark Thủy không đưa ra bất kỳ ý kiến nào. Khi các start up bắt đầu cảm thấy hơi lo lắng thì Shark Hưng đã lên tiếng giải tỏa phần nào nỗi lo: "Thường thì Shark nào không nói gì, Shark ấy sẽ đầu tư!" 

Và quả thật lời tiên liệu đó đúng. Shark Thủy chia sẻ: "Anh nghĩ mô hình này sẽ khó nhân rộng. Nhưng các em đã nhắc đến giáo dục, một vấn đề nữa là team building cũng có nhiều tiềm năng. Đồng thời, bên anh cũng có dự án nhiều chục hecta định làm mô hình giáo dục sinh thái, khi đó sẽ có một khu vực rất là rộng lớn để xây dựng các phòng chơi để nâng tầm trải nghiệm. 

Tóm lại, anh là người duy nhất có mảnh ghép kinh doanh thuộc lĩnh vực giáo dục, và chính yếu tố em nói em đưa kiến thức lịch sử và địa lý vào trò chơi khiến anh cảm thấy thích. Do đó, anh sẽ đầu tư 5 tỷ cho 36% cổ phần" 

Trước đề nghị này, 3 start up trẻ tuổi đã phải xin dừng chương trình để hội ý. Họ yêu cầu được nhận 5 tỷ cho 25% cổ phần. Tuy nhiên, Shark Dũng khuyên rằng, 36% hay 25% không quan trọng, bởi họ vẫn đang nắm đa số cổ phần, điều quan trọng nhất là để phát triển công ty, họ cần người dẫn đường. 

Thương vụ diễn ra trong phòng kín: Shark Phú bị chê là “tên trộm dở nhất thế giới” - Ảnh 6.

Cuối cùng, thương vụ được giao dịch thành công với số tiền đầu tư 5 tỷ đồng của Shark Thủy cho 36% cổ phần cho Công ty Nhập vai thực tế We Escape.

CEO Nguyễn Chí Nhân chia sẻ: "Mình hy vọng bên mình cùng với Shark Thủy sẽ đưa ra được sản phẩm mới và nhanh nhất trên thị trường, tạo ra không gian vui chơi để các em học sinh ưa thích khám phá phát triển khả năng tư duy".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại