Thượng viện Mỹ ngày 14/3 đã thông qua nghị quyết bác bỏ Tuyên bố tình trạng khẩn cấp của Tổng thống Donald Trump nhằm lấy kinh phí xây bức tường biên giới giữa Mỹ và Mexico . Động thái mới nhất của Thượng viện Mỹ có thể dẫn đến việc ông Donald Trump lần đầu tiên phải sử dụng quyền phủ quyết trong nghiệm kỳ Tổng thống của mình.
Nghị quyết ngăn chặn Tuyên bố tình trạng khẩn cấp của Tổng thống Donald Trump đã được các thượng nghị sỹ thông qua với tỷ lệ 59 phiếu thuận và 41 phiếu chống.
Nhấn mạnh mối quan ngại rộng rãi trong nội bộ đảng Cộng hòa liên quan tới các hành động của ông Donald Trump, 12 Thượng nghị sỹ Cộng hòa đã từ bỏ hàng ngũ và tham gia cùng toàn bộ 45 Thượng nghị sỹ Dân chủ và 02 Thượng nghị sỹ độc lập bỏ phiếu thông qua nghị quyết chấm dứt Tuyên bố tình trạng khẩn cấp của ông chủ Nhà Trắng.
Tháng trước, Hạ viện Mỹ hiện do đảng Dân chủ kiểm soát cũng đã dễ dàng thông qua bản nghị quyết này với tỷ lệ 245 phiếu thuận và 182 phiếu chống.
Giờ đây, bản nghị quyết sẽ được trình lên Tổng thống Donald Trump và gần như chắc chắn ông sẽ lần đầu tiên sử dụng quyền phủ quyết của mình để phản bác nghị quyết đã được lưỡng viện thông qua. Chỉ vài phút sau khi Thượng viện thông qua nghị quyết, trên trang Twitter cá nhân, ông Donald Trump viết một từ duy nhất “VETO” có nghĩa là phủ quyết.
Trước khi Thượng viện bỏ phiếu, Tổng thống Donald Trump một lần nữa kêu gọi sự ủng hộ của các thượng nghị sỹ Cộng hòa, nhắc lại cam kết sẽ phủ quyết nghị quyết, đồng thời đánh tín hiệu rằng ông có thể để ngỏ cho những thay đổi trong tương lai liên quan tới việc sử dụng các quyền khẩn cấp của mình.
Theo quy định, để đảo ngược quyền phủ quyết của Tổng thống Donald Trump, Quốc hội Mỹ cần đạt được hai phần ba số phiếu ủng hộ và có thể các nghị sỹ Dân chủ lần này sẽ nhận được đủ số phiếu ủng hộ từ các đồng nghiệp bên phía đảng Cộng hòa.
Trước tình thế đó, Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell không thể giấu giếm sự thật rằng Tuyên bố tình trạng khẩn cấp của ông Donald Trump đã gây ra các cuộc thảo luận gay gắt và kéo dài trong những cuộc họp kín của nội bộ đảng Cộng hòa. Tuy nhiên, ông McConnell đã hối thúc các nghị sỹ Cộng hòa ủng hộ Tổng thống Donald Trump, lập luận rằng hiện có một cuộc khủng hoảng an ninh và nhân đạo tại khu vực biên giới phía Nam của Mỹ.
Những diễn biến mới nhất cho thấy cuộc chiến quyết liệt liên quan tới bức tường biên giới phía Nam giữa Quốc hội, mà chủ yếu là Hạ viện do đảng Dân chủ kiểm soát và Chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ còn căng thẳng và quyết liệt trong những ngày tới./.