Thường trực Ban Bí thư: Vụ siêu xe biếu tặng là điển hình của lách luật, trốn thuế

Nguyễn Thành |

Chiều 27/6, tại buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng, ông Võ Văn Thưởng, Thường trực Ban Bí thư, nói rằng: Vụ siêu xe biếu tặng là một điển hình trong việc lách luật, trốn thuế.

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng

Có sự cấu kết

Thường trực Ban Bí thư: Vụ siêu xe biếu tặng là điển hình của lách luật, trốn thuế - Ảnh 1.

Cử tri Đà Nẵng nêu câu hỏi tại buổi tiếp xúc cử tri Ảnh: Nguyễn Thành

Tại buổi tiếp xúc, cử tri TP Đà Nẵng đặt ra nhiều câu hỏi liên quan công tác phòng chống tham nhũng tiêu cực , cũng như các vụ án, vụ việc nổi cộm thời gian qua.

Cử tri Nguyễn Trí Tổng (Thanh Bình, Hải Châu) nêu ý kiến, Đảng ta tiến hành mạnh mẽ, quyết liệt công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua đã đem lại kết quả tích cực, củng cố niềm tin trong nhân dân. Việc thành lập Ban chỉ đạo (BCĐ) phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, TP trực thuộc T.Ư là hoàn toàn đúng đắn, chính xác, rất hợp lòng dân trong tình hình hiện nay. Tuy nhiên, cử tri còn băn khoăn về lỗ hổng trong truy cứu, xử phạt chưa nghiêm, chưa triệt để về kê khai, thu hồi tài sản, như quy định nộp lại 3/4 tài sản tham nhũng thì sẽ được giảm tội.

“Tham nhũng diễn biến tinh vi hơn, phức tạp hơn, tập trung cán bộ, đảng viên có chức có quyền trong bộ máy nhà nước. Cần sửa lại việc nộp lại 3/4 tài sản được giảm tội thì mới mong đẩy lùi được tiêu cực”, ông Tổng nói.

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cho biết, việc thành lập thêm BCĐ phòng chống tham nhũng cấp tỉnh, thành theo tinh thần trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt trong giải quyết vấn nạn ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của đất nước, sự tồn vong của Đảng và chế độ. Ngày 30/6, Bộ Chính trị sẽ tổ chức hội nghị đánh giá 10 năm thực hiện công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, xác định quyết tâm chính trị và biện pháp trong thời gian tới để đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

“Tham nhũng gắn liền với quyền lực, do đó có quyền lực phải kiểm soát quyền lực, nếu quyền lực không kiểm soát sẽ đẻ ra chuyện này chuyện khác. Việc này phải kiên trì làm, ngày một mạnh hơn, quyết tâm hơn. Thời gian qua, những vụ như Việt Á, vụ việc liên quan đến tổng lãnh sự, vụ FLC và nhiều vụ ở địa phương xử rất nhanh và kiên quyết”, ông Thưởng nhấn mạnh.

Để công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực đạt kết quả tốt hơn, Thường trực Ban Bí thư cho biết: Sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế để “không thể tham nhũng”, “không dám tham nhũng” bằng việc xây dựng quy chế, quy định pháp luật phải chặt chẽ, xử phạt nặng và theo đúng quy định pháp luật.

Đề cập các lỗ hổng trong quy định của pháp luật, ông Thưởng cho biết, thời gian qua có những vụ án, vụ việc tiêu cực, tham nhũng có nguyên nhân từ việc lợi dụng sơ hở của quy định pháp luật. Có những sơ hở xuất phát từ nhận thức không đầy đủ trong quá trình làm luật, quy định. Nhưng cũng không loại trừ sự cố tình cấu kết nhau để tạo ra sự sơ hở đó.

Liên quan việc thu hồi tài sản do tham nhũng mà có, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cho biết, những năm qua, việc này rất coi trọng và kết quả thu hồi rất cao. “Bây giờ xảy ra sự việc, khi khởi tố đánh giá có dấu hiệu gây thất thoát tài sản, tham ô là kê biên tài sản ngay”. Ông Thưởng nói

“Trả lời trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư Pháp nói không có tham nhũng chính sách nhưng nói thật với các cử tri, những vụ việc thời gian vừa qua cho thấy có sự cấu kết giữa các doanh nghiệp, người bên ngoài với những thành viên có chức có quyền trong bộ máy từ khâu ban hành cơ chế, chính sách. Điển hình vừa rồi phát hiện vụ xe sang biếu tặng là một cách lách luật, trốn thuế nâng cao hiệu quả lợi nhuận”, ông Thưởng nói.

Luật Đất đai sẽ có nhiều sửa đổi lớn

Liên quan vấn đề đất đai, ông Thưởng nói rằng, hiện nay, các vụ khiếu kiện tại các địa phương có khoảng 70% liên quan đất đai. Cán bộ tỉnh, thành thời gian qua bị kỷ luật có một tỷ lệ rất đáng kể liên quan đất đai. Chính sách của nước ta về đất đai thiếu ổn định, thường xuyên thay đổi, có những quy định luật chồng chéo nhau. Từ nay đến năm 2023, sẽ hoàn thành việc sửa đổi Luật Đất đai và có nhiều điểm mới. Trong đó đáng chú ý là việc Nhà nước sẽ bảo đảm nguồn lực cho quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất.

“Trong vấn đề này có muôn hình vạn trạng. Thời gian qua, ở một số nơi có hình thành tình trạng các doanh nghiệp vào tài trợ quy hoạch phân khu, quy hoạch vùng, quy hoạch lĩnh vực. Nhưng quy hoạch là công cụ quản lý của Nhà nước, là định hướng chung cho địa phương lại giao cho doanh nghiệp tài trợ làm quy hoạch, nên có tình trạng công trình văn hoá công cộng ít mà các công trình thương mại, nhà ở thì nhiều, dẫn đến mất công bằng trong việc tiếp cận đất đai của doanh nghiệp”, ông Thưởng nói.

Theo ông Thưởng, trong Luật Đất đai (sửa đổi) sắp tới sẽ bỏ khung giá đất, xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường. Việc giao đất sẽ thực hiện thông qua đấu giá, đấu thầu quyền sử dụng đất, không có giao đất trực tiếp. Đồng thời, sẽ áp dụng quy chế tự thoả thuận giữa doanh nghiệp và người dân trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong việc thực hiện các dự án đô thị và nhà ở thương mại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại