Thượng tọa Thích Nhật Từ: Cha mẹ hãy biết chậm giàu một chút để lo cho con

PV |

Trong buổi trao đổi về phòng chống ấu dâm, Thượng tọa Thích Nhật Từ, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo VN tại TPHCM đã chia sẻ hai câu chuyện đau lòng mà thầy từng gặp, giúp đỡ tư vấn.

Tòa soạn xin lược đăng chia sẻ của Thượng tọa Thích Nhật Từ để độc giả theo dõi.

Nữ Phật tử từng bị cậu ruột hiếp dâm lúc nhỏ

"Câu chuyện thứ nhất là về một thanh nữ ở độ tuổi 30 bị ám ảnh bởi việc bị cậu ruột hiếp dâm từ hồi nhỏ, lúc cháu chưa có khả năng phòng vệ.

Nỗi khổ, niềm đau này cháu đã chất chứa nhiều năm trời cho đến lúc gặp tôi. Mẹ cháu bày tỏ, trước đây, cũng không biết tại sao, con gái mình trở lên rụt rè, ít nói, sợ hãi đàn ông, ít giao tiếp và có một cái gì đó rất lạ lẫm, không lý giải được.

Người mẹ cũng quá bận rộn với buôn bán nên bỏ qua cho đến lúc nỗi khổ đó lớn quá, hai mẹ con có đến chùa nhờ tư vấn.

Thượng tọa Thích Nhật Từ: Cha mẹ hãy biết chậm giàu một chút để lo cho con - Ảnh 1.

Bất cứ một hành động sai lầm nào của người lớn với trẻ em là nỗi ám ảnh lớn.

Tôi có mời người mẹ ra khỏi phòng chờ tiếp khách để cho cháu gái này mạnh dạn chia sẻ, trình bày thì mới biết cháu là nạn nhân của vụ việc hiếp dâm khi còn độ tuổi vị thành niên. Tôi đã tư vấn tâm lý, giúp cho cháu vượt qua nỗi ám ảnh tâm lý đó.

Thứ nhất là cần phải nhẩm ở trong đầu là tất cả những người nam ta có cơ hội gặp được trong đời đều là người thân hay là người dưng, đều không phải là kẻ tội ác đã hiếp dâm mình hồi nhỏ. 

Ở đây có tâm lý là, người nam hiếp dâm tôi hồi nhỏ thì tất cả người nam khác có cơ hội như thế, do đó, tôi dè dặt, phòng hộ để tôi khỏi trở thành nạn nhân lần thứ hai của bất cứ người nam nào.

Sự phòng hộ đó có thể thông cảm được nhưng lối suy nghĩ phòng vệ, dè dặt với tất cả mọi người đàn ông là một cái ám ảnh cực đoan mà tự thân nạn nhân rất khó có thể vượt qua nên cần sự trợ giúp thích hợp.

Tôi yêu cầu cháu ấy nhẩm điều đấy thường xuyên và khi mình nhẩm, tự kỷ ám thị một nội dung nào đó thì chúng ta nạp vào trong nhận thức của mình một lệnh điều khiển và lệnh này có chức năng tự điều chỉnh những hành động sai của chúng ta sau đó, ít nhất là cảnh báo.

Ví dụ, sau này cháu ấy gặp người nam xa lạ thì bắt đầu sợ hãi, lo lắng người này có thể hiếp dâm mình như cậu ruột và tự phòng hộ, không dám giao tiếp thì lúc đó, cháu ấy sẽ nổi lên giao tiếp là tất cả người nam mà tôi gặp trong đời đều không hẳn là người cậu đã từng hiếp dâm.

Lúc đó, nỗi sợ hãi này sẽ được ngăn chặn lại và người đó sẽ không còn lo lắng, dè chừng, có mối quan hệ với những người bình thường, không phải là kẻ phạm pháp.

Thứ hai, cháu ấy cũng cần phải tham gia các hoạt động xã hội như là các câu lạc bộ cùng nhóm lứa tuổi, có sinh hoạt rất lành mạnh để trải nghiệm những niềm vui ở tuổi thanh xuân. 

Khi mình cảm nhận niềm vui càng nhiều từ cuộc sống thì nỗi ám ảnh nó sẽ ít nhất được khoanh vùng lại ở mức độ nào đó, tạm thời, về lâu dài khi niềm vui nó được dâng cao thường xuyên, cao hơn thì nỗi đau khổ như vết đen trong quá khứ được triệt tiêu, loại trừ.

Thứ ba những người cha, mẹ cần nâng đỡ tinh thần, lúc nào cũng đứng vào thế ủng hộ cho nạn nhân để nạn nhân cảm thấy được bảo vệ, chăm sóc, thương yêu, cho nên nỗi khổ, niềm đau đó có thể sớm kết thúc.

Thứ tư, tôi cũng đã đề nghị người mẹ gặp người cậu nói rõ về tội lỗi mà họ từng tạo ra cho cháu mình và mạnh dạn đến xin lỗi bằng hình thức nào đó để cho nạn nhân cảm thấy mình đã được xin lỗi nên dễ dàng tha thứ, bỏ qua, đồng thời, giúp vượt qua mặc cảm tâm lý lâu dài.

Tuy nhiên, phần này rất khó thực hiện, bởi những kẻ thủ ác luôn bào chữa, biện hộ cho mình, thậm chí là còn phủ định, thủ tiêu chứng cứ để không bị rắc rối về luật pháp. Cho nên ít nhất là có những cuộc nói chuyện đó, để nạn nhân thấy người mẹ, cha đã làm việc với kẻ thủ ác rồi.

Từ đó về sau không có một hành vi tương tự nào xảy ra và cháu đó có thể nỗ lực khắc phục, vượt qua. 

Sau 2 năm tư vấn thì thỉnh thoảng cháu đó có đến chùa sinh hoạt cùng mẹ và tôi có hỏi, cả mẹ con đều trả lời cháu đã vượt qua được mặc cảm, xấu hổ đó và mạnh dạn tiếp xúc với những người nam khác", Thượng tọa kể.

Qua sự kiện này, Thượng tọa Nhật Từ cũng nêu rõ, trẻ em chưa đủ nhận thức thì thường nghĩ rằng, người lớn là người bảo hộ, thương yêu, chăm sóc mình cho nên bất cứ một hành động sai lầm nào của người lớn với các cháu là nỗi ám ảnh lớn.

"Ở đây, không chỉ với tình trạng ấu dâm mà còn đối với những hành vi mắng chửi, la, mắng nhiếc không phù hợp với phong cách giáo dục đều để lại ấn tượng khó quên.

Do đó, người lớn phải ý thức và không lạm dụng quyền làm người lớn tạo ra những hành động nào đó mà các con cháu chúng ta sẽ bị day dứt, lo lắng, bất an lâu dài. Đó là điều rất nên tránh", Thượng tọa bày tỏ.

Người thân mà bỏ lơ thì sau này hối hận cũng muộn màng

Câu chuyện thứ hai mà Thượng tọa kể lại là về một bé trai bị người thân pê - đê đã có những hành động dâm ô.

"Cháu đó vùng vẫy, kháng cự thì bị người thân này hăm dọa giết nếu như cho bất cứ người nào biết.

Sau này, cậu bé thấy mình trở thành nạn nhân quá lâu dài, ví dụ mỗi lần sợ báo cho người khác vì tình trạng tai hại đến với mình thì lại bị lợi dụng. Đến lúc, cháu ấy báo cho người thân thì người thân đã báo cho cơ quan chức năng và đã nghiêm xử người thân này.

Thượng tọa Thích Nhật Từ: Cha mẹ hãy biết chậm giàu một chút để lo cho con - Ảnh 2.

Trẻ em cần được bảo hộ lớn, không thể tự giúp đỡ cho mình.

Ám ảnh tâm lý với bé trai này rất lớn và thấy cuộc đời mình mất đi niềm tin ở với người thân, với hình dáng, ứng xử của người na ná giống người thân này.

Việc tư vấn tâm lý đã giúp cho cháu trai này vượt qua nhưng phải rất kiên nhẫn. Bởi ám ảnh tuổi thơ kéo dài đến vài chục năm nếu không nỗ lực khắc phục kịp thời.

Thực tế, việc này kéo dài vài chục năm rồi nên nỗ lực khắc phục không phải dễ. Tuy nhiên, khi lâm hoàn cảnh như thế, người lớn không nên nản lòng mà phải nỗ lực nhờ những người có kinh nghiệm tư vấn, làm thế nào để tháo mở nỗi ám ảnh tâm lý đó để cho người thân chúng ta sống hồn nhiên, vui tươi, hạnh phúc trở lại. Lúc đó, ám ảnh này mới coi là kết thúc.

Qua hai câu chuyện này, tôi cũng muốn nhắn gửi đến các bậc cha mẹ, thà chậm giàu một chút, thà ít giàu một chút để có thời gian dành cho con em mình nhiều hơn, những mâm cơm gia đình, kinh nghiệm sống, kỹ năng sống, nhân cách đạo đức.

Cha mẹ phải là thầy cô giáo trực tiếp nhắc nhở con em rồi cho con em những bài học tự bảo vệ, phòng vệ mình để sau này không phải day dắt điều gì. 

Bởi trẻ em cần được bảo hộ lớn, không thể tự giúp đỡ cho mình. Người thân mà bỏ lơ thì sau này hối hận cũng là muộn màng", Thượng tọa chia sẻ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại