Người Nhật, Bồ, Hà Lan... đem thuốc súng, vũ khí đến đổi, xin lập phố xá ở Việt Nam

B.T sưu tầm, SGK Sử 10 |

Nông nghiệp một thời bị tàn phá do chiến tranh, nước ta từ nửa sau thế kỉ XVII mới dần dần ổn định trở lại.

Tình hình nông nghiệp ở các thế kỉ XVI – XVIII

Từ cuối thế kỉ XV đến đầu thế kỉ XVI, ruộng đất ngày càng tập trung vào tay tầng lớp địa chủ, quan lại. Nhà nước không quan tâm đến sản xuất như trước. Mất mùa, đói kém xảy ra liên miên. Cuộc sống của nông dân trở nên khổ cực, họ đã nổi dậy đấu tranh.

Nông nghiệp một thời bị tàn phá do chiến tranh, từ nửa sau thế kỉ XVII mới dần dần ổn định trở lại.

Ở Đàng Ngoài, nhân dân tiếp tục khai hoang mở rộng diện tích đất canh tác, ở Đàng Trong, các chúa Nguyễn khuyến khích nhân dân khai phá đất hoang, nhanh chóng mở rộng ruộng đồng. Diện tích ruộng đất cả nước tăng lên nhanh chóng. Nhân dân hai miền ra sức tăng gia sản xuất, bồi đắp đê đập, nạo vét mương máng.

Không dừng lại ở các giống lúa cũ, nhân dân còn tìm cách nhân giống, tạo ra hàng chục giống lúa tẻ, lúa nếp vừa giúp cho bữa ăn thêm ngon, vừa cung cấp thóc gạo cho thị trường. Họ cũng trồng thêm khoai, sắn, ngô, đậu, dâu. bông, mía, đay.... Kinh nghiệm "nước, phân, cần, giống" được đúc kết thông qua thực tế sản xuất.

Đặc biệt ở đất Nam Bộ, do đất đai, thời tiết thuận lợi, nhân dân đã sản xuất được nhiều thóc gạo phục vụ thị trường, nâng cao đời sống. Nghề trồng vườn với nhiều loại cây ăn quả ngon như dừa, xoài, dứa... khá phát triển. Đây cũng đồng thời là giai đoạn gia tăng tình trạng tập trung ruộng đất vào tay giai cấp địa chủ phong kiến.

Sự phát triển của thủ công nghiệp

Trong nhân dân, các nghề thủ công cổ truyền như làm gốm sứ, dệt vải lụa, làm giấy, làm đồ trang sức, rèn sắt, đúc đồng... ngày càng phát triển và đạt trình độ cao.

Nhiều nghề thủ công mới xuất hiện như nghề khắc in bản gỗ, nghề làm đường trắng, nghề làm đông hồ, làm tranh sơn mài.

Người Nhật, Bồ, Hà Lan... đem thuốc súng, vũ khí đến đổi, xin lập phố xá ở Việt Nam - Ảnh 1.

Gốm hoa lam Đàng Ngoài thế kỷ XI

Số làng nghề như dệt lụa, lĩnh các loại, làm giấy, làm gốm sứ, nhuộm vải, đúc đồng v.v... tăng lên ngày càng nhiều.

Ở các làng này, cư dân vẫn làm ruộng, tuy nhiên, một số thợ giỏi đã họp nhau rời làng ra các đô thị, lập phường vừa sản xuất vừa bán hàng.

Ngành khai mỏ trở thành một ngành kinh tế phát triển ở cả Đàng Trong và Đàng Ngoài.

Ở Đàng Ngoài, một số người Hoa đã sang xin thầu khai thác một số mỏ, sử dụng nhân công người Hoa. Nhân đó, một số nhà giàu người Việt cũng xin thầu. Lượng kim loại được bán ra thị trường hoặc phục vụ nhà nước ngày càng lớn.

Sự phát triển của thương nghiệp

Từ các thế kỉ XVI - XVII, buôn bán phát triển mạnh ở miền xuôi. Chợ làng chợ huyện, chợ phủ mọc lên khắp nơi và thường họp theo phiên.

Nhân dân vùng Từ Sơn, Bắc Ninh có câu: Đình Bảng bán ấm, bán khay, Phù Lưu họp chợ mỗi ngày một đông.

Nhiều nơi trong nước đã xuất hiện một số làng buôn và trung tâm buôn bán của vùng. Một số nhà buôn lớn đã mua hàng thủ công hay thóc lúa chở thuyền đến đây bán và mua một số sản phẩm địa phương đưa về.

Việc buôn bán giữa miền xuôi và miền ngược cũng tăng lên. Nhà nước lập nhiều trạm ở các ngã ba đường lớn hay bến sông để thu thuế. Ở Đàng Trong, vào thế kỉ XVIII, nhiều nhà buôn - trong số đó có cả người Hoa, đã mua thóc của Gia Định rồi chở ra các dinh miền Trung để bán.

Người Nhật, Bồ, Hà Lan... đem thuốc súng, vũ khí đến đổi, xin lập phố xá ở Việt Nam - Ảnh 2.

Kẻ chợ thế kỷ XVII

Cũng trong thời gian này, do sự phát triển của giao lưu buôn bán trên thế giới và do chủ trương mở cửa của các chính quyền Trịnh, Nguyễn nên ngoại thương phát triển nhanh chóng. Thuyền buôn các nước, kể cả các nước châu Âu, đến nước ta ngày càng nhiều.

Bên cạnh các thương nhân Trung Hoa, Nhật Bản, Gia-va, Xiêm..., xuất hiện những thương nhân Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh, Pháp. 

Họ đã chờ đến nước ta những sản phẩm như vũ khí, thuốc súng, len dạ, bạc, đồng, đồ sứ v.v... để đổi lấy tơ lụa, đường, đồ gốm, các loại nông sản, lâm sản quý... chở đi. 

Nhiều thương nhân nước ngoài như Nhật Bản, Trung Hoa, Hà Lan, Anh, Pháp đã xin lập phố xá, cửa hàng để có thể buôn bán lâu dài.

Ngoại thương phát triển rầm rộ lên trong một thời gian, nhưng đến giữa hế ki XVIII thì suy yếu dần. Chế độ thuế khoá ngày càng phức tạp, quan lại khám xét phiền phức, các chúa cũng xem đây là một nguồn thu nhập lớn.

Theo lời các lái buôn nước ngoài đương thời, thương nhân Hà Lan mỗi lần vào nước ta phải mua tơ xấu của chúa Trịnh đến hàng vạn lạng bạc, trong lúc đó "nợ cũ thì hầu như tuyệt vọng mà bọn quan lại thì ít khi trả tiền ngay, trong khi những việc này không đem trình lên chúa được nếu như không thông qua các bà phi dẫn đến tệ hà lạm nặng nề".

Sự hưng khởi của các đô thị

Sự phát triển của kinh tế hàng hoá đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự hình thành và hưng khởi của đô thị.

Vào các thế kỉ XVI – XVIII, nhiều đô thị mới hình thành ở miền Bắc và miền Nam. Khu cư dân Thăng Long cũng phát triển với tên Kẻ Chợ gồm 36 phố phường và 8 chợ.

Một thương nhân nước ngoài đã mô tả : "Các phố ở Kẻ Chợ đều rộng, đẹp và lát gạch từng phần..." Một thương nhân khác nói thêm : "Tất cả những vật phẩm khác nhau bán trong thành phố này đều được dành riêng cho từng phường..."

Phố Hiến (phía nam thị xã Hưng Yên ngày nay) ra đời và phát triển phồn thịnh. Nhân dân có câu ‘Thứ nhất Kinh Kì, thứ nhì Phố Hiến ". Theo người phương Tây mô tả, bấy giờ Phố Hiến có khoảng 2000 nóc nhà.

Hội An là thành phố cảng lớn nhất ở Đàng Trong (trên đất Quảng Nam ngày nay), phát triển chủ yếu ở các thế kỉ XVII - XVIII.

Người Nhật, Bồ, Hà Lan... đem thuốc súng, vũ khí đến đổi, xin lập phố xá ở Việt Nam - Ảnh 4.

Người Đàng Trong xem hát bội qua tranh của John Barrow trong sách in tại London, Anh, năm 1806

Giáo sĩ Bo-ri đã viết : "Hải cảng đẹp nhất, nơi mà thương nhân ngoại quốc thường lui tới buôn bán là hải cảng thuộc tỉnh Các-ci-am (Quảng Nam)... Thành phố đó lớn lắm, đến nỗi người ta có thể nói nó có 2 thị trấn, một của người Trung Quốc và một của người Nhật Bản." (Tường trình về vương quốc Đàng Trong)

Thanh Hà cũng là một đô thị mới hình thành ở trên bờ sông Hương, gần Phú Xuân (Huế) do các thương nhân Trung Hoa thành lập với sự đồng ý cùa chúa Nguyễn. Trao đổi buôn bán ở đây khá sầm uất và người đương thời đã gọi là "Đại Minh khách phố".

Ngoài ra, còn có một số trung tâm buôn bán nhỏ hơn, phồn vinh một thời.

Vào đầu thế kỉ XIX, do nhiều nguyên nhân khác nhau, các đó thị suy tàn dần, thậm chí không còn được nhắc đến, trừ Thăng Long.

Bài viết nhằm giúp cho độc giả nào chưa có điều kiện tìm hiểu lịch sử nước nhà có thêm kiến thức tham khảo, theo tinh thần "Dân ta phải biết Sử ta". Nguồn: SGK Sử lớp10 , tr 111-112-113-114-115.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại