Người nghèo là nhóm người dễ bị tổn thương nhất khi đối mặt với thiên tai, bởi họ thiếu các nguồn lực để tự phục hồi. Chứng kiến những tổn thất của bà con, Dự án Nhà An Toàn (Chương trình Nhà Chống Lũ) đã sát cánh để tìm ra giải pháp giúp người dân thích ứng với tình trạng lũ lụt hàng năm và hướng đến một cuộc sống bền vững hơn.
“Con nhớ đốt nhang nha, cầu nguyện ông bà cho nhà đừng có sập”
Đứng trước những cơn thịnh nộ của tự nhiên, con người trở thành những sinh vật bé nhỏ đến lạ thường. Đặc biệt càng nhỏ bé hơn khi họ lại là những người nằm nơi “rốn lũ”, mỗi năm phải đối mặt không biết bao lần với những cơn bão dữ tưởng chừng có thể nuốt chửng tất cả. Những căn nhà của họ cứ bao lần dựng lên rồi lại bị cuốn trôi, kéo theo bao tài sản tích cóp cũng theo đó mà tan theo từng cơn sóng.
Những hình ảnh đau thương trong trận lũ lịch sử ở Quảng Bình vào năm 2020 - Ảnh: Ngọc Thắng.
Theo số liệu thống kê, trong suốt 20 năm qua, Việt Nam đã phải đối mặt với hàng trăm cơn bão. Các cơn bão kèm theo mưa lớn, gây ngập lụt diện rộng, dẫn tới những thiệt hại nghiêm trọng cả về người và tài sản. Hàng trăm nghìn ngôi nhà đã bị phá hủy, hàng nghìn người đã rơi vào tình trạng mất tích hoặc bị thương.
Những cơn bão dường như đã trở thành nỗi ám ảnh trong từng bữa cơm, giấc ngủ của người dân nơi đây. Bất lực trước tự nhiên, họ chỉ có thể mong chờ vào sự che chở của ông bà tổ tiên - những thế lực tâm linh giúp họ bình an vượt qua nguy nan sóng gió.
“Cứ mưa lớn là bị tạt, mà gió ở đây là trên ruộng á, gió mà giông dữ lắm, sợ lắm nha. Tôi hay nói với con: “Miễn mẹ đi đâu, con ở nhà con nhớ đốt nhang nha, cầu nguyện ông bà cho nhà đừng có sập” - Một người dân kể lại câu chuyện của chính mình khi sống trong vùng lũ.
Giấc ngủ của họ cũng chập chờn cùng những nỗi lo âu, sợ hãi. Và đây là những chia sẻ mà chúng tôi vẫn thường nghe:
“Tôi ban đêm ngủ là sợ luôn mà, sợ lúc đó nó sập, rồi sợ nước ngập ở dưới lên rắn nhiều dữ lắm”.
“Ba cái nền rách hết trơn, bể hết trơn còn gì đâu nữa”.
“Khuya gió bay tùm lum hết, ở không được, sợ”.
“Mưa là chuẩn bị chạy thôi á, tôi chuẩn bị sẵn đồ rồi lũ đến là ôm theo chạy, rồi còn cái gì bay thì bay đi”.
Những nỗi sợ, những lần chạy bão cứ đằng đẵng bám theo con người xứ này có khi gần như hết cả một đời. Cho đến khi nhiều gia đình may mắn nhận được sự trợ từ dự án Nhà An Toàn thuộc Chương trình Nhà chống lũ của Quỹ Sống Foundation.
“Mình sẽ xây lại các ngôi nhà đã sập cho họ. Những ngôi nhà có khả năng chống lũ, chống bão”.
Vào năm 2013, ý tưởng về những ngôi nhà an toàn trong mùa lũ lần đầu được nhen nhóm khi đội ngũ của Dự án nhìn thấy một căn nhà gỗ đặt trên khung bê tông có tuổi đời lên đến gần 100 tuổi ở huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh vẫn vững vàng “sống qua” bao mùa lũ.
Bà Phạm Thị Hương Giang (Jang Kều) - Chủ tịch Hội đồng Sáng lập Quỹ Sống, nhà sáng lập Nhà An Toàn chia sẻ: “Bà con đều mong muốn gắn bó với mảnh đất quê hương, họ không muốn rời đi. Vậy thì, mình sẽ xây lại các ngôi nhà đã sập cho họ. Nhưng ngôi nhà có khả năng chống lũ, chống bão”.
9 mô hình nhà an toàn được triển khai bởi đội ngũ dự án (Ảnh Dự án Nhà An toàn)
Sau khi tìm hiểu, Dự án nhận thấy mức chi phí tối thiểu mà cộng đồng có thể chung tay đóng góp để xây nền tảng cho một ngôi nhà an toàn là khoảng 25 triệu đồng, phần còn lại sẽ cần người thụ hưởng phải tự nỗ lực vì chất lượng sống của gia đình mình.
Từ năm 2013 đến nay, Nhà An Toàn không chỉ đem tới hơn 1.000 ngôi nhà vững chãi và an toàn hơn cho người dân khi lũ về, mà còn để lại những giá trị khoa học, kinh nghiệm quý báu hứa hẹn giúp nhân rộng giải pháp được gói gọn trong cuốn Cẩm nang đặc biệt.
“Nhà chống lũ sẽ đưa ra một cái lõi để đảm bảo tính mạng cũng như những nhu cầu cơ bản của con người, đó là nghỉ ngơi. Phần còn lại người dân có quyền tự cơi nới dựa trên cái lõi đó để phù hợp với nhu cầu mở rộng của bản thân gia đình” - Kiến trúc sư Trần Hữu Khoa của dự án chia sẻ.
Dự án đã đưa ra 9 mô hình nhà an toàn thuộc 3 nhóm giải pháp là Nhà kê nền, Nhà có gác và Nhà phao.
Nhóm 1 là Nhà kê nền gồm nhà kê nền thấp, nhà kê nền cao và nhà kê nền linh hoạt.
Nhóm 2 là nhóm Nhà có gác, bao gồm 2 mô hình chính là Nhà hai gác và nhà có gác xép tránh lũ. Ở mỗi mô hình chính lại có các mô hình nhỏ khác.
Cuối cùng là nhóm Nhà phao, bao gồm Nhà phao biệt lập và Nhà phao gắn liền nhà xây. Đặc biệt là Nhà phao biệt lập thường được áp dụng cho các khu vực có mức lũ cao với biên độ dao động lớn từ 4-14m, ngâm lâu từ 3-10 ngày và không có dòng chảy xiết.
Những mô hình Nhà An toàn ở đây không chỉ là sản phẩm tồn tại trên giấy hay sinh ra từ "phòng thí nghiệm". Đây là sự đúc kết, viết lại, miêu tả… từ thực tế của những người thuộc Quỹ Sống Foundation cùng các cộng sự, đối tác, nhà tài trợ đem đến 11 tỉnh thành trên khắp 3 miền đất nước trong 10 năm qua.
Cùng với đó, qua quá trình hoạt động thực tiễn, dự án cũng đã phát triển bộ 7 tiêu chí chọn hộ dân tham gia bao gồm:
- Hộ dân nằm trong khu chịu ảnh hưởng bởi thiên tai và biến đổi khí hậu
- Hộ dân có nhu cầu và động lực xây nhà an toàn
- Hộ dân thuộc đối tượng nghèo, cận nghèo hoặc có hoàn cảnh khó khăn
- Hộ dân có đông thành viên và có nhân khẩu trẻ (Không hỗ trợ các hộ gia đình neo đơn hoặc chỉ có người già sinh sống)
- Phần đất xây dựng là đất ở, có bằng chứng sở hữu hợp pháp, không có tranh chấp, không thuộc diện quy hoạch hoặc di dời.
Với khoản khởi đầu 200 triệu đồng thu được sau buổi gây quỹ đầu tiên đã giúp Dự án Nhà An toàn hỗ trợ xây dựng 05 căn nhà ở xã Sơn Thịnh, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh. Đó cũng là viên gạch đầu để Dự án Nhà An Toàn (Chương trình Nhà Chống Lũ) tiếp tục mở rộng và phát triển trong suốt 10 năm qua.
Trải qua hành trình 10 năm, con số này đã lên đến 1153 ngôi nhà trên khắp 3 miền đất nước, tại 11 tỉnh thành, như Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Sóc Trăng, Hậu Giang…
Con tôi hỏi sao 3,4 đêm má không ngủ, tôi nói “Mừng quá con ơi”
Với những nỗ lực của mình, các thành viên dự án “Nhà chống lũ” đã giúp giảm thiểu thiệt hại về tài sản cho tới 80% số hộ dân trên các tỉnh thành bị ảnh hưởng bởi cơn bão và lũ, khiến 90% hộ dân không còn phải lo lắng khi mùa bão đến. Gần 100% số hộ dân trở nên tự tin hơn trong tương lai, và 85% hộ dân bày tỏ sự hài lòng hơn về cuộc sống.
Có lẽ những con số chỉ là con số khô khan nếu không trực tiếp một lần nhìn thấy những nụ cười hạnh phúc, tiếng hỏi han niềm nở bao giờ nhà xây xong hay câu tự hào đầy giản dị mà quá đỗi đáng yêu "Nhà của tui là đẹp nhất đây!" của những bà con nơi đây.
Mùa bão năm 2021, ông Sinh, một hộ dân có nhà an toàn, ngồi tựa vào cột bê tông của chiếc cầu thang đi lên gác chống lũ, mỉm cười vung tay nói: “Giờ có nhà mới rồi, lũ đến thì đứng trên gác vẫy tay chào lũ thôi”.
“Nhà mới thì ở thoải mái hơn rồi. Ngủ ngon giấc”.
“Chị thích cái nhà lắm, mình đi làm, con cái ở nhà mình đỡ lo hơn chút, thấy cũng vui vui”.
Hoặc cũng có những người chẳng thể ngủ bởi:
“Ba bốn đêm tôi không ngủ. Con tôi hỏi sao má không ngủ, tôi nói “Mừng quá con ơi”.
Đây có lẽ cũng chính là động lực để những thành viên trong dự án Nhà An toàn kéo dài niềm tin, nhiệt huyết suốt 10 năm qua.
Với những bà con nơi đây, một ngôi nhà an toàn kiên cố giúp họ an tâm dù đứng trước cơn bão là ước mộng lớn nhất cả đời người. Và càng tự hào, trân quý hơn khi những căn nhà này được xây nên từ chính công sức của họ. Khiến họ có thể đầy tự hào cười thật tươi mà nói: “Nhà của tôi là đẹp nhất đây!”.
Anh Nguyễn Văn Tuấn - Phụ trách địa bàn Miền Tây cho biết: “Quan trọng của dự án nhà chống lũ là mỗi một hộ gia đình phải có tiền đối ứng, nghĩa họ phải đóng góp tài chính cho việc xây nhà của họ. Họ cũng sẽ đóng góp công của mình vào trong đó. Từ đó họ sẽ biết giữ gìn và quý trọng hơn. Những gì họ đã đóng góp vào nhà của mình”.
Cụ thể, với Nhà An toàn, các hộ dân phải có đối ứng ít nhất 50% kinh phí xây dựng. Dự án sẽ hỗ trợ kinh phí từ 20 - 35 triệu đồng đối với nhà cải tạo và từ 35 - 50 triệu đồng đối với nhà xây mới. Hộ dân cần đối ứng phần kinh phí còn lại để hoàn thiện căn nhà. Dự án sẽ hỗ trợ thiết kế xây dựng. Hộ dân cần tham gia trong suốt quá trình thiết kế để phương án xây dựng phù hợp với hoàn cảnh và nhu cầu của hộ.
Sau khi chủ hộ, dự án đi tới thống nhất, họ sẽ cùng Đại diện Chính quyền địa phương, ký bản cam kết hỗ trợ giữa 3 bên. Quá trình thi công nhà sẽ được tiến hành càng sớm càng tốt dưới sự giám sát và theo dõi chặt chẽ. Sau trung bình khoảng 2-4 tháng, ngôi nhà hoàn thành, được nghiệm thu, kinh phí được giải ngân thành 2 lần giữa và sau khi kết thúc quá trình thi công. Và cuối cùng là bàn giao và để người dân đưa ngôi nhà vào sử dụng.
Từ các thành viên Quỹ, cho đến các chuyên gia, kiến trúc sư, tất cả mọi người cùng nhau lăn lộn, dốc hết thời gian, tâm sức để đến tận nơi, khảo sát các địa bàn, bám sát từng căn nhà khi chúng được xây lên. Hay các mạnh thường quân và cán bộ địa phương khắp nơi, luôn sẵn sàng chung tay cùng Quỹ, đầu tư tiền tài, vật lực cho người dân...
Theo anh Đinh Bá Vinh - một kiến trúc sư của dự án Nhà an toàn, những ngôi nhà này dù không phải những ngôi nhà khang trang bề thế nhất, những dự án với số tiền lớn nhất nhưng để lại trong anh tình cảm sâu nặng nhất:
“Là một kiến trúc sư, sau khi làm xong một căn nhà, thường thường tình cảm đối với chủ nhà và căn nhà sẽ phai nhạt dần. Nhưng riêng với căn nhà chống lũ thì ngày càng trở nên gắn bó hơn”.
Sự gắn bó không chỉ bởi vì chúng là căn nhà do anh thiết kế mà còn bởi, phía dưới mỗi mái nhà vững chãi, sau mỗi bức tường mới được xây nên, là cả tấm lòng biết ơn, tình thân của những người dân nơi “rốn lũ”.
“Khi mà trở về các vùng lũ và gặp lại những người dân thì tôi như người thân của họ trở về nhà, đến nhà này mà không đến nhà kia cũng là một chuyện khó khăn” - Anh Lương Hùng - Trưởng ban xây dựng và Kỹ thuật - chia sẻ.
Với mục tiêu dần chuyển đổi mô hình Quỹ Sống từ “Quỹ hành động vì cộng đồng” sang “Quỹ của cộng đồng hành động”, Dự án Nhà An toàn đã bước đầu tìm kiếm những cơ hội hợp tác với các nhóm Đối tác tại địa phương (với các nhân sự có kinh nghiệm và chuyên môn trong lĩnh vực kiến trúc và công tác xã hội) nhằm chuyển giao phương pháp và trực tiếp triển khai Dự án tại các địa phương. Trong quá trình các nhóm Đối tác triển khai công việc, Dự án Nhà An toàn luôn có những hỗ trợ về kinh nghiệm, bài học khi làm việc với các hộ dân và chính quyền địa phương, hỗ trợ kỹ thuật trong khâu thiết kế nhà. Cán bộ Dự án cũng thường xuyên tham gia giám sát thực địa cùng với các nhóm Đối tác để có những hỗ trợ thực tế và kịp thời.
Những ngôi nhà vững chắc trước cơn bão không chỉ là biểu tượng của sức mạnh chung, mà còn góp phần thúc đẩy tinh thần lạc quan và sự tin tưởng vào khả năng vượt qua khó khăn trong tương lai, trở thành niềm hy vọng sống mãnh liệt, khắc sâu vào tâm hồn của cộng đồng, mang đến niềm tin rằng mỗi khó khăn đều có thể vượt qua khi tất cả chung tay đoàn kết.
Sau 10 năm, Dự án Nhà An toàn vẫn tiếp tục hoạt động và duy trì với mục tiêu đem đến nhiều hơn nữa những ngôi nhà chống lũ. Vì sứ mệnh thiết thực và những con số kết quả ấn tượng, dự án Nhà an toàn đã ghi tên mình vào danh sách tham gia Giải thưởng hành động vì cộng đồng - Human Act Prize, thuộc hạng mục Dự án - Hạng mục vinh danh những dự án cộng đồng, CSR hoặc Phát triển bền vững có những sáng kiến đột phá, tạo được tác động sâu rộng, bền vững hoặc giải quyết được những vấn đề cấp thiết của xã hội.
Sự xuất hiện của Dự án nhà An toàn trong danh sách Giải thưởng hành động vì cộng đồng có thể xem như một bước ngoặt mới mẻ, giúp dự án lan tỏa được nhiều hơn những câu chuyện nhân văn, giá trị đến với cộng đồng.
"Giải thưởng thành động vì cộng đồng - Human Act Prize" do báo Báo Nhân Dân chỉ đạo tổ chức, với sự tham gia đồng hành của, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, cùng sự phối hợp tổ chức của Công ty Cổ phần VCCorp nhằm tôn vinh các cá nhân, tổ chức có những đóng góp tích cực cho xã hội thông qua những sáng kiến, dự án cộng đồng uy tín, mang lại hiệu quả lâu dài và bền vững.
Các dự án tham gia giải thưởng sẽ được đánh giá dựa trên 5 tiêu chí đại diện cho các giá trị và Giải thưởng Hành động vì Cộng đồng - Human Act Prize đang thúc đẩy, bao gồm tính cam kết, tính bền vững, tính sáng tạo, tính tác động, tính lan tỏa.
Rất mong giải thưởng có thể nhận thêm nhiều sự quan tâm cũng như đóng góp của cộng đồng!
Website chính thức: https://humanactprize.org
Fanpage: https://www.facebook.com/HumanActPrize