Thượng đỉnh Mỹ - Nga: "Mới khởi động, chưa khởi đầu" và cuộc chơi quyền lực mang tên G2

Đại sứ Trần Đức Mậu |

Kết quả cuộc gặp giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 16/7 vừa qua ở thủ đô Helsinki của Phần Lan có thể được đánh giá rất khác nhau.

Mối quan hệ hai nước tiến vào thời kỳ mới

Trên phương diện này và cả về diễn biến của cuộc gặp, nó không khác gì nhiều cuộc thượng đỉnh đầu tiên trong lịch sử giữa Mỹ và Triều Tiên được tiến hành vào ngày 12/6 vừa rồi ở Singapore giữa ông Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Không ai ở bên ngoài biết ông Trump và ông Putin đã trao đổi và nhất trí với nhau những gì ở cuộc gặp riêng kéo dài hơn 2 giờ đồng hồ trước khi tiếp tục trao đổi ở diện tham dự rộng hơn.

Người ta chỉ có thể dựa vào những phát biểu của hai người này ở cuộc họp báo chung để nhận xét và vì thế mọi nhận xét có thể dễ dàng trở nên phiến diện và chủ quan.

Người ta coi cuộc gặp cấp cao giữa Mỹ và Nga này không thành công vì không thấy ông Trump và ông Putin đưa ra được kết quả cụ thể nào, vì không có tuyên bố chung.

Nhưng nếu nhìn vào mức độ hài hoà rất rõ và thân thiện rất cao giữa hai người này thì lại không thể cho rằng cuộc gặp không thành công.

Nếu dùng việc giải quyết mọi vấn đề đang đặt ra cho Mỹ và Nga làm tiêu chí để đánh giá cuộc gặp thành công hay thất bại thì cuộc gặp cấp cao này giữa Mỹ và Nga không thể được coi là thành công.

Ông Trump bắt tay ông Putin tại thượng đỉnh Mỹ - Nga ở Helsinkil.

Nhưng nếu lưu ý đến mức độ nan giải và tính nhạy cảm về đối nội của các vấn đề ấy thì sẽ chỉ là ảo tướng khi kỳ vọng ông Trump và ông Putin giải quyết được mọi vấn đề kia ở ngay lần gặp cấp cao đầu tiên.

Khi ấy sẽ phải thấy chỉ cần họ gặp nhau thôi, trao đổi thẳng thắng với nhau thôi, thiết lập mối quan hệ cá nhân với nhau để hiểu và tin cậy lẫn nhau, để cùng xác định mục tiêu và định hướng lộ trình vươn tới mục tiêu ấy cho thúc đẩy quan hệ song phương cũng như giải quyết các vấn đề chính trị an ninh thế giới đang đặt ra thì đã đủ để làm cho cuộc gặp này thành công, thậm chí rất thành công.

Điều đáng kể hơn cả ở sự kiện này là ông Trump và ông Putin hiện đã làm tất cả những gì có thể làm được để đem lại thay đổi cơ bản cho mối quan hệ giữa hai nước và dùng cơ chế quan hệ giữa hai nước làm hạt nhân và trụ cột cho việc cùng nhau xử lý các vấn đề của thế giới hiện đại.

Trong bối cảnh tình hình hiện tại ở Mỹ và trên thế giới, họ không thể làm gì được hơn.

Đối với ông Trump, hiện tại vẫn còn quá sớm để có thể có được mức độ quan hệ của Mỹ với Nga như mong muốn.

Đối với ông Putin, hiện tại vẫn chưa phải là quá muộn để có thể cùng ông Trump dẫn dắt mối quan hệ giữa hai nước bước vào thời kỳ mới.

Cuộc chơi giữa hai vị tổng thống

Ở cuộc gặp nhau này tại Helsinki, ông Trump và ông Putin chưa gây dựng được sự khởi đầu mới cho quan hệ giữa Mỹ và Nga nhưng đã khởi động cơ chế trao đổi và tham vấn tay đôi giữa hai nước để xử lý các vấn đề của thế giới.

Họ không đi từ chỗ có quan hệ hợp tác song phương tốt từ trước để cùng giải quyết các vấn đề của thế giới mà tiếp cận theo hướng qua việc cùng nhau giải quyết các vấn đề của thế giới để tạo lợi ích và động lực cải thiện và thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương.

Cách tiếp cận này giúp ông Trump vô hiệu hoá được mọi sự chống đối và cản phá ở trong nước và giúp ông Putin phân hoá được ông Trump với phe cánh chống Nga ở Mỹ cũng như giữa Mỹ với các đồng minh và đối tác chiến lược của Mỹ.

Cho nên ngoài vấn đề Crimea ra, người ngoài chỉ thấy ông Trump và ông Putin - thể hiện trong cuộc họp báo chung - tiền hô hậu ủng, "kẻ tung người hứng" trong tất cả những chủ đề nội dung khác trên chương trình nghị sự của cuộc gặp.

Nào là phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên hay thực hiện thoả thuận Minsk cho Ukraine. Nào là hoà bình cho Syria hay tiếp tục giải trừ vũ khí hạt nhân.

Ông Putin đã không làm khó cho ông Trump với những đòi hỏi mà ông Trump khó có thể đáp ứng ngay được như công nhận Crimea thuộc về Nga, rút quân đội Mỹ ra khỏi châu Âu hay Syria hoặc chấm dứt trừng phạt Nga và chấm dứt tập trận chung với NATO ở châu Âu.

Ông Trump cũng đâu có đòi Nga phải từ bỏ Crimea mà chỉ coi chuyện tiếp nhận Crimea là bất hợp pháp cũng như không ép buộc Nga phải từ bỏ thoả thuận về giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Iran - những việc mà ông Putin không muốn làm và cũng khó có thể làm nổi.

Thượng đỉnh Mỹ - Nga: Mới khởi động, chưa khởi đầu và cuộc chơi quyền lực mang tên G2 - Ảnh 3.

Từ đó có thể thấy hai người này ngay từ đầu đã không đặt ra mục tiêu cho cuộc gặp là nhất trí về giải pháp cụ thể cho các vấn đề.

Họ muốn thiết lập quan hệ cá nhân, muốn hình thành cơ chế đối thoại và tham vấn tay đôi, muốn chơi cuộc chơi chính trị quyền lực và chính trị thế giới riêng (G2).

Ông Putin có được sự công nhận bằng vai phải lứa cho nước Nga từ phía Mỹ.

Ông Trump có được sự xác nhận trước thế giới của Nga về việc Nga không can thiệp vào bầu cử ở Mỹ, thể hiện khả năng làm nổi những chuyện mà người tiền nhiệm không làm được hoặc không muốn làm, phát đi thông điệp rõ ràng là không vì quan hệ với đồng minh và đối tác trong NATO và EU là không chơi cuộc chơi riêng kia với Nga.

Chỉ cần nhìn vào phản ứng của các đồng minh và đối tác này của Mỹ cũng đủ để thấy tác động của thông điệp ấy và cuộc gặp thành công như thế nào đối với ông Putin và nước Nga.

*Tiêu đề do tòa soạn đặt lại

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại