Chuyện lương thưởng Tết của dân ngân hàng mấy ngày gần đây đang rất rộn ràng. Đặc biệt là hầu hết các ngân hàng đang đua nhau "ting ting" thưởng Tết. Mức thưởng Tết của một số ngân hàng cũng rất hậu hĩnh, lên tới 6 tháng lương, như Xuân Lê (Hà Nội, nhân viên ngân hàng lâu năm) cho hay: "Với quản lý, sẽ có mức thưởng lên tới 100 triệu/năm, hay thưởng 50 triệu/năm cho chuyên viên cứng là bình thường". Nhiều nhân viên công tác trong các ngành nghề khác khi nghe thấy mức thưởng Tết này cũng ngậm ngùi: "Không biết còn ngân hàng nào cần nhân viên không để mình ứng tuyển...".
Tuy vậy, những áp lực mà dân ngân hàng phải trải qua để nhận được mức thưởng Tết này phải gọi là kể không hết. Một trong số đó là thời gian nghỉ Tết rất muộn, nhiều người còn chẳng kịp về quê để đón giao thừa cùng gia đình. Theo lịch nhà nước, nhiều ngân hàng sẽ hoạt động đến ngày 29 Tết âm. Nhưng vì nhu cầu giao dịch của người dân tăng cao, một số ngân hàng đã thông báo tiếp tục mở cửa phục vụ khách hàng đến hết ngày 30 Tết. Với lịch làm việc kín thế này, nhiều người đặt ra câu hỏi cho dân ngân hàng: "Làm việc xuyên Tết thế này để đổi lại mức thưởng cao như thế liệu có xứng đáng không?".
Để trả lời cho câu hỏi này, cùng gặp gỡ 2 nhân viên ngân hàng có lịch làm việc đến chiều 30 Tết:
1. Nguyễn Đạt (28 tuổi, Hạ Long), hiện đang làm giao dịch viên ngân hàng chi nhánh Hà Nội, có lịch làm việc đến chiều 30 Tết.
2. Hương Lê (25 tuổi, Hà Nội), nhân viên kinh doanh, được thông báo ngừng phục vụ hết chiều 28 Tết, nhưng phải xử lý giấy tờ và nội bộ đến tận chiều 30 Tết mới xong.
Không còn hào hứng khi nhận được thưởng Tết
Nhiều người hay nói đùa rằng "Nếu được thưởng 100 triệu thì nguyện ý làm xuyên Tết". Nhưng chỉ những người trong cuộc mới thấu hiểu cái cảm giác - muốn nhận thưởng Tết ít lại chút để còn có thời gian về quê. Nguyễn Đạt là người có gia đình rồi nên càng thấy Tết càng nôn về nhà: "Mình và vợ đều công tác ở Hà Nội, vợ mình thì có lịch nghỉ Tết sớm hơn khoảng 4 ngày. Vì không thể đợi mình đến 30, nên 26 Tết vợ mình đã về trước để lo toan cho 2 bên gia đình. Quả thực, chỉ 4 ngày trên Hà Nội thôi mà mình nhớ nhà không chịu được. Con cái và vợ đều đã về quê, chỉ có mình túc trực căn nhà nhỏ, ngày đi làm áp lực, tối về lại phải tăng ca.
Nhiều dân ngân hàng làm việc đến tận 30 Tết (Ảnh minh họa Pinterest)
Dù đã được nhận thưởng Tết rồi, nhưng mình cũng chẳng còn thấy hào hứng như trước. Thưởng Tết ngân hàng cao thật đấy, nhưng nó chỉ làm nhẹ đi gánh nặng tài chính ngày Tết thôi. Còn cái cảm giác cô đơn, chán chường những ngày cuối năm, thì tiền bao nhiêu cũng không cảm thấy đủ".
Với Hương Lê, giữa cái thời tiết 10 độ C này, một mình vẫn phải cặm cụi ở Hà Nội làm việc, chỉ vì tiền thưởng cuối năm. "Càng cận Tết, giao dịch càng nhiều hơn khiến lượng công việc mình tăng gấp 3-4 lần những tháng khác trong năm. Chưa kể còn phải liên tục làm việc cùng khách hàng để xử lý những vấn đề liên quan. Nhìn bạn bè về quê ăn Tết từ 25, 27 mà thấy ham, cũng thấy buồn tủi. Trong năm thì không có ảnh hưởng gì, nhận lương còn thấy tự hào vì thu nhập hơn bạn bè một chút. Nhưng cứ đến những ngày cuối năm thế này, nhiều khi chạy xe đi làm về muộn lại tự hỏi 'Mình có cần phải làm việc đến mức này hay không?'.
Niềm an ủi duy nhất mấy ngày này của mình, chắc là khoảng thưởng gần 4 tháng lương kia. Đây cũng là mức thưởng mình xứng đáng nhận được cho khoảng thời gian làm việc vất vả cả năm. Khoản thưởng nói ít thì không ít, mà nói nhiều thì cũng là bằng công sức lao động dưới áp lực trong mấy năm trời. Để nhận được khoản thưởng Tết mà nhiều người mơ ước, cũng chẳng phải điều dễ dàng gì cả. Có những năm, nhận thưởng xong còn chẳng kịp gửi để bố mẹ sắm Tết nữa".
Vậy dân ngân hàng làm gì với khoản tiền thưởng Tết?
Không có thời gian chạy về quê phụ gia đình sắm Tết, Nguyễn Đạt đành gửi vợ tiền lương đem về quê trước. Còn riêng khoản thưởng Tết này, anh dự định chi cho một số công việc khác: "Ai làm ngân hàng thì chắc cũng có tài khoản tín dụng. Cá nhân mình cũng vậy, thường cuối năm là thời gian để thanh toán các khoản nợ thấu chi trong năm. Mình thường không sử dụng tiền tiết kiệm để đầu tư, mà dựa vào các khoản vay tín dụng, vừa dễ xoay vốn, vừa tận dụng được lợi thế của lãi suất trong năm. Vậy nên, cuối năm thì số tiền thưởng này sẽ dành để trả nợ, nếu còn dư thì sẽ bỏ vào tài khoản tiết kiệm ngân hàng. Vì tính tiền lương cuối năm của 2 vợ chồng cũng đã đủ tiêu Tết. Gia đình mình cũng ăn Tết hết sức đơn giản, không cầu kỳ để tránh tốn kém thêm".
Thưởng Tết là động lực giúp dân ngân hàng chấp nhận về quê ăn Tết muộn (Ảnh minh họa Pinterest)
Vì không có dư nợ cuối năm, nên Hương Lê cho biết, hầu hết số tiền lương thưởng Tết cuối năm cô chẳng bao giờ tiêu hết được: "Thời gian làm việc lại của ngân hàng rất sớm. Lịch nhà nước thì mùng 6 Tết là quay trở lại làm bình thường, tính ra mình còn chưa đến 1 tuần để ăn Tết cùng gia đình. Vậy nên, mình chỉ có khoản tiền biếu Tết bố mẹ là nhiều, chiếm 1 phần nhỏ lương thưởng trong năm. Trong Tết cũng chẳng phát sinh gì, quần áo mình còn không bận tâm sắm sửa, vì 3 ngày Tết có đi đâu.
Không năm nào mình tiêu hết lương thưởng Tết cả. Với nếp sống chi tiêu tiết kiệm, mình cũng không ôm mộng làm giàu nên chẳng đầu tư gì, chỉ kiếm sống bằng lương thưởng. Tiền kiếm được hàng tháng cũng chỉ để chi tiêu cho sinh hoạt, gửi bố mẹ ở quê chút ít, còn lại cứ gửi tiết kiệm ngân hàng. Dồn được kha khá thì đem mua vàng tích trữ, dùng cho trường hợp khẩn cấp thì đem bán. Bạn bè mình hay trêu mình sống không có chí tiến thủ, cứ làm riết 1 công việc không thay đổi. Nhưng với người thích sự ổn định như mình, làm việc trong ngân hàng tuy áp lực thật, nhưng tiền lương thưởng cứ đều đặn vậy cũng đủ dùng. Cố làm vài năm tích lũy được chút ít, thì mình sẽ mở 1 cửa hàng quần áo nhỏ để kinh doanh. Còn hiện tại, mình cũng đành chấp nhận những áp lực này để đổi lấy cuộc sống mơ ước trong tương lai!".
Đạt và Hương cũng khép lại chia sẻ của mình tại đây!