Thuốc trị Covid-19 cháy hàng

XUÂN MAI |

Merck đã ký thỏa thuận bán hơn 3 triệu liệu trình trong khi Pfizer đang thảo luận tích cực với 90 quốc gia về các hợp đồng cung cấp thuốc.

Bé gái được tiêm vắc-xin Pfizer tại Trung tâm Y tế Trẻ em Cohen ở New York - Mỹ hôm 4-11 Ảnh: REUTERS

Bé gái được tiêm vắc-xin Pfizer tại Trung tâm Y tế Trẻ em Cohen ở New York - Mỹ hôm 4-11 Ảnh: REUTERS

Ông Albert Bourla, giám đốc điều hành của hãng dược Pfizer, nói với đài CNBC rằng công ty này dự kiến nộp dữ liệu lên Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) trước ngày 25-11 để xin cấp phép sử dụng khẩn cấp đối với thuốc viên trị Covid-19 mang tên Paxlovid.

Hãng dược Mỹ này hôm 5-11 thông báo kết quả tích cực về cuộc thử nghiệm lâm sàng thuốc Paxlovid. Một ngày trước đó, Anh trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới phê duyệt sử dụng thuốc kháng virus Molnupiravir của Công ty Merck (Mỹ). Molnupiravir hiện được phép sử dụng cho những người mắc Covid-19 từ nhẹ đến trung bình và có nguy cơ chuyển nặng.

Theo Reuters, số liệu trong các cuộc thử nghiệm do 2 công ty cung cấp cho thấy thuốc Paxlovid của Pfizer hiệu quả hơn nhưng hãng này chưa cung cấp dữ liệu đầy đủ.

Theo kết quả thử nghiệm của Pfizer, Paxlovid đạt hiệu quả 89% trong việc giảm nguy cơ nhập viện hoặc tử vong ở những bệnh nhân có nguy cơ trở nặng trong 3 ngày điều trị từ lúc phát hiện triệu chứng. Paxlovid cũng đạt hiệu quả 85% đối với bệnh nhân uống thuốc trong vòng 5 ngày kể từ khi có triệu chứng.

Về phía Merck, hãng này hôm 1-10 cho biết thuốc Molnupiravir giúp giảm khoảng 50% nguy cơ nhập viện hoặc tử vong ở những bệnh nhân có nguy cơ bệnh nặng nếu uống thuốc trong vòng 5 ngày kể từ khi có triệu chứng. Liệu trình của Pfizer là 3 viên buổi sáng và 3 viên buổi tối trong khi liệu trình của Merck là mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 4 viên.

Tuy 2 hãng dược nói trên chỉ mới công bố các dữ liệu giới hạn nhưng họ đều tỏ ra tin tưởng vào sự an toàn của thuốc. Pfizer cho hay khoảng 20% bệnh nhân uống thuốc của hãng hay uống giả dược gặp phải phản ứng phụ, hầu hết là nhẹ. Trong khi đó, Merck cho biết tỉ lệ gặp phản ứng phụ trong cuộc thử nghiệm của họ lần lượt là 12% ở bệnh nhân dùng thuốc và 11% người dùng giả dược.

Cả hai hãng Pfizer và Merck đang nỗ lực mở rộng khả năng tiếp cận thuốc - được xem là yếu tố giúp thay đổi cục diện cuộc chiến chống Covid-19 - trên toàn cầu.

Pfizer dự kiến sản xuất hơn 180.000 liệu trình điều trị vào cuối năm nay và ít nhất 50 triệu liệu trình được lên kế hoạch cho năm 2022. Merck cũng sẽ sản xuất 10 triệu liệu trình điều trị vào cuối năm nay và ít nhất 20 triệu liều vào năm sau.

Tổng thống Joe Biden hôm 5-11 cho biết chính phủ Mỹ đã đặt mua hàng triệu liều điều trị của Pfizer. Hãng Merck cũng có hợp đồng trị giá 1,2 tỉ USD cung cấp cho Mỹ 1,7 triệu liệu trình điều trị bằng thuốc Molnupiravir, tương đương khoảng 700 USD/liệu trình 5 ngày.

Theo Reuters, không chỉ Mỹ, nhiều quốc gia đổ xô đặt mua thuốc trị Covid-19 của Pfizer và Merck. Anh đã đặt mua 250.000 liệu trình điều trị của Pfizer nhưng giá hợp đồng vẫn chưa được công khai.

Trong khi đó, Merck đến nay đã ký 9 thỏa thuận bán tổng cộng hơn 3 triệu liệu trình Molnupiravir cho nhiều nước gồm Úc, Thái Lan, Singapore, Pháp, Hàn Quốc... Pfizer cũng đang thảo luận tích cực với 90 quốc gia về các hợp đồng cung cấp thuốc.

Ông Bourla cho biết đối với các quốc gia có thu nhập cao, Pfizer dự kiến định giá liệu trình điều trị gần với mức giá của Merck. Đối với các quốc gia có thu nhập thấp, Pfizer sẽ cân nhắc giá cả với mục tiêu "xóa bỏ rào cản" tiếp cận thuốc.

Trước triển vọng về thuốc điều trị của Pfizer và Merck, các chuyên gia vẫn cho rằng việc ngăn ngừa Covid-19 bằng vắc-xin là cách tốt nhất để kiểm soát đại dịch đã làm chết hơn 5 triệu người trên toàn thế giới.

Chuyên gia Grace Lee, giáo sư về nhi khoa tại Trường Y khoa thuộc Trường ĐH Stanford (Mỹ), cho rằng: "Vắc-xin sẽ là công cụ hiệu quả và đáng tin cậy nhất mà chúng ta cần trong cuộc chiến chống đại dịch này. Những loại thuốc uống hiện có sẽ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh nặng, nhập viện và tử vong, vốn chiếm tỉ lệ cao nhưng chúng sẽ không thể ngăn ngừa nguy cơ mắc Covid-19".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại