2 lần bị thương của Trương Tam Phong
Trương Tam Phong hay còn gọi là Trương Quân Bảo là một nhân vật lịch sử có thật ở thời cuối nhà Nguyên đầu nhà Minh. Ông là người sáng lập ra phái Võ Đang và 2 môn võ là Thái Cực quyền và Thái Cực kiếm.
Trương Tam Phong là một đạo sĩ ẩn dật, ông không màng danh lợi, không so tài cao thấp với ai, luôn hành hiệp giúp đời. Dù Chu Nguyên Chương đã 5 lần 7 lượt mời ông về phục vụ triều đình nhưng Trương Tam Phong lại chọn cuộc sống thần tiên ngao du sơn thủy.
Kim Dung là một trong số những người hâm mộ lẽ sống của Trương Tam Phong. Do đó, ông đã đưa Trương Tam Phong vào trong các tiểu thuyết kiếm hiệp của mình. Trương Chân Nhân đã xuất hiện từ cuối tác phẩm Thần điêu hiệp lữ với cái tên Trương Quân Bảo – một đồ đệ của Giác Viễn đại sư ở Thiếu Lâm Tự. Phải tới bộ Ỷ Thiên Đồ Long ký, nhân vật Trương Tam Phong mới có nhiều dấu ấn đối với độc giả. Trong các tác phẩm của mình, Kim Dung đã để Trương Tam Phong đạt cảnh giới cao nhất của võ học và sống tới tận 200 tuổi.
Trong Ỷ Thiên Đồ Long ký, Trương Tam Phong từng 2 lần bị thương. Lần thứ nhất là cái chết của Trương Thúy Sơn – đệ tử yêu quý của mình khiến ông đau lòng khôn nguôi. Lần thứ hai là bị Cương Tướng – một trong những thuộc hạ của Triệu Mẫn đả thương. Cương Tướng người đánh lén Trương Tam Phong, là sư đệ của A Tam (truyền nhân của Hỏa công đầu đà) thuộc phái Kim Cương môn do Hỏa công đầu đà sáng lập, ông trước kia là người ở chùa Thiếu Lâm học lén võ công, đả thương vô số tăng lữ trong chùa, sau đó chạy sang Tây Vực lập môn hộ, nổi tiếng với võ công Đại lực kim cương chỉ.
Cương Tướng là người giả danh sư Thiếu Lâm lấy pháp hiệu là Không Tướng mang đầu Không Tính thần tăng lên Võ Đang để ám toán Trương Tam Phong bằng tuyệt kỹ Bát nhã kim cương chưởng nhưng bị Trương Tam Phong phát hiện và đánh chết. Trương Tam Phong sau đó vẫn trúng chưởng và trọng thương.
Thuộc hạ đẳng cấp của Triệu Mẫn
Trên diễn đàn của một số trang như Sina, Sohu, Weibo, nhiều độc giả hâm mộ tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung cho rằng Triệu Mẫn cố tình sai Cương Tướng ám toán Trương Tam Phong là để tha cho ông. Nếu cô phái nhân vật này tới chắc chắn ông sẽ chết. Vậy kẻ thuộc hạ này là ai?
Người được đề cập tới trên đây là kẻ đả thương Trương Vô Kỵ - Lộc Trượng Khách. Lộc Trượng Khách và Hạc Bút Ông là cặp huynh đệ nổi tiếng trong giới võ lâm với biệt hiệu Huyền Minh nhị lão. Họ xuất hiện với diện mạo 1 hắc 1 bạch và nổi tiếng với môn võ Huyền Minh thần chưởng. Huyền minh thần chưởng được xem là môn võ công âm hàn độc địa nhất trong tiểu thuyết kiếm hiệp Kim Dung. Người trúng chưởng bị dấu vết của chưởng lực màu đen sẫm in trên người, lạnh buốt toàn thân, độc tính dần lan vào ngũ tạng, không thuốc gì chữa được.
Huyền Minh nhị lão là thuộc hạ trung thành của Triệu Mẫn. Triệu Mẫn rất tin tưởng hai người này, thường đưa họ đi theo hộ vệ và cầm thuốc giải Thập hương nhuyễn cân tán. Theo mô tả của Kim Dung, Lộc Trượng Khách hay còn gọi là lão Hắc là người cẩn thận nhưng rất mê gái. Vũ khí thường sử dụng là cây trượng sừng hươu.
Trương Vô Kỵ sau khi trúng Huyền Minh thần chưởng của Huyền Minh nhị lão tưởng như chết đi sống lại. Tuy được Trương Tam Phong tìm mọi cách cứu chữa nhưng không thể nào giải hết được chất độc trong người. Nếu như Triệu Mẫn cử Lộc Trượng Khách tới ám toán Trương Tam Phương thì ông sẽ chết vì 3 lý do.
Thứ nhất, Trương Tam Phong bị đánh lén. Trong trường hợp này, Trương Tam Phong không kịp phòng bị nên rất dễ bị Lộc Trượng Khách đánh trọng thương và có thể chết.
Thứ hai, Trương Tam Phong không thể hóa giải Huyền Minh thần chưởng. Xuyên suốt tác phẩm Ỷ Thiên Đồ Long ký, muốn chữa Huyền Minh thần chưởng chỉ có một cách duy nhất là luyện toàn bộ nội công trong Cửu dương chân kinh. Trương Vô Kỵ may mắn vô tình luyện được Cửu dương chân kinh nên mới khiến hàn độc của Huyền Minh thần chưởng tiêu tan còn Trương Tam Phong không biết môn võ này. Do đó, nếu trúng phải Huyền Minh thần chưởng, Trương Tam Phong chỉ có một cái kết duy nhất là cái chết.
Thứ ba, Lộc Trượng Khách có thể là đã học Huyền Minh thần chưởng từ hậu duệ của Tiểu Long Nữ. Nhiều học giả phát hiện ra điểm tương đồng giữa Huyền Minh thần chương và Ngọc nữ tâm kinh của Cổ Mộ phái.
Điểm đặc biệt của Huyền Minh thần chưởng là khi đánh ra lòng bàn tay của người đánh cực nóng nhưng người trúng chưởng thấy vô cùng lạnh. Điểm này khá giống với cảm nhận của Tiểu Long Nữ khi luyện Ngọc nữ tâm kinh. Đó chính là khi tu luyện khí nóng sẽ thoát ra, nhưng Tiểu Long Nữ lại cảm thấy rất lạnh. Từ đây, có thể thấy Huyền Minh thần chưởng của Lục Chiến Kha có thể được phát triển từ Ngọc nữ tâm kinh.