Trong nhiều tuần, hàng nghìn xe tải, máy xúc đã làm việc xuyên ngày đêm, xúc hàng tấn cát để xây dựng dự án lớn nhất thế giới mang tên Neom ở Saudi Arabia. Nhưng các công nhân đã đổ đống cát khổng lồ này vào đúng vị trí mà các kiến trúc sư định đào một con đường ra Biển Đỏ. Vì vậy, những chiếc xe tải và máy xúc lại quay trở lại, gom tất cả những gì đã đổ ra thành một núi cát mới gần đó.
Đây là một trong số rất nhiều vấn đề nảy sinh từ dự án đầy táo bạo của Saudi Arabia. Mặc những hoài nghi, Saudi Arabia theo đuổi các dự án hàng trăm tỷ USD tại Neom. Khu vực này được cho là có quy mô bằng tiểu bang Massachusetts và nổi bật với phong cách kiến trúc khoa học viễn tưởng.
Đặc biệt nhất trong dự án là toà nhà chọc trời The Line, cao hơn toà Empire State của Mỹ và kéo dài 170 km, đủ sức chứa hơn 9 triệu người. Thái tử Mohammed bin Salman đã ví dự án này như kim tự tháp vĩ đại của Ai Cập.
Tuy nhiên, đối mặt với thực tế vương quốc đang chi nhiều hơn thu, quy mô giai đoạn đầu của The Line đã bị thu hẹp. Hiện họ có kế hoạch xây dựng chỉ khoảng 2 km vào năm 2030, ngắn hơn rất nhiều so với dự kiến trước đó. Nhưng ngay cả khi bị cắt ngắn, công trình này vẫn sẽ là toà nhà lớn nhất thế giới, gấp 60 lần diện tích toà Empire State.
Neom nằm trong kế hoạch chuyển đổi nền kinh tế của Saudi Arabia, đó là giảm sự phụ thuộc vào doanh thu từ dầu mỏ và biến dự án thành thỏi nam châm hút tiền và nhân tài từ khắp nơi trên thế giới. Tuy nhiên, Saudi Arabia có nguy cơ phung phí cho một thử nghiệm chưa từng có bằng việc xây dựng một thành phố có quá nhiều thách thức.
Một núi thử thách chờ đợi phía trước
Hơn 100.000 công nhân xây dựng làm việc trên một góc sa mạc cằn cỗi của vương quốc. Khu vực này cách các thành phố lớn 2 tiếng lái xe. Nhu cầu về thép, kính và các vật liệu khác của Neom là vô cùng lớn, có thể đẩy giá toàn cầu tăng và khó tìm nguồn cùng. Các nhà quy hoạch lo lắng siêu đô thị thẳng đứng The Line trong Neom không đủ hấp dẫn để cư dân sinh sống.
Các giám đốc điều hành của Neom dự đoán sẽ có chưa đến 200.000 người sống tại đây trong giai đoạn đầu. Tuy nhiên, Neom lại chi vào cơ sở hạ tầng cho hàng triệu người, với một sân bay khổng lồ, tàu cao tốc chạy qua hầm trên núi dài 32 km, các nhà máy khử muối lớn và các công trình dân sự khác.
Chi phí xây dựng đang không ngừng tăng. Theo tài liệu của Neom mà tờ The Wall Street Journal xem xét, chi phí dự kiến cho khu trượt tuyết giữa sa mạc đã tăng hơn gấp đôi trong 2 năm, lên 38 tỷ USD tính đến tháng 10.
Ngay cả với một trong những nhà xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, chi phí xây dựng Neom là quá đắt đỏ. Chi phí ước tính chính thức của dự án là 500 tỷ USD, cao hơn 50% so với toàn bộ ngân sách của đất nước trong năm và nhiều hơn một nửa quỹ đầu tư quốc gia. Hai người thạo tin cho biết chỉ riêng hơn 2 km đầu tiên của The Line đã tiêu tốn hơn 100 tỷ USD.
Nếu được xây dựng hoàn chỉnh, nhân viên của Neom ước tính giá trị thực sự của dự án sẽ vượt 2.000 tỷ USD. Họ cho biết chi phí xây dựng trên mỗi foot vuông cao hơn gấp đôi so với tiêu chuẩn của các tòa tháp khác ở Trung Đông. Họ cho rằng điều này khiến Neom khó có thể thu hút được đầu tư tư nhân để tài trợ cho giai đoạn tương lai.
Các thành phố tuyến tính kéo dài hàng km như The Line đi ngược lại với cách con người phát triển các thành phố trong nhiều thiên niên kỷ qua. Đó là xây dựng các thành phố theo kiểu hình tròn từ lõi toả ra các hướng.
Giáo sư khoa kiến trúc John E. Fernandez tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), cho biết: “Nó đang đi ngược lại toàn bộ lịch sử hình thành và phát triển của các thành phố”. Ngay cả những người ủng hộ cũng cho rằng đây là một thử nghiệm có thể dễ dàng thất bại trong thực tế.
Tiến độ thực tế
Bảy năm sau khi ra mắt, rất ít công trình được hoàn thiện, ngoài một studio của Neom và khu phức hợp hoàng gia với những cung điện khổng lồ, một sân golf và ít nhất 10 sân bay trực thăng.
Theo ấn phẩm thương mại-kinh doanh Trung Đông MEED chuyên theo dõi Neom, cần có một bến cảng để tiếp nhận nguyên liệu và Neom đang chi hơn 5 tỷ USD để xây dựng nhà ở cho công nhân xây dựng.
Mặc dù được quảng bá là không phát thải, Neom gần đây đã tìm kiếm nhà thầu xây dựng hai nhà máy điện khí đốt với tổng công suất 800 megawatt để cung cấp năng lượng cho khu vực cho đến khi có được nguồn năng lượng xanh hơn.
Các chuyên gia kỹ thuật cho biết, để chứng minh tiến bộ cho thái tử, các kỹ sư đã bắt đầu xây móng cho The Line vài năm trước, trước cả khi họ tính toán xây gì bên trên. Những người thạo tin cho biết, các kiến trúc sư đã sớm quyết định giai đoạn đầu nên được xây dựng ở một nơi khác, khiến nền móng ban đầu của The Line bị bỏ hoang cho đến tận bây giờ.
Trong hơn một năm, phần lớn công việc diễn ra là đào bới. Đường thi công 4 làn tạm thời bị ùn tắc bởi hàng xe ben. Khói bụi từ xe tải và máy phát điện ngập tràn không khí.
Một câu hỏi khác là chiều cao. Nhiều giám đốc điều hành làm việc tại Neom đã đặt câu hỏi về sự cần thiết của một tòa nhà cao 500 m, gây ra nhiều thách thức kỹ thuật, chi phí cao và khiến việc sơ tán dân cư trong những trường hợp khẩn cấp trở nên khó khăn hơn.
Kiến trúc sư nổi tiếng người Anh Peter Cook, người có liên quan đến The Line, đánh giá chiều cao của công trình này là bất hợp lý. Ông nói rằng The Line “khó hiểu ngay cả với những người tham gia thiết kế nó”.
Tham khảo WSJ