Các tiến bộ y học ngày nay thường xuyên được cập nhật nhanh chóng trên các kênh truyền thông. Tuy nhiên, thông tin đề cập thường chỉ là kết quả nghiên cứu cuối cùng. Như một điều cấm kị, những thử nghiệm tiến hành trước đó trên động vật sẽ không được nói đến.
Có thể lấy ví dụ theo một báo cáo gần đây đăng trên tạp chí Nature về nghiên cứu giúp bệnh nhân liệt chi có thể điều khiển lại bàn tay của mình chỉ bằng cách suy nghĩ. Trong nghiên cứu, các điện cực được cấy ghép ghi lại tín hiệu trong não, phân tích, sau đó truyền đến cơ bắp tay để kích thích sự chuyển động.
Hệ thống như vậy vô cùng hữu ích trong việc phục hồi chức năng cho bệnh nhân. Tuy nhiên, điều đáng nói là báo cáo chỉ trình bày cơ chế hoạt động cũng như kết quả thử nghiệm thành công trên người, mà bỏ qua hàng loạt các thử nghiệm phải tiến hành trước đó trên khỉ.
Sự "lờ đi" một cách cố ý này không phải là chuyện hiếm. Từ đó dẫn đến công chúng ít được biết về công việc thật của các nhà nghiên cứu, và dễ tin vào tuyên bố của một số nhóm bảo vệ động vật rằng thử nghiệm trên động vật là hành động vô nhân tính hay không cần thiết.
Không thử nghiệm trước trên động vật mới là sai đạo đức
Theo thống kê, mỗi năm chỉ riêng tại Hoa Kỳ, châu Âu, và Úc đã sử dụng tới 60.000 con khỉ cho thí nghiệm.
Phần lớn được dùng để tìm hiểu quá trình bệnh cũng như phát triển phương pháp điều trị cho nhiều bệnh truyền nhiễm ở người như sốt rét, HIV, Ebola, lao, Zika,… Còn số lượng nhỏ hơn thì dùng trong các nghiên cứu về thần kinh.
Nhìn vào số liệu, chúng ta có thể nói số lượng khỉ hi sinh cho khoa học là quá lớn. Nhưng cuộc sống của con người sẽ ra sao nếu không có những thử nghiệm trên loài linh trưởng này?
Vào thập niên 1950, 100.000 chú khỉ được sử dụng để phát triển vaccine ngừa bại liệt. Tuy nhiên, cần biết rằng trước đó có hàng triệu người trên khắp thế giới mắc bại liệt, mà chủ yếu là trẻ em. Cuối cùng, vaccine đã ra đời, và nhân loại cám ơn khoa học vì điều đó.
Tương tự, sốt rét đang là một căn bệnh đáng sợ với 200 triệu người mắc và 600.000 ca tử vong mỗi năm, bất chấp mọi nỗ lực để kiểm soát muỗi truyền bệnh.
Phát triển vaccine là lựa chọn khả thi nhất. Nhưng một lần nữa, ta cần phải dùng tới loài linh trưởng, vì chúng gần như tương đồng với loài người.
Có thể dẫn chứng ra thêm nhiều trường hợp khác như với Ebola, HIV, và Zika. Vậy đâu mới là lựa chọn có đạo đức - chấp nhận sử dụng vài trăm chú khỉ thí nghiệm, hoặc để cho hàng ngàn người đau đớn và chết dần vì bệnh tật?
Ngoài ra, chúng ta hay thấy các khẩu hiệu chống lại việc thí nghiệm động vật linh trưởng, nhưng thường không phân biệt giữa khỉ, và vượn (gồm khỉ đột, tinh tinh, đười ươi...).
Vượn có liên hệ gần gũi với con người hơn và nhận thức cũng tinh vi hơn khỉ thông thường. Và các thí nghiệm xâm lấn chỉ tiến hành trên khỉ mà không được phép với khỉ hình người dù ở bất cứ nơi nào.
Tất cả thí nghiệm chỉ được phép thực hiện trên khỉ, không phải vượn
Các lựa chọn thay thế cho động vật thí nghiệm là có giới hạn
Bên phản đối thường dẫn chứng sự tiến triển vược bậc của mô hình máy tính, kỹ thuật trong ống nghiệm, và thử nghiệm không xâm lấn ở người để cho rằng giờ đây có thể thay thế hoàn toàn việc dùng động vật thí nghiệm.
Phải công nhận rằng các công nghệ này đã đem lại cho con người thêm nhiều hiểu biết đáng giá, và cũng được các nhà khoa học sử dụng thường xuyên.
Tuy nhiên, hiện còn những lí do quan trọng khiến việc sử dụng động vật trong thí nghiệm vẫn là một yêu cầu bắt buộc.
Mô hình máy tính thì chỉ có thể được xây dựng dựa trên dữ liệu thu từ thực tế, và muốn có dữ liệu thì phải tiến hành nghiên cứu. Tiếp đến, dự đoán mà máy tính đưa ra cũng không thể áp dụng ngay trên người mà cần qua bước kiểm tra trong phòng thí nghiệm.
Khoa học không thể chỉ diễn ra trong thế giới ảo, vì vậy mô hình máy tính chỉ giúp giảm bớt chứ không thay thế hoàn toàn động vật thí nghiệm.
Cần phải thí nghiệm thực tiễn mới có thể xác định được công dụng của các loại thuốc
Kỹ thuật nghiên cứu trong ống nghiệm với chỉ vài tế bào thu từ mô động vật hay từ dòng tế bào nuôi cấy sẵn, là cách tiếp cận được sử dụng rộng rãi trong y học.
Nhưng tế bào thì không đại diện được cho toàn bộ hệ thống phức tạp của động vật sống, cho nên kiến thức thu được từ các nghiên cứu trong ống nghiệm vẫn có nhiều hạn chế.
Phương thức thí nghiệm không xâm lấn trên người có thể được áp dụng cho nhiều nghiên cứu, và cũng đã giúp chúng ta có thêm nhiều kiến thức bổ ích, tuy vậy thí nghiệm xâm lấn trên động vật vẫn cần thiết.
Lời kết
Dẫu biết động vật không thể là mô hình hoàn hảo của con người vì mọi loài luôn có sự khác biệt, một loại thuốc có tác dụng trên động vật không có nghĩa cũng xảy ra tương tự trên người.
Tuy nhiên, nhiều bộ phận trên cơ thể chúng ta đã không thay đổi suốt hàng triệu năm tiến hóa. Do đó các chức năng nhận thức cao cấp hay cơ chế vận động phức tạp của cơ thể con người phải được nghiên cứu thông qua các loài động vật có vú, do có độ tương đồng cao.
Việc chọn động vật thí nghiệm cũng không tiến hành bừa bãi mà được xem xét kỹ lưỡng bởi các nhà điều tra, cơ quan tài trợ, cũng như ủy ban đạo đức từ cả hai khía cạnh khoa học và đạo đức.
Đó là lý do tại sao động vật linh trưởng không phải người chỉ chiếm một tỉ lệ phần trăm nhỏ trong tất cả động vật sử dụng để nghiên cứu.
Cuối cùng, lịch sử y tế đã chứng minh tầm quan trọng không thể phủ nhận của các động vật thí nghiệm, và trên nguyên tắc chúng ta phải chọn làm việc ít gây hại nhất giữa nghiên cứu trên động vật hay trực tiếp trên chính đồng loại của mình.
Nguồn: IFLScience