Đã bao giờ bạn cảm thấy não bộ của mình thực ra đang nhìn thấy nhiều hơn những gì mắt mình thấy, nhưng nó lại chậm hơn đôi chút. Chẳng hạn, khi bạn đang lái xe trên phố và lướt qua một người, khuôn mặt người đó có thể vẫn đọng lại trên khuôn hình của bạn, khiến bạn ngờ ngợ không biết đó có phải người quen hay không.
Nhưng chính trong khoảnh khắc bạn giữ một người từng đi qua trong tâm trí mình, bạn lại suýt đâm phải một chiếc xe phía trước. Dường như chiếc xe đó đã có sẵn trong khuôn hình của bạn từ lâu nhưng bạn không nhận ra trong giây lát.
Thực ra, nhiều người sẽ nghĩ rằng đó chẳng qua là do họ bị mất tập trung. Nhưng không, não bộ và thị giác của tất cả chúng ta đều được lập trình để hoạt động như vậy.
Có một "thuật toán sinh học" khiến thực tại mà chúng ta đang thấy biến thành một tấm ảnh panorama của không thời gian kéo dài 15 giây. Cho nên, đôi khi bạn sẽ thấy một độ trễ và độ mở rộng nhất định của khung cảnh.
Vậy mọi thứ đã diễn ra như thế nào và tại sao não bộ chúng ta lại hoạt động theo cách đó?
Thông tin thị giác tấn công não bộ của chúng ta mọi lúc
Trong mọi khoảnh khắc khi chúng ta thức giấc, đôi mắt sẽ luôn bị tấn công không ngừng bởi một lượng lớn thông tin hình ảnh - đó là hàng triệu hình dạng, màu sắc và chuyển động của sự vật, sự việc từ môi trường xung quanh.
Nhiệm vụ khó khăn tiếp theo đặt lên não bộ, nơi mà tất cả những tín hiệu lộn xộn đó cần phải được giải mã.
Tín hiệu thị giác một mặt bị thay đổi liên tục theo những vận động từ thế giới bên ngoài. Mặt khác, chúng cũng thay đổi từ chính điểm nhìn của chúng ta, khi chúng ta cử động cơ thể, chuyển động đầu và khi chúng liếc mắt.
Để có thể hình dung gói thông tin này nhiễu loạn đến thế nào, bạn hãy thử bật chế độ quay video rồi đặt điện thoại của mình lên trán, sau đó, đi xung quanh và nhìn mọi thứ như bạn nhìn với đôi mắt bình thường và trần tục của mình.
Video cuối cùng mà bạn nhận được chính là đống lộn xộn mà não bộ phải xử lý liên tục trong từng khoảnh khắc miễn khi nào mà mắt bạn còn mở.
Hoặc bạn cũng có thể thấy được điều đó trong video dưới đây:
Cách thông tin thị giác tấn công não bộ của bạn
Hãy nhìn vòng tròn màu trắng ở bên phải, nó hiển thị các chuyển động tiềm ẩn của mắt. Còn đốm mờ ở bên trái chính là đầu vào hình ảnh thu nhận được từ vòng tròn trắng bên phải. Đó cũng chính là tín hiệu thị giác truyền tới não bộ mà bạn cần xử lý. Chỉ một vùng nhỏ như vậy thôi, bạn sẽ thấy tín hiệu thị giác thay đổi chóng mặt đến thế nào.
Tuy nhiên, có một điều thú vị: Dường như ít khi nào chúng ta cảm thấy việc nhìn và xử lý thông tin thị giác là một công việc gì đó vất vả. Chúng ta chỉ đơn giản nhìn thế giới với bản năng của mình, điều mà mọi đứa trẻ đều có thể làm được.
Thay vì phải chịu đựng những hình ảnh nhiễu loạn và rung động như video phía trên, chúng ta lại thấy môi trường xung quanh mình lúc nào cũng ổn định và được cân bằng tốt. Vậy làm thế nào mà bộ não của chúng ta lại tạo ra ảo tưởng về sự ổn định này?
Chỉ một câu hỏi đó đã thu hút không biết bao nhiêu thế hệ nhà khoa học lao vào trả lời trong suốt nhiều thế kỷ. Mỗi người dường như chỉ trả lời được một phần nhỏ, để ghép vào mảnh ghép lớn hơn giải mã cho một trong những bí ẩn cơ bản của khoa học thị giác.
Trong khi các nhà khoa học trước đây từng phát hiện ra nhiều cơ chế ổn định hình ảnh cho mắt như các rung động liên tục của nhãn cầu, hệ tiền đình hay chiếc gimbal cân bằng 3 chiều trong ốc tai mà mỗi người chúng ta đều có, trong một nghiên cứu mới nhất, các nhà khoa học còn phát hiện não bộ đang ổn định hình ảnh thị giác cho chúng ta bằng một "thuật toán" đặc biệt. Nó tự động làm mượt thông tin thị giác đầu vào theo thời gian.
Thực tại chúng ta đang thấy là một ảnh panorama của cả không thời gian kéo dài 15 giây
Trong nghiên cứu đăng ngày 12 tháng 1 trên tạp chí Science Advance, các nhà khoa học cho biết: Thay vì phân tích từng ảnh chụp tức thì từ mắt, não bộ chúng ta sẽ trung bình hóa toàn bộ những gì chúng ta thấy trong vòng 15 giây và nén nó lại thành một ảnh tổng quan duy nhất.
Nói cách khác, não bộ chúng ta đang tạo ra một bức panorama cả về không gian lẫn thời gian để đánh lừa chúng ta rằng môi trường sống xung quanh chúng ta rất ổn định. Hệ quả là chúng ta lúc nào cũng sống trong quá khứ, với tấm ảnh đầu tiên xa nhất mà não bộ chụp được để ghép vào tấm panorama thời gian này đã cách hiện tại của chúng ta 15 giây.
Đó là lý do tại sao chúng ta không nhận thấy những thay đổi tinh vi xảy ra trong không gian môi trường suốt quãng thời gian đó. Nếu bạn không tin điều này, hãy quan sát ảo ảnh dưới đây. Nhiệm vụ của bạn là nhìn vào khuôn mặt bên trái và đánh giá tốc độ già đi của nhân vật. Sau đó, hãy so sánh với bức ảnh bên phải:
Ảo giác độ tuổi trung bình
Trên thực tế, các nhà khoa học đã tuyển dụng hàng trăm tình nguyện viên tham giao vào thử thách này. Video bên trái họ đưa ra là một hình ảnh timelapse kéo dài 30 giây mô phỏng lại tuổi tác của một người theo thời gian.
Sau khi xem đoạn video này, hầu hết tình nguyện viên đều báo cáo họ thấy khuôn mặt bên trái già đi, nhưng đánh giá độ tuổi chỉ cho thấy khuôn mặt già đi một nửa so với kết quả thực bên phải, nghĩa là thời gian của nhận thức thị giác đã bị trung bình hóa ở hình ảnh khuôn mặt hiện ra ở giây thứ 15.
Các nhà khoa học giải thích trong khi nhìn vào video không rõ ràng này, chúng ta liên tục ghi đè nó bằng các hình ảnh trong quá khứ. Nhận thức thị giác từ bộ não giống như một cỗ máy thời gian, nó liên tục đưa chúng ta trở lại khoảng thời gian 10 đến 15 giây trước đó (khi khuôn mặt trẻ hơn).
Thay vì nhìn mọi thứ xung quanh với hình ảnh mới nhất trong thời gian thực của chúng, chúng ta thực sự chỉ đang nhìn thấy các phiên bản trước đó vì thời gian làm mới của não bộ chúng ta là khoảng 15 giây.
Ảo ảnh này chứng tỏ "thuật toán" làm mịn thị giác theo thời gian đang giúp ổn định nhận thức cho chúng ta. Bởi khi phải đối mặt với quá nhiều thông tin, điều não bộ làm về cơ bản là trì hoãn chúng lại. Não bộ sẽ bám vào các thông tin quá khứ gần nhất, bởi quá khứ là một dự báo tốt cho hiện tại.
Về cơ bản, bộ não không cần tiếp nhận thông tin ở hiện tại, bởi nó có thể tái chế thông tin từ quá khứ. Công việc này hiệu quả hơn, nhanh hơn và ít mất sức hơn so với ghi lại mọi hình ảnh trong thế giới thực.
Hệ quả và hậu quả của việc sống trong quá khứ này là gì?
Tất nhiên, việc hoạt động với một độ trễ nhỏ sẽ tạo ra những hệ quả tích cực và cả hậu quả tiêu cực với chúng ta. Về mặt tích cực, độ trễ 15 giây này là rất tốt để ngăn chúng ta cảm thấy bị ngợp bởi những thông tin thị giác tấn công chúng ta mỗi ngày.
Nếu không có "thuật toán" trung bình hóa thị giác trong 15 giây, chúng ta sẽ thấy thế giới hỗn loạn giống như video từ chiếc điện thoại bạn đặt trên trán. Ở đó có sự biến động liên tục của ánh sáng, bóng tối, điểm lấy nét và các chuyển động. Chúng ta sẽ cảm thấy như chúng ta đang gặp ảo giác mọi lúc.
Ý tưởng này cũng đã được các nghiên cứu khác chỉ ra khi nói đến cơ chế não bộ liên tục làm sai lệch nhận thức thị giác thời gian thực của chúng ta, trong một khái niệm được gọi là trường liên tục. Theo đó, hệ thống xử lý hình ảnh trong não phải hy sinh độ chính xác để mang lại một trải nghiệm hình ảnh mượt mà về thế giới xung quanh.
Điều này có thể giải thích tại sao khi xem một bộ phim, chúng ta không nhận thấy những thay đổi tinh tế xảy ra theo thời gian, chẳng hạn như sự khác biệt giữa các diễn viên và diễn viên đóng thế của họ.
Nhưng ngược lại, độ trễ, sự đồng bộ hoá, và việc não bộ đẩy chúng ta về một quá khứ 15 giây có thể gây ra những hậu quả chết người khi chúng ta cần một độ chính xác tuyệt đối. Ví dụ, hãy tưởng tượng một các bác sĩ X quang cần kiểm tra hàng trăm hình ảnh trên phim chụp.
Nếu não bộ của họ trung bình hóa các hình ảnh mà họ thấy trước đó, đẩy bác sĩ về một quá khứ 15 giây trước, họ có thể nhìn nhầm một khối u của bệnh nhân này trên phim chụp của bệnh nhân khác và bỏ sót khối u ở người thực sự mang nó.
Nói tóm lại, nghiên cứu mới bây giờ cho thấy hệ thống thị giác của chúng ta cập nhật những thay đổi tức thì ở thế giới bên ngoài chậm hơn những gì chúng ta từng nghĩ. Não bộ luôn bám vào ấn tượng đầu tiên của chúng ta với một sự vật hiện tượng và kéo chúng ta về quá khứ của nó.
Nhưng bù lại, quá trình panorama hóa thời gian đó lại giúp chúng ta có một trải nghiệm thị giác ổn định hơn. Vậy điều quan trọng cần nhớ là gì?
Đó là thực ra, những phán đoán mà chúng ta đưa ra hàng ngày không dựa hoàn toàn trên hiện tại mà phụ thuộc rất nhiều vào những gì chúng ta đã thấy trong quá khứ. Để ra một quyết định chính xác hơn, bạn cần phải tập trung hơn và nhận thức được tất cả độ trễ trong não bộ của mình.
Tham khảo Theconversation