Thực phẩm sạch: "Thị trường man rợ" ở Việt Nam và câu chuyện thất bại của TS Đặng Kim Sơn

Hạ Minh |

TS Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Bộ NN&PTNT đã chọn cách thứ 3 khi ứng xử với thực phẩm bẩn.

ĐĂNG KÝ THAM DỰ HỘI THẢO VỀ THỰC PHẨM SẠCH NGÀY 23.8.2016 tại đây

Chuyện nông dân trồng 2 luống rau và "kịch bản man rợ"

- Tại Việt Nam, cuộc khủng hoảng niềm tin về thực phẩm không chỉ diễn ra ở chợ, siêu thị, mà còn nóng trên cả nghị trường quốc hội. Thay vì chỉ là sự bận tâm của những người lo việc nội trợ, giờ đây, nó đã trở thành mối lo chung của toàn xã hội. Theo ông, đâu là thách thức lớn nhất của những người làm thực phẩm sạch ở Việt Nam hiện nay?

- Thị trường thực phẩm sạch tại Việt Nam vốn chưa hình thành hoàn chỉnh. Sự non trẻ, thiếu hoàn chỉnh hiện nay khiến thị trường này méo mó và hậu quả là người sản xuất và người tiêu dùng không thể kết nối được với nhau.

Mối quan hệ giữa người bán và người mua lẽ ra phải là dài hạn thì nay mới chỉ dừng ở mức ngắn hạn, mua ngày nào biết ngày đó mà không có cam kết lâu dài, nên không thể hình thành cam kết đáng tin cậy giữa hai bên.

Một bên, người tiêu dùng sẵn sàng trả giá cao hơn để mua được thực phẩm sạch nhưng lại không biết chắc được thứ mình mua có an toàn, có xứng đáng với số tiền bỏ ra hay không, chất lượng và tiêu chuẩn vệ sinh có được như mong đợi hay như cam kết của nhà sản xuất hay không.

Trong khi đó, người sản xuất lại không tin cậy vào một thị trường ổn định, không thể biết rằng liệu việc đầu tư nhiều hơn của họ, chi phí cao hơn để đạt được các chứng nhận tiêu chuẩn khắt khe về thực phẩm có được bù đắp đủ từ mức giá mua của người tiêu dùng hay không?.

Thị trường thực phẩm sạch vốn vận hành khác biệt với các thị trường nông sản thông thường khác, tiêu chuẩn hàng hóa tốt chỉ có thể hình thành mức giá hợp lý khi xác lập được niềm tin bằng những cơ chế vững chắc. Trong tình trạng thị trường chia cắt giữa giá và niềm tin, thì giá bán không thể bù đắp được giá thành, bào mòn nỗ lực của nhà sản xuất.

Nông dân kết nối với nguồn cầu qua doanh nghiệp, nhưng ở Việt Nam chưa có nhiều doanh nghiệp đủ mạnh để có thể xây dựng được chuỗi giátrị đảm bảo thực phẩm sạch. Người nông dân yếu dựa vào doanh nghiệp cũng yếu, nên thị trường vận hành méo mó.

- Thực tế ở Việt Nam có hiện tượng người nông dân trồng 2 luống rau, một luống để bán,một luống giữ lại cho gia đình ăn. Ông bình luận như thế nào về hiện tượng này?

- Trên một thị trường méo mó thì động lực đạo đức, giá trị xã hội tự thân trong mỗi con người vốn được quản lý, ràng buộc vào hệ thốngpháp luật, được theo dõi bởi cả cộng đồng trở nên yếu ớt hơn hẳn động lực chạytheo lợi ích, tối đa hóa lợi nhuận của người sản xuất kinh doanh.

Thị trường chỉ vận động theo một vế với lợi ích là thước đo cao nhất và duy nhất. Đó là mô hình "thị trường man rợ". Đó là thị trường của các nhà tư bản khai thác khoáng sản, xây dựng đập thủy điện, phá rừng, xả chất thải bừa bãi không kể gì đến quyền lợi của dân.

Thì ngược lại, người nông dân bé nhỏ nhất - với tư cách của một người sản xuất - cũng hành xử chỉ tối đa hóa lợi ích của mình, tất nhiên cũng sẽ trồng hai luống rau, mảnh nhỏ sạch để ăn, mảnh to phun thuốc trừ sâu thả cửa để bán cho nhà tư bản ăn. Đáng buồn là cả xã hội cũng ăn theo.

Xét trên toàn xã hội, người dân chỉ bảo vệ lợi ích củachính mình mà coi toàn bộ đối tượng khác là miếng mồi, là kẻ thù.

Khi anh nông dân làm thế, anh ta nghĩ rằng người sản xuất hàng công nghiệp cũng làm thế: hàng tốt, an toàn nhà sản xuất dành để cung ứng cho thành phố, còn hàng kém chất lượng, giả nhái thì mang về nông thôn tiêu thụ. Chỉ có ở nông thôn mới có chuyện học trò "ngồi nhầm lớp", mới có làng ung thư, mới có trẻ em bị teo cơ vì tiêm phòng saiquy cách...

Anh nông dân khi ấy cũng nghĩ rằng, Nhà nước cũng đang cư xử tương tự, nghĩa là chính sách tốt, quyền lợi mạnh, lợi ích, vốn đầu tư công dồn hết vào đô thị, vào công nghiệp, còn lại những thứ "viện trợ nhân đạo"thì mang tới các khu vực khó khăn hơn.

Tất cả các cá nhân, tổ chức trong xã hội lúc đó chỉ cóthể dành cho mình phần có lợi nhất, phụ thuộc lĩnh vực mà họ hoạt động nhưng rất nhỏ nhoi trong nhu cầu to lớn và đa dạng của chính họ. Kết quả là tất cả đều thiệt hại.

Câu chuyện hai luống rau không chỉ dừng lại ở vấn đề thái độ của người nông dân. Nó là biểu hiện cụ thể nhất của một xã hội ích kỷ, luật pháp lỏng lẻo, đạo đức mong manh và giá trị chung chao đảo.

Thực phẩm sạch: Thị trường man rợ ở Việt Nam và câu chuyện thất bại của TS Đặng Kim Sơn - Ảnh 1.

Thực phẩm sạch có thời là sản phẩm sẵn có với người tiêu dùng Việt, trước khi trở thành hàng hóa "quý hiếm" như hiện nay.

"Tôi sẽ cố gắng về ăn cơm nhà"

- Hiểu rõ về thị trường, hiểu rõ về thực phẩm, vậy ông thường "đi chợ" thế nào cho chính gia đình mình?

- Trong tình trạng lẫn lộn về thực phẩm hiện nay, trừviệc nhắm mắt cho qua, thì người dân thường có 3 cách ứng xử chủ yếu:

Một là thay đổi thực đơn: họ mua những thực phẩm mà theo họ hi vọng là ít độc hại hơn, như bỏ các loại đậu đỗ, rau cải, mua ngọn bí, rau lang...

Hai là các gia đình có khả năng kinh tế thì mua thực phẩm nhập ngoại, hàng an toàn từ các thương hiệu lớn.

Ba là quay lại tự cung tự cấp như thời bao cấp, tự phục vụ nhu cầu của cá nhân và gia đình.

Gia đình tôi theo trường phái thứ ba, chăm sóc một vườn rau để tự phục vụ. Nhưng tôi cũng chỉ có khả năng tự cung ứng được rau, chứ gạo, nước mắm, thức ăn thì vẫn mua ở ngoài. Và tôi biết rằng mấy thứ đó thì chẳng thể tin tưởng hoàn toàn được.

Đây cũng là lý do mà tôi, các anh em đồng nghiệp và nhiều doanh nghiệp tử tế đang nỗ lực thiết lập một kênh hàng hóa sạch, an toàn để cung cấp ra thị trường, trước hết là để giúp mình và sau đó là cho mọi người.

- Nhưng cũng có lúc ông đi chơi, đi công tác nên phải ăn đồ ở ngoài. Lúc đó thìlàm thế nào để tránh được thực phẩm bẩn?

- Những lúc đi làm thì nếu trong khả năng về được nhà, tôi sẽ cố gắng về ăn cơm nhà.

Nếu có thể mang đồ ăn đi thì tôi cũng mang theo. Còn trong trường hợp đi công tác, buộc phải ăn ở ngoài, tôi sẽ lựa chọn cách hạn chế tối đa việc dùng bữa ở các quán ăn ven đường, chỉ ăn ở nơi đi và nơi đến

- Xin ông chia sẻ câu chuyện về thất bại của các doanh nghiệp làm thực phẩm sạch ở Việt Nam mà ông biết.

- Tôi có thể chia sẻ ngay câu chuyện của chính mình. Khi còn ở viện nghiên cứu Chính sách Chiến lược Nông nghiệp, chúng tôi đã thử tổchức một công ty, nhờ một tổ chức quốc tế viện trợ cho chúng tôi một dự án.

Lúc đó, chúng tôi hợp tác với nông dân xây dựng một vùng rau sạch ở vùng miền núi gần Hà Nội, làm với đồng bào dân tộc. Kết quả là chúng tôi lỗ gần chết, công ty gần như phá sản.

Nguyên nhân là bởi quy mô nguồn cung nhỏ lại không đều vì thời tiết thất thường, mức cầu cũng biến động theo ngày.

Cả hai phía cung cầu biến động nhưng lệnh pha nhau, rau mà thu hoạch chậm bán được thì chỉ có nước bỏ đi, trong khi có lúc thị trườngcần lại không đủ để cung ứng. Vì vậy, chúng tôi càng làm càng lỗ.

Khi bắt tay vào xây dựng công ty, việc xin phép thànhlập mất nhiều thời gian; khi xin phá sản, cũng phải qua nhiều thủ tục, nhưngriêng ngành thuế thì đến gặp đều đều...

Lúc ấy tôi mới hiểu rằng làm rau hữu cơ, hay rau an toàn thì rất khó, kể cả với doanh nghiệp của cơ quan, có dự án hỗ trợ như chúng tôi cũng chết chứ chưa nói đến người nông dân.

Thực phẩm sạch: Thị trường man rợ ở Việt Nam và câu chuyện thất bại của TS Đặng Kim Sơn - Ảnh 2.

Sự tử tế của từng cá nhân góp phần làm nên một xã hội có trách nhiệm, bắt đầu ngay từ việc bán thứ mình dùng được, thay vì "một vườn rau chia 2 luống".

Thực phẩm bẩn và thách thức "trao quyền cho nông dân"

- Vậy đâu là giải pháp để giúp các doanh nghiệp thành công, để mọi người đều được dùng thực phẩm sạch?

- Về lâu dài, đây là lĩnh vực vẫn cần vận hành theo cơ chế thị trường. Tuy nhiên, xét trên thực tế tại Việt Nam, cả doanh nghiệp và người sản xuất nhỏ lẻ đều khó có thể tạo nên kênh cung ứng tốt, dù phía cầu bao giờ cũng rất cao.

Cơ hội rõ ràng chỉ có sẵn ở một trong hai yếu tố: doanh nghiệp rất mạnh, hoặc Chính phủ có chính sách hỗ trợ lớn.

Xét về phía doanh nghiệp, nếu đơn vị nào có khả năng khống chế được nguồn cung thị trường với số lượng lớn, đa dạng, chấp nhận được những rủi ro, làm được nhiều mặt hàng khác bên cạnh rau như gạo, chăn nuôi, thủy sản...., làm chủ vùng nguyên liệu, hình thành được chuỗi phân phối thì đơn vị đó có thể vượt qua khó khăn trên thị trường.

Nếu không, doanh nghiệp đó phải làm những ngành khách như tài chính, địa ốc... với khả năng cân bằng tốt về tài chính, thì mới có thể đầu tư bù giá vào thực phẩm sạch vượt qua giai đoạn lỗ ban đầu.

Xét về phía Chính phủ, vai trò, xây dựng, góp một lực đẩy lớn để hỗ trợ các doanh nghiệp và nông dân tạo lập ra thị trường, giúp bên bán và bên mua gặp được nhau, khơi thông cho dòng chảy thực phẩm sạch.

Và một "Chính phủ kiến tạo" phải làm điều đó thông qua một hệ thống chính sách hoàn chỉnh chứkhông phải các chương trình dự án ngắn hạn, qui mô hạn chế chỉ dẫn đến xin cho, thất thoát chi tiêu công.

Đi từ cái gốc, muốn làm chủ thị trường, nông dân cần mạnh. Muốn mạnh, họ phải là nhà cung cấp lớn. Như vậy, không thể có nguồn cung nhỏ lẻ kiểu hộ gia đình được, mà phải làm trang trại lớn, liên kết lại với nhau trong các hợp tác xã, hội nông dân…

Vấn đề là chính sách hiện tại chưa tạo ra động lực đột phá, thúc đẩy được hợp tác xã phát triển, chưa khiến người nông dân nhận thấy lợi ích khi họ hợp tác với nhau.

Đối với doanh nghiệp, hệ thống chính sách hiện hành cũng chưa đủ sức kéo 99% đơn vị này đi về nông thôn, họ chỉ đóng trụ sở và kinh doanh ở thành thị để có doanh thu ổn định và đỡ rủi ro.

Mặt khác, các cơ quan quảnlý nhà nước ôm về mình quyền kiểm soát mọi vấn đề kỹ thuật chi tiết, lại chia ra nhiều đầu mối với nhiều quy định, nhiều loại giấy phép khiến doanh nghiệp vốn đã khó về năng lực, kỹ thuật, giờ lại thêm khó về thủ tục hành chính.

- Nhật Bản là quốc gia nổi tiếng về công nghiệp, nhưng họ cũng có nền nông nghiệp sạch và có giátrị cao hàng đầu thế giới. Vậy Việt Nam, với lợi thế là đất nước có truyền thông nghề nông, điểm cốt lõi để chúng ta cũng vươn mình trở thành một nước nông nghiệp sạch, trở thành nguồn cung cho thế giới là gì thưa ông?

- Không cần so sánh với Nhật Bản xa xôi, chỉ nhìn qua Campuchia, Lào, Nepan, chúng ta có thể thấy những bài học quý giá.

Hoặc là những đất nước mới phát triển nhưng quan hệ cộng đồng chặt chẽ, chênh lệch đô thị - nông thôn chưa tạo ra sức hút mạnh mẽ của vật chất, sức hấp dẫn của đồng tiền chưa kéo người dân quê ra khỏi ràng buộc đạo đức tôn giáo, của gắn bó con người thì họ vẫn thấy quyền lợi của mình gần với toàn xã hội.

Hoặc là những quốc gia công nghiệp thì chính quyền tập trung quản lý các vấn đề chính, việc giám sát thị trường, kiểm soát vệ sinh trong sản xuất, an toàn trong kinh doanh được phân cấp cho các tổ chức dân sự.

Các hiệp hội nông dân, hội kinh doanh, hội tiêu dùng trở thành lực lượng giám sát trăm tai, nghìn mắt tự giác ngăn chặn mọi hành vi vi phạm quy định. Luật pháp được tôn trọng nhờ dân chủ động thi hành, quyền lợi của mọi người thống nhất.

Ở một số nước nghèo nông dân cũng không chạy theo lợi nhuận bán hàng bẩn, hàng xấu cho khách vì họ thấy người đô thị bán hàng công nghiệp, làm dịch vụ cho họ cũng cùng giá cả, chất lượng như những gì dân đô thị dùng.

Ở các nhiều nước giàu, người nông dân biết rằng nếu họ sản xuất ra được một mặt hàng tốt, thì người tiêu dùng sẽ trả cho họ mức giá cao hơn.

Người tiêu dùng cũng biết chắc sản phẩm mình ăn, mặc, sử dụng đến từ vùng nào và quy trình sản xuất đã áp dụng kỹ thuật gì dù là từ người nông dân hay từ người công nhân. Đổi lại, người mua sẵn sàng trả mức giá xứng đáng với sự trân trọng đúng mức.

Điểm mấu chốt là phải đạt được một vòng kết nối để 3 yếu tố lợi ích, đạo đức, pháp luật có thể đi song hành được với nhau và thị trườngvăn minh. Nghe thì khó nhưng chúng ta quên mất rằng chuyện ăn sạch là phổ biến trên thế giới và chính ta cũng mới rơi vào khủng hoảng vệ sinh an toàn thực phẩm mấy thập kỷ gần đây, cùng với những sa sút trong cuộc sống tinh thần.

Ba mươi năm trước, Việt Nam đang từ chỗ đói ăn, nghèo khổ trở thành đủ ăn, nông nghiệp dư xuất khẩu không phải nhờ vốn liếng tăng, khoa học công nghệ mới hay nhà nước chỉ đạo mạnh tay hơn, mà là nhờ nhà nước trao quyền cho dân, quan hệ thành thị và công nghiệp với nông nghiệp tử tế hơn.

Hôm nay, muốn vươn mình trở thành một nước nông nghiệp sạch cũng không phải chỉ ở việc tăng cường kiểm soát, xử phạt nghiêm minh, cấm bán sản phẩm này hay sản phẩm kia, tăng cường phối hợp các bộ ngành, thậm chí không đơn thuần là xây dựng một kênh giá trị, trong đó mọi người có thể kiểm soát nhau một cách chặt chẽ…

Chúng ta vẫn cần Nhà nước trao quyền mạnh mẽ hơn cho các tổ chức cộng đồng và ngành nghề, cần một mô hình phát triển kinh tế xã hội hài hòa mở ra cơ hội công bằng cho cả nông thôn và đô thị, cần có một xã hội mà tất cả các cá nhân công nhận trân trọng giá trị của nhau.

Khi đó, nông nghiệp Việt Nam sẽ bước vào một giai đoạn phát triển thần kỳ nữa, một nền nông nghiệp sạch, thân thiện với môi trường và đầy nhân văn.

Sáng 23.8.2016, tại khách sạn Melia Hà Nội, sẽ diễn ra Diễn đàn kết nối doanh nghiệp – người tiêu dùng: ĐÓN SÓNG THỰC PHẨM SẠCH, với sự góp mặt của gần 400 đại biểu và những chuyên gia hàng đầu: Cựu Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển; TS Đặng Kim Sơn, Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách NN; TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách NN; Doanh nhân Thái Hương, Chủ tịch Tập đoàn TH; GS Nguyễn Lân Dũng, Chủ tịch Hội các ngành sinh học Việt Nam; Ca sĩ Mỹ Linh; TS. Hoàng Đình Chân, GĐ Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt; Ông Nguyễn Đình Toàn. GĐ cao cấp ngành hàng Café – Masan Consumer; Ông Phạm Hồng Dương, Chủ tich Ủy ban Mía đường, Tập đoàn Thành Thành Công; Ông Đoàn Văn Vươn…

Những người muốn tham dự hội thảo có thể đăng ký TẠI ĐÂY

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại