Vừa qua, võ sư Nam Anh Kiệt – Tổng đàn chủ phái Vịnh Xuân Nam Anh đã khẳng định rằng vào cuối tháng Sáu này, sẽ có hai võ sĩ thuộc môn phái từ Canada trở về Việt Nam để thượng đài ở một giải đấu MMA nghiệp dư (dự kiến tổ chức ngày 30/6 tại Thái Nguyên).
Thông tin này lập tức vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ làng võ Việt Nam. Bên cạnh nhiều ý kiến ủng hộ thì một luồng ý kiến khác lại cáo buộc rằng môn phái Vịnh Xuân Nam Anh muốn thuê một số võ sĩ là dân MMA chuyên nghiệp từ nước ngoài về Việt Nam thi đấu với mục đích giành chiến thắng và "lấy tiếng" trong giới võ lâm.
Một số luồng ý kiến từ dư luận đã cáo buộc rằng môn phái Vịnh Xuân Nam Anh thuê các võ sĩ MMA nước ngoài về đấu ở Việt Nam.
Những cáo buộc này khiến võ sư Nam Anh Kiệt tỏ ra vô cùng bức xúc. Vị Tổng đàn chủ tại TP.HCM lên tiếng khẳng định rằng đây là sự vu khống làm tổn hại thanh danh của môn phái Vịnh Xuân Nam Anh.
"Một số người cho rằng chúng tôi thuê lính MMA về đánh ở Việt Nam. Đó là họ lấy bụng dạ tiểu nhân để đo lòng quân tử. Môn phái của chúng tôi được giới võ lâm trong và ngoài nước trân trọng, mang tầm vóc quốc tế khi có mặt ở 4 châu lục. Chúng tôi chưa bao giờ mang tiếng xấu vì làm điều kém cỏi thiếu đầu óc.
Chúng tôi đâu có thiếu người, huống chi bây giờ là thời đại thông tin. Lừa bịp nhau bằng những trò vớ vẩn đâu phải dễ. Hơn nữa sư phụ của chúng tôi (đại sư Nam Anh) trên con đường tầm sư học đạo bao nhiêu năm trời đã từng học qua rất nhiều môn từ boxing, võ quyền Anh tự do, karate, taekwondo, muay… với các danh sư thời ấy. Vậy nên, môn phái chúng tôi không lạ lẫm gì với đấu trường ở các môn phái đó.
Không chỉ kết thúc giải đấu giao lưu đơn giản là xong, mọi chuyện như ném đá ao bèo của những kẻ lưu manh mang tiếng học võ thuật. Tiếng lành hay tiếng xấu cũng còn lưu lại mãi.
Đại sư Nam Anh (trái) và võ sư Nam Anh Kiệt.
Thực ra chúng tôi không quá mặn mà với giải giao lưu MMA sắp tới vì biết trước sẽ có một số người sẽ lợi dụng sự kiện đó để xuyên tạc ý nghĩa thượng võ của việc trao đổi nghệ thuật, biến chuyện Tây đánh Ta thành mang những ý nghĩa khác.
Mặt khác, những người Việt chúng ta nếu tập đến nơi đến chốn cũng vẫn có thể vang danh đấu trường quốc tế như Cung Lê, Nam Phan… Hoặc như sư phụ chúng tôi vẫn khiến nhiều người Tây ở khắp bốn biển phải quỳ gối.
Dù sao thì chúng tôi cũng sớm gửi tới ban tổ chức sự kiện những hình ảnh, thước phim cũ ghi lại một số quá trình sinh hoạt trong môn phái của hai bạn môn sinh sắp thi đấu giải sắp tới như một cử chỉ chứng minh sự thiện chí".
Ngoài việc phản bác những cáo buộc thiếu căn cứ về chuyện thuê lính MMA nước ngoài về đấu tại Việt Nam để "lấy tiếng", võ sư Nam Anh Kiệt cũng đưa ra những quan điểm để bảo vệ sư phụ của mình (đại sư Nam Anh) trước một số ý kiến công kích từ cộng đồng mạng.
"Sư phụ của chúng tôi là thầy Nam Anh đã nghỉ hưu, chỉ còn giao du sơn thủy, không còn quan tâm đến thị phi của cuộc đời. Các hoạt động của môn phái đều do các hội đồng lãnh đạo một cách tự chủ và độc lập. Tôi mong rằng những người yêu võ hãy biết giữ nhân cách, tự trọng mà không kéo bậc trưởng bối không liên can vào cuộc.
Tôi cũng xin cải chính rằng ngay cả Flores cũng không học ai hết ngoài thầy Nam Anh. Tất cả các bộ môn từ muay, kickboxing… đều do thầy chưởng môn đích truyền. Chính thầy Nam Anh đã dạy cho các đệ tử về những môn đó để chuẩn bị sau này lên đài.
Ngày trước, thầy Nam Anh đã học cùng thầy Huỳnh Tiền và một số thầy gạo cội về taekwondo từ võ sư người Hàn. Nên mấy môn đó thực ra chúng tôi không lạ gì.
Cái này thì trước kia rất nhiều người biết đó là thầy chúng tôi với ông Lý Huỳnh từng có thời gian là đồng môn. Khi đó thì cụ Huỳnh Tiến cũng là đồng môn, chuyên về quyền Anh và võ tự do.
Thầy Nam Anh cũng thường trao đổi với Phan Chan Thanh và Lạc Hà hàng ngày nên rành taekwondo lắm".
Cuối cùng, võ sư Nam Anh Kiệt khẳng định rằng môn phái Vịnh Xuân Nam Anh luôn sẵn sàng thi đấu giao lưu trên tinh thần thượng võ, sẵn sàng đấu theo luật của các môn phái khác, bất kể là võ cổ truyền hay võ hiện đại.