Thực hư về “tia tử thần”

Tuấn Sơn |

Vũ khí phát ra chùm tia có sức hủy diệt hàng loạt thường là sản phẩm của phim ảnh, tác phẩm khoa học viễn tưởng.

Một thời gian dài, nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới từng ấp ủ tham vọng chế tạo loại tia được gọi là “tử thần” này nhưng chưa ai tiến gần đến thành công như nhà khoa học Nikola Tesla. Tuy vậy, công trình của ông cũng vẫn còn là nghi vấn.

Nghiên cứu nghiêm túc hay trò bịp?

Trong thế giới khoa học viễn tưởng từng tồn tại "tia tử thần", một loại vũ khí phát ra chùm tia năng lượng gây ra sự tàn phá khủng khiếp. Ai đã xem những bộ phim về sự xâm lăng của người ngoài hành tinh như "War of the Worlds" hoặc những phim như "Flash Gordon", "Star Wars" và nhiều phim giả tưởng khác, đều quen thuộc với tia sát sinh này và hầu hết được nhìn nhận như loại vũ khí chỉ có trong tưởng tượng.

Tuy nhiên, ít người biết, kể từ những năm 1920, có nhiều nhà phát minh đã độc lập nghiên cứu nhằm biến chùm tia tử thần từ giả tưởng thành hiện thực. Năm 1923, nhà phát minh Edwin R. Scott, người Anh, cho biết đã tạo được một loại vũ khí phát ra chùm tia có thể giết chết một người ngay lập tức và hạ được máy bay.

Người ta còn chưa biết thực hư về loại vũ khí này như thế nào, thì năm sau, một nhà nghiên cứu độc lập người Anh khác tên là Harry Grindell Matthews đi rao bán phát minh loại vũ khí hủy diệt của mình cho Bộ Không quân Anh. Ông tuyên bố, nếu được cung cấp đầy đủ năng lượng, thiết bị của ông có khả năng làm hỏng máy bay, tàu thủy và vô hiệu hóa các đơn vị bộ binh từ khoảng cách 6km. Một bài báo trên tờ New York Times nói về phát minh mang tính giật gân của ông:

- Nếu niềm tin của nhà khoa học Grindell Mathew về cái gọi là "tia ác quỷ" được chứng thực, thì phát minh của ông có thể loại toàn bộ quân đội của kẻ thù ra khỏi vòng chiến, phá hủy bất cứ máy bay nào tấn công thành phố, làm tê liệt các hạm đội khi chúng còn cách xa bờ biển, chỉ bằng những tia sóng vô hình.

Matthews đã tổ chức nhiều buổi trình diễn về loại vũ khí "độc" này trước các phóng viên. Người xem chứng kiến ông làm hỏng động cơ xe mô tô, ngưng hoạt động của nam châm, làm cháy thuốc súng, bấc đèn dầu, giật điện chuột và làm cho một cây khô héo từ một khoảng cách xa.

Tuy nhiên, những người hoài nghi cho rằng, đây chỉ là những trò bịp, bởi vì Matthews chỉ biểu diễn trong phòng thí nghiệm và từ chối giải thích nguyên tắc hoạt động của loại vũ khí này.

Ông không cho quân đội thấy tường tận cách nó hoạt động ở thực địa, do đó Bộ Không quân Anh không quan tâm nữa, mặc dù ông đe dọa sẽ bán phát minh của mình cho nước Pháp. Sau đó, Matthews tuyên bố đã bán công trình này cho Mỹ, nhưng không ai biết thực hư ra sao. Thế rồi, mọi chuyện lại chìm vào quên lãng.

Thực hư về “tia tử thần” - Ảnh 1.

Nikola Tesla tuyên bố đã nghiên cứu thành công “tia tử thần”.

"Vũ khí vì hòa bình" của Nikola Tesla?

Cho đến những năm 1930, đề tài "tia tử thần" lại được khơi dậy và nhà phát minh Nikola Tesla tuyên bố đã nghiên cứu thành công loại vũ khí này.

Tesla được biết đến như là một trong những nhà tư tưởng, nhà phát minh lớn của thế kỷ 20, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng, truyền tải điện, thông tin vô tuyến và tia X. Những đóng góp của Tesla mang tính đột phá về kỹ thuật không đếm xuể, nhưng một trong những nghiên cứu đáng quan tâm nhất của ông là "tia tử thần", mà ông gọi là "teleforce".

Điều thú vị là nhà khoa học này là người chống chiến tranh mạnh mẽ, ông tuyên bố sẽ phát minh loại vũ khí "vì hòa bình", nhằm ngăn chặn không để ai có thể phát động một cuộc chiến nào nữa. Ông cho biết, vũ khí này có thể hạ máy bay, tàu thủy và giết chết nhiều người ngay lập tức. Tesla nói về phát minh của mình như sau:

- Thiết bị của tôi chiếu những hạt có kích thước siêu nhỏ, truyền đến một khu vực đã định, với năng lượng lớn gấp hàng tỷ lần so với bất cứ các tia nào hiện có mà không gì ngăn chặn được nó. Nó có thể hủy diệt bất cứ thứ gì, con người hay máy móc, trong bán kính 300km, đồng thời sẽ dựng lên bức tường năng lượng ngăn cản quân đội, máy bay và các phương tiện khác của kẻ thù xâm nhập, đánh phá.

Năm 1937, ông tuyên bố đã có thể phát triển loại vũ khí này trên thực tế. Tuy nhiên, vào lúc này nguồn quỹ đã cạn, ông đã tiếp cận nhiều chính phủ để chào hàng phát minh của mình, nhưng ít được quan tâm về kế hoạch phát triển nó.

Lý do chính là Tesla giữ kín về cách vũ khí hoạt động và đặt điều kiện không có sự can thiệp nào trong khi ông làm công việc của mình. Cuối cùng, ông không làm được một cỗ máy nào có tính năng như tuyên bố và mọi hy vọng về loại vũ khí phi thường cũng đã tan theo cái chết của ông vào năm 1943.

Khi tin tức về cái chết của ông lan ra, Chính phủ Mỹ lo sợ các nghiên cứu và thiết kế của ông lọt vào tay các cơ quan tình báo nước ngoài nên đã tung người lục soát nơi ông sinh sống tại Khách sạn New Yorker, ở Manhattan. Tuy nhiên, theo nguồn tin chính thức, không tài liệu nào được tìm thấy.

Mặc dù vậy câu chuyện cũng chưa khép lại, nhiều đồn đoán rằng, các tài liệu của Tesla đã bị thu giữ và nghiên cứu. Người ta nghi ngờ những loại vũ khí hiện đại ngày nay được quân đội Mỹ chế tạo đều dựa trên các bản thiết kế được cho là thất lạc của Tesla.

Điều dễ nhận ra là Tesla thực sự chưa hề làm ra một mẫu hình hoàn chỉnh nào, mặc dù liên tục hứa hẹn rằng sẽ cho ra mắt nó sớm. Cuối sự nghiệp, ông mắc các vấn đề tâm thần và thường đi chào hàng "tia tử thần" cho đến khi qua đời. Người ta cho rằng, loại vũ khí này không hề tồn tại, nó chỉ có trong đầu của ông.

Dù thế nào đi nữa, đây cũng là một chương thú vị trong lịch sử phát triển vũ khí từ những câu chuyện thuộc khoa học viễn tưởng, và dường như những trường hợp như thế này sẽ không bao giờ dừng lại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại