Ngày 22/4, ông Lê Châu Thắng - Giám đốc Xí nghiệp Quản lý vận hành hầm đường bộ đèo Cả - cho biết thông tin hầm đường bộ đèo Cả bị sụt lún xuất hiện những ngày qua trên mạng xã hội là không chính xác. Không có việc sụt lún ở hầm đường bộ đèo Cả, các phương tiện vẫn lưu thông bình thường.
Những thông tin không chính xác này xuất hiện từ việc hầm đường sắt Bãi Gió nằm ở xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa gặp sự cố, khiến nhiều người hiểu lầm. Thực chất, địa điểm gặp sự cố cách hầm đường bộ qua đèo Cả khoảng 20 km.
Trước đó, ngày 12/4, hầm đường sắt Bãi Gió bị sụt lún đất đá từ đỉnh vòm hầm. Để bảo đảm an toàn và thuận lợi trong thời gian ngành đường sắt xử lý sự cố để thông tuyến đường sắt qua hầm Bãi Gió , các cơ quan chức năng đã tạm thời cấm tất cả các phương tiện lưu thông trên đèo Cả.
Xí nghiệp Quản lý hầm đường bộ đèo Cả đã phối hợp cùng các cơ quan chức năng của hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa điều tiết, hướng dẫn các phương tiện đi qua hầm đường bộ đèo Cả trong thời gian cấm xe đi lại trên Đèo Cả. Theo số liệu tổng hợp cho thấy 10 ngày qua, lượt xe qua hầm tăng trung bình hơn 19% so với các tuần trước đó.
“Từ ngày 14/4, xí nghiệp đã hỗ trợ xe chở động vật, xe quá khổ qua hầm. Đối với xe quá khổ, trước đây xe được lưu thông qua hầm, chiều cao xe không được cao quá 4,75 m, thời điểm này nâng lên 4,95 m, chiều rộng không quá 3,2 m, được lên không quá 3,5 m. Những xe này mỗi khi qua hầm đều được bố trí phương tiện dẫn đường. Xe quá khổ (trong giới hạn cho phép) được xí nghiệp kiểm soát rất chặt chẽ thông qua hệ thống đo bằng thiết bị chuyên dụng”, ông Thắng thông tin thêm.
Tối 21/4, tuyến đường sắt Bắc - Nam chính thức được nối lại sau gần 10 ngày ách tắc vì sạt lở hầm đường sắt Bãi Gió.