Thực hư “máy bay ma” ở Trân Châu Cảng

Thiên Lý |

Thế chiến thứ hai -d ngoài những tàn khốc của nó, còn xảy ra nhiều sự kiện bí ẩn dường như làm mờ ranh giới giữa sự thật và giả tưởng.

 Một câu chuyện như vậy từng gây xôn xao dư luận, được cho là xảy ra vào cuối năm 1942 ở Trân Châu cảng, hơn một năm sau cuộc tấn công của người Nhật, liên quan đến “một máy bay chiến đấu ma”. Sự thật ra sao?

Máy bay lạ trên bầu trời

Vào lúc 7 giờ 48 phút sáng 7/12/1941, căn cứ Hải quân tại Trân Châu cảng ở Honolulu đã hứng chịu một cuộc tấn công bất ngờ và dữ dội, lôi kéo Hoa Kỳ vào Thế chiến II, góp phần làm thay đổi cục diện của cuộc chiến.

Hôm ấy, một lực lượng gồm 353 máy bay Nhật, được hỗ trợ bởi các tàu chiến và tàu ngầm, bất ngờ tấn công dữ dội căn cứ Mỹ khiến 188 máy bay bị phá hủy, 12 tàu bị đánh chìm, 2.403 người Mỹ thiệt mạng và 1.178 người khác bị thương, một sự kiện mà Tổng thống Franklin D. Roosevelt khi đó gọi là “ngày ô nhục”.

Một năm sau, tại căn cứ này lại xảy ra một điều kỳ lạ, liên quan đến một “phi cơ chiến đấu ma” và viên phi công bí ẩn. Nội dung câu chuyện, với những khác biệt không đáng kể, hiện có thể được tìm thấy nhiều trên Internet. Điển hình nhất là một bài báo có tiêu đề 15 bí ẩn kỳ lạ nhất trong Thế chiến II chưa được giải đáp, trong đó đứng thứ 5 là sự kiện Bóng ma P-40 ở Trân Châu cảng.

Chuyện kể rằng, vào ngày 8/12/1942, một chiếc máy bay không xác định được phát hiện trên radar đang bay từ ngoài biển Thái Bình Dương, hướng Nhật Bản về phía Trân Châu cảng, Hawaii. Khi nỗ lực liên lạc vô tuyến thất bại, hai máy bay chiến đấu được lệnh cất cánh để ngăn chặn kẻ xâm nhập, tránh một cuộc tấn công bất ngờ có thể xảy ra.

Tiếp cận máy bay lạ, các phi công đánh chặn phát hiện đó là chiếc Curtiss P-40 Warhawk của Mỹ, loại đã không còn hoạt động kể từ sau cuộc tấn công Trân Châu cảng. Thân chiếc máy bay lỗ chỗ nhiều vết đạn, động cơ phát ra những âm thanh ngắt quãng như đang gặp sự cố. Bên trong dường như có một phi công người đầy máu, đang xoay xở để kiểm soát “con chim sắt” bị thương của mình.

Lực lượng bảo vệ không phận còn đang bối rối, không biết nó từ đâu đến và với mục đích gì thì thấy viên phi công lạ dường như vẫy tay và mỉm cười với họ, trước khi chiếc máy bay mất độ cao bổ nhào xuống đất, phát ra tiếng nổ lớn và lửa bao trùm.

Các đội cứu hộ ngay lập tức đến hiện trường để xử lý vụ việc. Họ phát hiện một số điều rất kỳ lạ. Khi kiểm tra xác máy bay, mọi người không thấy dấu vết thi thể của phi công đâu cả. Manh mối duy nhất được tìm thấy là một cuốn nhật ký, trong đó viết rằng chiếc máy bay đến từ đảo Mindanao (Philippines), cách nơi này hơn 2.000 km.

Người ta cũng phát hiện bộ phận hạ cánh không còn, dường như đã bị nổ hoàn toàn trong một trận chiến. Trong tình trạng này, chiếc máy bay không thể bay một quãng đường dài như vậy. Các câu hỏi đặt ra là: Nó thực sự đến từ đâu? Làm thế nào nó có thể hoạt động trong điều kiện tồi tệ như vậy? Vì sao không có dấu vết của viên phi công?

Thực hư “máy bay ma” ở Trân Châu Cảng - Ảnh 1.

Đại tá Robert Lee Scott, Jr., người hùng Thế chiến thứ Hai và quyển sách của ông có câu chuyện về “phi công ma”.

Sự thật hay hư cấu?

Câu chuyện “Máy bay chiến đấu ma ở Trân Châu cảng” đã thu hút sự chú ý của dư luận, xem như một bí ẩn của Thế chiến thứ Hai. Một số người suy đoán rằng, máy bay này có thể đã bị bắn rơi hơn một năm trước đó và người phi công đã xoay xở để tự sinh tồn trong môi trường hoang dã.

Anh ta có thể nhặt được các bộ phận từ những chiếc máy bay khác bị bắn rơi, sửa chữa chiếc máy bay của mình và tìm cách bay trở về quê hương trên quãng đường hơn 2.000 km. Nhưng điều này không thể giải thích, làm thế nào mà chiếc máy bay lại có thể cất cánh mà không cần đến sự hỗ trợ của bất kỳ loại thiết bị hạ cánh nào. Cũng có giả thuyết cho rằng phi công là một "hồn ma" thực sự.

Trong nhiều năm, sự kiện này được kể đi, kể lại trong nhiều ấn phẩm khác nhau. Nhưng đáng ngạc nhiên là câu chuyện lại liên quan đến một chiến binh lừng lẫy trong Thế chiến II, Đại tá Robert Lee Scott, Jr., Chỉ huy Flying Tigers, Phi đoàn 23 tiêm kích.

Scott là một huyền thoại thời chiến, phi công lão luyện lái chiến đấu cơ Curtiss P-40 Warhawk tham gia nhiều trận đánh ác liệt trên không. Ông đã viết về đời chinh chiến của mình trong nhiều cuốn sách, nổi tiếng nhất là tự truyện ra mắt năm 1943, God Is My Co-Pilot, được dựng thành phim Hollywood cùng tên vào năm 1945.

Cũng trong năm 1945, Scott đã xuất bản quyển sách có tên Damned to Glory, tập hợp các mẩu truyện ngắn dựa trên trải nghiệm của ông và những gì ông chứng kiến trong cuộc chiến.

Một câu chuyện trong sách có tựa Ghost Pilot, gần như là một bản sao câu chuyện “Máy bay chiến đấu ma ở Trân Châu cảng”, chỉ khác là bối cảnh xảy ra tại Sân bay Kienow ở Trung Quốc. Scott sau đó đã bày tỏ sự bối rối về việc làm thế nào mà câu chuyện hư cấu của ông lại được chọn lọc và kể lại y như thật trên các trang mạng.

Có người hỏi ông câu chuyện này, ông cười và nói rằng, ông và một phi công khác đã thêu dệt nó để làm trò vui trong chiến tranh. Dù thừa nhận đây chỉ là chuyện bịa đặt nhưng ông vẫn không ngăn được nó phát triển thành một câu chuyện đầy bí ẩn.

Hóa ra một truyền thuyết đô thị được lan truyền trên Internet lại xuất phát từ tác phẩm hư cấu của một tác giả giàu trí tưởng tượng. Được kể lại, sao chép, rút gọn và sửa chữa, thêm thắt, nó xuất hiện trên các trang web “Bí ẩn chưa được giải đáp”, được nhiều độc giả theo dõi và không ít người cho đó là sự thật.

Những trận chiến trong Thế chiến thứ Hai dường như là nơi sản sinh những câu chuyện kỳ lạ và trường hợp này cũng không ngoại lệ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại