Thực hư dịch vụ đọc trộm tin nhắn trên facebook, zalo?

Vân Anh |

Dạo gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều các quảng cáo đọc trộm tin nhắn trên các mạng xã hội như facebook, zalo… làm xong mới lấy tiền.

Tìm kiếm cụm từ “đọc trộm tin nhắn trên facebook, zalo” chỉ trong 0,26 giây cho tới hơn 1,2 triệu kết quả. Trên các mạng xã hội gần đây cũng nở rộ các nhóm, quảng cáo dịch vụ đọc trộm tin nhắn trên facebook, zalo. Song, thực hư dịch vụ này là thế nào?

Khảo sát một số đầu mối quảng cáo thực hiện dịch vụ đọc trộm tin nhắn trên facebook, zalo… mức giá trung bình từ 3-15 triệu đồng tùy thuộc loại hình dịch vụ như nhận theo dõi, định vị, đọc trộm tin nhắn…

Thực hư dịch vụ đọc trộm tin nhắn trên facebook, zalo? - Ảnh 1.

Do tò mò, nhiều người muốn theo dõi, kiểm soát người xung quanh mình (Ảnh chụp màn hình)

Đa số các dịch vụ này đều quảng cáo với nội dung tương tự như nhau: “Hỗ trợ đọc trộm tin nhắn zalo, facebook, lấy lại tài khoản, xong mới thanh toán, không cọc trước”. Tuy nhiên, thực tế khi liên lạc trực tiếp, những người này cho biết phí dịch vụ là 500.000 – 1 triệu đồng và phải chuyển khoản trước mới “chốt đơn”.

Theo chuyên gia an ninh mạng Ngô Tuấn Anh, đã có trường hợp khi đặt cọc hoặc chuyển khoản trước, ngay lập tức kẻ nhận dịch vụ kia sẽ chặn hoàn toàn tài khoản facebook, zalo của người thuê dịch vụ. Thông thường, nạn nhân cũng không dám chia sẻ thông tin về việc bị lừa đảo chỉ vì mục đích ban đầu không tốt là muốn đọc trộm tin nhắn zalo, facebook, do đó đành phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”.

Còn một số trường hợp hãn hữu kẻ gian thực hiện được việc đọc trộm tin nhắn là do người dùng chủ quan, thiếu hiểu biết đăng nhập thông tin tài khoản và mật khẩu vào những đường link giả mạo được gửi đến nhằm lấy cắp thông tin. Khi đó, kẻ gian thực hiện nốt việc đọc trộm toàn bộ thông tin và gửi lại cho bên thuê.

“Không thể đọc trộm tin nhắn hay định vị chủ tài khoản facebook, zalo khi chủ tài khoản đang nắm quyền chủ động tài khoản của mình. Tất cả quảng cáo đó hoàn toàn mang tính chất lừa đảo, lừa tiền cọc của người dùng. Có chăng có hình thức dùng phần mềm và tài khoản ảo cùng một thời điểm báo cáo (report) một tài khoản là giả mạo. Khi đó, facebook sẽ khóa tài khoản đó lại, thì kẻ gian quảng cáo là đánh sập (RIP) được tài khoản đó”, ông Tuấn Anh cho hay.

Thực hư dịch vụ đọc trộm tin nhắn trên facebook, zalo? - Ảnh 2.

Chuyên gia khẳng định các quảng cáo dịch vụ đọc trộm tin nhắn trên facebook, zalo chủ yếu là lừa đảo.

Chuyên gia Ngô Tuấn Anh cũng cảnh báo, việc nhấp vào đường link lạ, khai báo thông tin tài khoản, mật khẩu dẫn đến bị mất tài khoản tuy đã có từ lâu nhưng đến nay vẫn có người dùng bị dính bẫy và trở thành nạn nhân của kẻ gian.

“Một số trường hợp may mắn có thể lấy lại được tài khoản khi thao tác nhanh và kịp thời. Nhưng kể cả vậy thông tin cá nhân và một số thông tin quan trọng của người dùng chia sẻ trên nền tảng vẫn có thể bị đánh cắp. Dó đó, trước hết người dùng cần có ý thức trong việc bảo vệ tài khoản của mình. Sử dụng tính năng xác thực 2 lớp khi đăng nhập”, ông Tuấn Anh khuyến nghị.

Ngoài ra, hạn chế đăng nhập tài khoản của mình trên thiết bị lạ, không nên để chế độ lưu mật khẩu tự động. Kiểm tra thường xuyên nhật ký hoạt động để biết có hoạt động nào bất thường trên tài khoản của mình không.

Không nên để lộ, công khai số điện thoại, email và hình chụp chứng minh nhân dân dùng để đăng ký facebook, zalo trên tường, trang cá nhân hoặc bất kỳ đâu. Thận trọng với các trào lưu mới nổi trên facebook mà yêu cầu click vào đường link, hoặc sử dụng ứng dụng nào đó không đáng tin cậy.

Khi ra quán net hay đăng nhập facebook, zalo trên thiết bị lạ thì tốt nhất nên dùng trình duyệt ẩn danh/đăng nhập tài khoản khách trên trình duyệt và nhớ đăng xuất tài khoản sau khi dùng xong.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại