Thực hư chuyện "thay đổi linh hồn sau chấn thương đầu"

A.Thư |

Chuyện 1 người bị chấn thương đầu, sau đó biến thành người có nhân cách trái ngược dường như phổ biến trong các phim kinh dị, phim hài. Khoa học nhìn nhận điều đó như thế nào?

Bạn đã từng coi phim kinh dị, trong đó nhân vật chính từ một người hiền lành bỗng gặp một chấn thương ở đầu và bộc lộ nhân cách trái ngược, ví như một tên sát nhân hàng loạt? Hay ai đó vụt trở thành thiên tài sau khi… va đầu mạnh vào đâu đó?

Triết học cổ đại phương Tây cũng từng nói đến sự "thay đổi linh hồn" sau một chấn thương...

Trong bài viết vừa đăng tải trên tờ The Conversation, tiến sĩ thần kinh học Leanne Rowlands đến từ Đại học Bangor (Xứ Wales, Vương quốc Anh), đã phân tích thực hư về vấn đề này theo góc nhìn của khoa học hiện đại.

Câu trả lời là hoàn toàn có thể nhưng đó là chuyện của bộ não, không phải linh hồn. Và cách mà bộ não thay đổi rất khác so với kiểu thay đổi trong phim ảnh.

Hồ sơ của Phineas Gage - vị quản đốc xây dựng trẻ tuổi, thông minh, tài giỏi, đạo đức trong kinh doanh - đã được mô tả rõ trong y văn từ năm 1848 là một ví dụ điển hình.

Sau tai nạn lao động làm một cây gậy đâm xuyên sọ, chấn thương vùng vỏ não trước trán, Gage đã hoàn toàn thay đổi. Chàng trai lịch thiệp biến thành một kẻ thô lỗ, hung hăng và vô trách nhiệm.

Thậm chí nhà quản lý phải yêu cầu các đồng nghiệp nữ không nên ở một mình với anh ta vì sợ họ bị quấy rối.

Một hồ sơ khác năm 2000 còn khiến giới khoa học tranh cãi dữ dội hơn: một giáo viên 40 tuổi đáng kính bỗng dưng trở thành một kẻ lạm dụng tình dục trẻ em.

Vì những việc làm tốt đẹp trước đó, các nạn nhân thậm chí cố bỏ qua và che giấu cho đến khi ông bị phát hiện lạm dụng chính con gái mình. Xu hướng lạm dụng trẻ em này đã biến mất sau khi các bác sĩ phát hiện một khối u gây chèn ép não và loại bỏ nó.

Theo tiến sĩ Leanne Rowlands, các trường hợp kể trên đều có điểm chung là sự tổn thương đến vùng vỏ não trước trán, đặc biệt là "vỏ não orbitofrontal".

Khu vực này có vai trò quản lý hành vi, điều chỉnh cảm xúc và điều khiển chủ nhân có đáp ứng phù hợp với các sự việc diễn ra trong cuộc sống.

Sự tai hại của việc mất kiểm soát trong quản lý hành vi có lẽ đã khá rõ ràng nhưng sự rối loạn trong điều chỉnh cảm xúc cũng nguy hiểm không kém.

Khó khăn trong việc điều chỉnh cảm xúc không chỉ biến họ thành kẻ thô lỗ mà còn khiến họ dễ đau khổ hơn. Nhiều người sống sót sau chấn thương não bị trầm cảm, rối loạn lo âu, cô lập xã hội. Và điều này lại làm tồi tệ thêm khả năng điều chỉnh hành vi.

Thêm đó, khả năng đáp ứng với mọi sự việc trong cuộc sống không còn bình thường đã khiến thế giới quan của bệnh nhân trở thành một mớ hỗn độn. Họ mất đi khả năng hành xử theo những chuẩn mực bình thường.

Theo tiến sĩ Rowlands, điều này không có nghĩa là chúng ta chấp nhận một người sau chấn thương bỗng hành xử như kẻ tội phạm hoặc ngược lại trở nên trầm uất, cô độc. Họ cần được giúp đỡ ngay sau chấn thương.

Đó là các bài kiểm tra các tổn thương nhìn thấy được về mặt thể chất cũng như sự điều trị về mặt tâm lý – tâm thần để giúp họ học cách kiểm soát một lần nữa hành vi, cảm xúc và cách sống trong xã hội.

Theo The Conversation

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại