Thực hư chuyện học sinh lớp 7 ở Bắc Kạn không biết chữ

Ngô Tiến - Phương Thảo |

Liên quan tới việc học sinh lớp 7 ở Bắc Kạn không biết chữ, phóng viên Báo Giáo dục và Thời đại đã tìm hiểu và xác minh thông tin.

Cụ thể, làm việc với trường THCS Nông Hạ, cô giáo Trần Thị Anh Thư, Hiệu trưởng trường THCS Nông Hạ, huyện Chợ Mới cho biết: Em Nguyễn Đức Dương là học sinh lớp 6A của nhà trường. Đây là học sinh thuộc diện khuyết tật về trí tuệ, có chứng nhận của cơ quan chức năng và được đưa về nhà trường để hoà nhập cộng đồng. Ngay tại thời điểm tiếp nhận học sinh, nhà trường đã tiến hành đánh giá năng lực, lập kế hoạch giáo dục cá nhân cho em Dương.

Quá trình học tập, Dương nhận thức chậm hơn bạn bè, luôn được thầy cô, bạn bè quan tâm đặc biệt. Dương có khả năng nhìn chép, có thể đọc nhưng tuỳ từng thời điểm do đó việc học sinh được chuyển từ lớp 6 lên lớp 7 thông qua nhiều hình thức kiểm tra khác nhau là đúng với quy định và tinh thần giáo dục học sinh khuyết tật tại Điều 11 Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT.

Thực hư chuyện học sinh lớp 7 ở Bắc Kạn không biết chữ - Ảnh 1.

Em Nguyễn Đức Dương, học sinh lớp 6A, trường THCS Nông Hạ, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn là đối tượng trẻ khuyết tật cần được quan tâm, giáo dục đặc biệt.

Là giáo viên trực tiếp kèm cặp, hỗ trợ học sinh ngay từ thời điểm em Dương chuyển từ Tiểu học sang THCS, cô giáo Phạm Thị Hải, giáo viên chủ nhiệm lớp 6A, trường THCS Nông Hạ, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn chia sẻ: Hiểu rõ hoàn cảnh của em Dương, nên các thầy cô thường xuyên có sự trao đổi với gia đình, đặc biệt là mẹ của em Dương.

Do nhận thức của Dương còn hạn chế, em lại là học sinh khuyết tật nên phía nhà trường luôn có phương pháp nhẹ nhàng, phù hợp để không gây áp lực, tránh ảnh hưởng đến tâm lý của học sinh, bên cạnh việc thực hiện đầy đủ các chính sách, nhà trường cũng dành sự quan tâm và tặng quà cho em trong năm học vừa qua. Đồng thời, trường cũng thường xuyên động viên, tổ chức các lớp bồi dưỡng cho học sinh yếu kém, tuy nhiên do sức khoẻ không đảm bảo nên Dương thường xuyên nghỉ học.

Thực hư chuyện học sinh lớp 7 ở Bắc Kạn không biết chữ - Ảnh 2.

Phóng viên báo Giáo dục và Thời đại tiến hành kiểm tra khả năng nhận biết mặt số, mặt chữ của em Dương.

Đến thăm nhà em Nguyễn Đức Dương, phóng viên đã tiến hành kiểm tra và cho em Dương nhận biết một số chữ cái, cũng như mặt số cơ bản, Dương đều có thể nhận biết các mặt số, mặt chữ, có khả năng đánh vần họ tên, lớp, tuy nhiên việc ghép chữ đối với Dương còn khó khăn.

Sau khi được các thầy cô giáo trong trường giải thích về lý do Dương được chuyển lớp và tham gia hoà nhập cộng đồng, bà Chung Thị Đẹp, xóm Nà Mẩy, xã Nông Hạ huyện Chợ Mới, là bà nội của em Nguyễn Đức Dương đã hiểu ra sự việc và bày tỏ nguyện vọng mong muốn nhà trường sẽ tiếp tục dành sự quan tâm, tạo điều kiện để cháu đến trường hoà nhập với bạn bè, thầy cô, mong sao cháu ngày càng tiến bộ hơn.

Còn đối với Dương, em bày tỏ nguyện vọng tiếp tục được lên lớp, đúng độ tuổi cùng cô giáo và các bạn. Đồng thời, trong năm học tới em sẽ cố gắng nhiều hơn trong học tập.

Ông Lê Ngọc Quyến, Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn cho biết: Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, lãnh đạo UBND huyện đã chỉ đạo phòng GD&ĐT, UBND xã Nông Hạ xác minh và thông tin về trường hợp này.

Lãnh đạo huyện Chợ Mới khẳng định, qua kiểm tra hồ sơ và báo cáo từ phía phòng GD&ĐT và UBND xã Nông Hạ, xác định đây là học sinh người khuyết tật, đang được hưởng chế độ theo đúng quy định. Đồng thời, trường hợp em Dương là đối tượng không tính vào chỉ tiêu thành tích tại các trường nên không có chuyện cho em lên lớp vì "bệnh thành tích".

Thực hư chuyện học sinh lớp 7 ở Bắc Kạn không biết chữ - Ảnh 3.

Trường hợp em Nguyễn Đức Dương vẫn đang được hưởng đầy đủ chính sách, chế độ theo đúng quy định của pháp luật.

Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới đã yêu cầu phòng GD&ĐT các trường trên địa bàn tiếp tục tiến hành rà soát trẻ khuyết tật để đảm bảo chăm lo kịp thời, hỗ trợ đầy đủ các chế độ theo đúng quy định của pháp luật, phân công giáo viên xây dựng kế hoạch học tập phù hợp với từng đối tượng, kèm cặp đối với các học sinh yếu kém để nâng cao khả năng nhận biết, trình độ của các em.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại