Phải chăng Anne Frank tái sinh thành Barbro Karlen (ảnh trái)?
Có giả thuyết cho rằng, sau khi chết con người sẽ tái sinh vào một cơ thể mới, sống cuộc sống mới. Một hiện tượng rất kỳ lạ như vậy đã xảy ra ở một phụ nữ, mà ngay từ thời thơ ấu đã khăng khăng mình là hóa thân của nhân vật Anne Frank nổi tiếng. Thực hư ra sao?
Cô bé Anne Frank bất hạnh
Cái tên Annelies Marie Frank, hay phổ biến hơn là Anne Frank, không xa lạ với nhiều độc giả trên thế giới. Sinh năm 1929 tại Frankfurt, Đức, trong một gia đình gốc Do Thái. Năm 1934, khi Adolf Hitler và Đảng Quốc xã nắm quyền kiểm soát nước Đức, bắt đầu chính sách kỳ thị người Do Thái, gia đình cô chuyển đến sống ở Amsterdam, Hà Lan để tránh bị đàn áp.
Nhưng vận rủi cũng không buông tha họ, Đức Quốc xã chiếm đóng Hà Lan vào năm 1940, và người Do Thái ở đây cũng bị bắt bớ như ở nhiều nơi khác. Từ tháng 7/1942, Anne và những người thân phải trốn trong những căn phòng chật chội sau một tủ sách ở nơi làm việc của cha cô, Otto Frank.
Ẩn mình trong bóng tối, hằng ngày cô bé Anne 13 tuổi bắt đầu viết nhật ký, kể về sự khủng khiếp của chiến tranh, cũng như tình trạng khó khăn của gia đình. Đến tháng 8/1944, Gestapo phát hiện họ và cả gia đình bị tống vào trại tập trung.
Anne chết vào ngày 15/4/1945 tại trại tập trung khét tiếng Bergen-Belsen. Người duy nhất trong gia đình còn sống sót sau cuộc chiến là Otto Frank. Sau này, ông phát hiện cuốn nhật ký của con gái mình do người thư ký cất giữ.
Được xuất bản vào năm 1947, Nhật ký của một cô gái trẻ, sau này được gọi là Nhật ký của Anne Frank, trở thành một trong những cuốn hồi ký nổi tiếng, bán rất chạy vào thời đó.
Cô gái Thụy Điển và những cơn ác mộng
Anne Frank đã viết nhật ký trong thời gian trốn tránh sự lùng bắt của Đức Quốc xã.
Vào năm 1954, tại Thụy Điển có một cô gái tên là Barbro Karlen sinh trong gia đình theo đạo Thiên chúa. Ngay từ khi còn nhỏ, cô thường gặp những cơn ác mộng và la hét suốt đêm. Lúc mới tròn 3 tuổi, cô khiến bố mẹ ngạc nhiên, khi nói rành rẽ rằng, mình không phải tên Barbro, mà là Anne, tên đầy đủ là “Anne Frank”.
Ngoài ra, cô luôn kể về những cơn ác mộng, trong đó có những người đàn ông mặc đồng phục đạp đổ cửa nhà cô. Cha mẹ của Barbro không hiểu những gì cô bé nói vì họ chưa hề nghe về Anne Frank, và tất nhiên cô con gái nhỏ của họ cũng không.
Quyển sách của Anne Frank không có bản dịch sang tiếng Thụy Điển vào thời điểm đó.
Cho rằng đầu óc Barbro đang có vấn đề, họ đưa cô đến gặp một bác sĩ tâm lý. Tuy nhiên, cô bé không tiết lộ những trải nghiệm lạ với ông ta nên vị bác sĩ nhận định cô là một đứa trẻ bình thường, còn những cơn ác mộng sẽ mất dần khi cô lớn lên.
Đến năm 12 tuổi, Barbro trở thành một thần đồng văn học, cô xuất bản một tập thơ có tên Man on Earth, bán rất chạy ở Thụy Điển. Trong thời gian này, Barbro hầu như giữ im lặng về câu chuyện có liên quan đến Anne Frank, thậm chí bản thân cô cũng bắt đầu tin mình bị loạn trí.
Căn phòng ám ảnh
Nhưng sau đó, mọi chuyện trở nên kỳ lạ khi bố mẹ Barbro đưa cô đến Amsterdam trong chuyến du lịch khắp châu Âu của họ vào dịp nghỉ lễ. Ngay khi đến đó, họ quyết định đến thăm nơi ở của Anne Frank. Mặc dù chưa bao giờ đến Amsterdam, Barbro biết rất rõ đường đến nhà Anne Frank.
Trong cuốn sách Born Again, TS Walter Semkiw, người Mỹ, nhà nghiên cứu về luân hồi, kể về chuyến thăm kỳ lạ này:
- “Thật kỳ lạ”, Barbro nói khi họ đứng trước bậc thềm của ngôi nhà, “Nó không giống như trước đây”. Khi họ vào nhà, đi lên cầu thang hẹp, Barbro đang phấn khởi đột nhiên mặt trắng bệch. Cô toát mồ hôi và đưa tay nắm lấy tay mẹ. Mẹ cô hoảng sợ khi cảm nhận bàn tay của Barbro lạnh như băng.
Khi họ bước vào nơi ẩn náu của gia đình Anne Frank, nỗi kinh hoàng bao trùm lên Barbro. Nhưng khi đi vào một trong những căn phòng nhỏ, cô tươi tỉnh hơn một chút.
Sau đó, cô nhìn vào bức tường trước mặt cô và thốt lên: “Nhìn kìa, những bức ảnh của các ngôi sao điện ảnh vẫn còn đó!”. Cô cảm thấy hạnh phúc, gần như được trở về nhà. Tuy nhiên, mẹ cô nhìn chằm chằm vào bức tường trống, không hiểu cô nói gì.
“Những hình ảnh gì? Bức tường trống mà”, bà bối rối nói. Sau đó, một trong những hướng dẫn viên cho biết, từng có những bức tranh trên tường trong căn phòng của Anne Frank nhưng lúc đó chúng được hạ xuống để lồng khung kính.
Ký ức trỗi dậy
Ở tuổi vị thành niên của Barbro, những ký ức tiền kiếp này dần dần mờ đi, cô bắt đầu có một cuộc sống bình thường, làm việc ở Sở Cảnh sát Swish (một đơn vị cảnh sát tại Stockholm). Nhưng mọi chuyện thay đổi khi cô sang tuổi bốn mươi. Cô bỗng tỏ ra ác cảm với một trong những sĩ quan cùng làm việc.
Đầu tiên, cô không hiểu tại sao, cho đến khi cô nhận ra anh ta là một lính SS ở trại tập trung của Đức Quốc xã tái sinh. Thế rồi, những ký ức tiền kiếp của cô lại tràn về. Từ sự trỗi dậy mạnh mẽ này, cô quyết định viết một quyển sách về những trải nghiệm của mình có tựa đề And the Wolves Howled.
Ngoài những biểu hiện không thể giải thích, Barbro cũng cho thấy nhiều điểm tương đồng kỳ lạ với Anne Frank trong suốt cuộc đời của cô. Ví dụ, từ khi còn nhỏ, cô rất sợ những người đàn ông mặc đồng phục, và cũng có ác cảm với đậu, món ăn mà Frank dùng liên tục trong thời gian trốn tránh.
Cô cũng là một thần đồng viết lách như Frank, thậm chí còn được nhận xét là có nét mặt giống Frank. Kỳ lạ nhất là vào những năm sau đó, Barbro gặp anh họ của Anne Frank tên là Buddy Elias. Sau khi nói chuyện với cô, ông ta tin cô thực sự là Anne Frank tái sinh.
Liệu Barbro Karlen có thực sự là hóa thân của Anne Frank? Dù thế nào, đây cũng là một câu chuyện về tiền kiếp đáng chú ý.