Các nền tảng giao đồ ăn trực tuyến tại Trung Quốc đang cạnh tranh gay gắt để thu hút khách hàng. Một trong những tiêu chí ganh đua giúp đem lại thành công chính là tốc độ giao hàng.
Mỗi ứng dụng giao hàng trực tuyến tại Trung Quốc có một thuật toán , ước tính thời gian khách sẽ nhận được đồ sau khi thanh toán. Tuy nhiên, sức ép cạnh tranh khiến các thuật toán có xu hướng ngày càng rút ngắn thời gian giao hàng.
Theo hãng tin AFP trích ý kiến từ một tài xế, trước kia, một đơn hàng từ quán mì ở khu mua sắm trung tâm của thành phố Bắc Kinh giao đến địa chỉ khách hàng cách đó 2 km, tài xế sẽ có 40 - 50 phút cho quá trình từ khâu lấy hàng đến giao hàng. Giờ đây, do sức ép cạnh tranh, thuật toán yêu cầu rút ngắn thời gian giao hàng xuống còn 20 phút.
Người được lợi nhất chắc chắn là khách hàng. Còn cánh tài xế giao hàng ở Bắc Kinh đang chịu áp lực lớn từ các thuật toán vô cảm này.
Ông Zhuang vừa giao xong đồ ăn cho khách, tuy nhiên, ông đến muộn và bị hệ thống trừ một nửa số thù lao kiếm được từ đơn hàng.
"Bạn có xem tin tức không, chính là vì dữ liệu lớn (Big Data). Dữ liệu lớn đẩy sức lực con người đến giới hạn. Có khi cách duy nhất để hoàn thành đơn đúng thời gian là đi thật nhanh, vượt đèn đỏ và lái xe sai phần đường" - ông Zhuang Zhenhua bức xúc.
Nhiều tài xế bất chấp vi phạm luật giao thông để kịp thời gian giao hàng (Ảnh: WSJ)
Dù được xem là ngành dịch vụ thiết yếu, nhất là vào thời kỳ khó khăn của đại dịch, các tài xế chỉ kiếm được trung bình khoảng 7.000 Nhân dân tệ/tháng (khoảng 24,7 triệu đồng Việt Nam). Đây không phải là mức thu nhấp tốt ở Bắc Kinh.
Ông Li, một tài xế giao hàng ở Bắc Kinh, Trung Quốc, cho biết: "Dừng đèn đỏ nếu có cảnh sát giao thông thì không ai dám vượt. Nhưng cảnh sát quay đi thì rồ ga ngay. Tôi nghĩ nhiều người lái xe liều lĩnh vì nếu giao hàng chậm sẽ bị phạt rất nặng. Khách hàng đánh giá tiêu cực thì lương chúng tôi bị trừ thê thảm".
Theo AFP, gần đây, thời gian giao hàng được rút ngắn cũng tỷ lệ thuận với các vụ tai nạn giao thông của tài xế. Một gia đình ở Bắc Kinh chỉ nhận được khoản bồi thường ít ỏi khi người thân qua đời vì tai nạn giao thông khi đang đi giao hàng. Nhà chức trách Trung Quốc đã chỉ đạo cơ quan giám sát an ninh mạng xem xét cách thức các tập đoàn công nghệ sử dụng thuật toán để vận hành ứng dụng.
"Xem TV, tôi thường xuyên thấy có tin tai nạn giao thông. Mọi người thường nói mạng sống là quý giá. Nếu được chọn, tôi sẽ không làm tài xế giao hàng" - ông Zhuang cho biết.
Ở Trung Quốc, mối quan hệ giữa các nền tảng công nghệ và tài xế giao hàng vẫn còn nhiều điểm thiếu minh bạch. Lý do là thuật toán do các hãng công nghệ xây dựng chỉ nhằm tối ưu hiệu quả công việc. Điều đáng tiếc là trong nhịp sống gấp gáp của xã hội hiện đại, các thuật toán này đem lại cái giá quá đắt là sinh mạng con người.