Mới đây, Google đã lên Twitter để phàn nàn rằng iMessage của Apple có ảnh hưởng quá lớn đối với trẻ em ngày nay. Đây là phản hồi của công ty trước một báo cáo của WSJ, mô tả chi tiết về áp lực xã hội mà Apple đang tạo ra đối với thanh thiếu niên tại Mỹ.
Cụ thể, trong ứng dụng tin nhắn iMessage, nếu người nhắn tới cũng đang dùng iPhone, nó sẽ hiển thị nền màu xanh lam và cung cấp các tính năng nhắn tin bổ sung. Trong khi tin nhắn đến từ điện thoại Android sẽ được hiển thị bằng màu xanh lục và chỉ có bộ tính năng SMS cơ bản.
iMessage phân biệt tin nhắn tới từ thiết bị dùng Android hay iOS.
Theo WSJ, "thanh thiếu niên và sinh viên đại học cho biết họ sợ hãi sự tẩy chay đi kèm với dòng chữ màu xanh lá cây”. Báo cáo cho biết một số thanh thiếu niên đã bị bạn bè tẩy chay và xa lánh, sau khi không còn dùng điện thoại iPhone nữa. Và Google cảm thấy đây là một vấn đề.
“iMessage không được hưởng lợi từ việc bắt nạt”, tài khoản Twitter chính thức của Android viết. "Nhắn tin sẽ mang chúng ta lại gần nhau, và giải pháp đã tồn tại. Hãy giải quyết vấn đề này như một ngành công nghiệp.”
Và "giải pháp" mà Google đang thúc đẩy ở đây là RCS - Rich Communication Services - một tiêu chuẩn do Hiệp hội GSM đưa ra từ năm 2008. RCS bổ sung các chỉ báo, sự hiện diện của người dùng và khả năng chia sẻ hình ảnh tốt hơn vào tin nhắn của nhà cung cấp dịch vụ. Tuy nhiên, đây là một tiêu chuẩn 14 năm tuổi, vì vậy nó thiếu nhiều tính năng mà người dùng mong muốn từ một dịch vụ nhắn tin hiện đại, như mã hóa đầu cuối và hỗ trợ cho các thiết bị không phải điện thoại. Google đã cố gắng hỗ trợ để vượt qua tiêu chuẩn cũ với ứng dụng "Google Messaging" của mình, nhưng kết quả là chỉ mang lại thêm nhiều rắc rối.
Tin nhắn kêu gọi Apple nên "chơi đẹp".
Kể từ khi RCS thay thế SMS, Google đã thực hiện một chiến dịch để yêu cầu cả ngành thực hiện việc nâng cấp. Sau nhiều năm phản đối, các gã khổng lồ công nghệ của Mỹ đều đã tham gia và cũng có một số tập đoàn quốc tế tiếp nhận. Nhưng công ty lớn nhất là Apple, lại chỉ hỗ trợ SMS thông qua iMessage.
Apple chưa bao giờ công khai ý tưởng bổ sung RCS vào iMessage. Theo các tài liệu được tiết lộ trong vụ kiện của Epic, công ty coi việc giới hạn iMessage là một vũ khí có giá trị. Đưa RCS vào iMessage và giúp giao tiếp dễ dàng hơn với người dùng Android sẽ chỉ giúp làm suy yếu “khu vườn có tường bao quanh” của Apple, và công ty cho biết họ không muốn điều đó.
Còn Google rõ ràng coi sự phổ biến của iMessage là một vấn đề và công ty đang hy vọng chiến dịch đánh vào sự xấu hổ này sẽ khiến Apple thay đổi ý định về RCS. Nhưng, việc đưa ra lời khuyên cho các công ty khác về chiến lược nhắn tin là một ý tưởng buồn cười, vì bản thân Google có lẽ là công ty có độ tin cậy kém nhất so với bất kỳ công ty công nghệ nào khi nói đến dịch vụ nhắn tin. Nếu công ty thực sự muốn làm điều gì đó với iMessage, họ nên thử cạnh tranh với nó.
Lịch sử phát triển ứng dụng nhắn tin của Google là một đống hỗn độn.
Lịch sử phát triển ứng dụng nhắn tin của Google là một loạt những lần khởi động và ngừng hoạt động sản phẩm liên tục. Do thiếu tập trung vào sản phẩm hoặc vì bất kỳ vấn đề gì khác, Google không có bộ phận nào thực sự "phụ trách" việc phát triển nền tảng hay ứng dụng nhắn tin. Kết quả là, công ty đã phát hành 13 sản phẩm nhắn tin nửa vời kể từ khi iMessage của Apple ra mắt vào năm 2011.
Do đó, nếu Google muốn tìm kiếm ai đó để đổ lỗi cho sự thống trị của iMessage, hãng nên bắt đầu với chính mình. Vì bản thân Google đã liên tục phá hoại và từ bỏ kế hoạch của riêng mình để trở thành đối thủ cạnh tranh của iMessage.
Nhắn tin rất quan trọng ngay cả khi nó không thể kiếm tiền trực tiếp, bởi một ứng dụng nhắn tin thống trị thị trường sẽ có những lợi ích thực sự, và cả hữu hình đối với một hệ sinh thái. Phần còn lại của ngành công nghệ đã hiểu điều rõ này từ những năm trước. Facebook đã trả 22 tỷ USD để mua WhatsApp vào năm 2014 và đưa ứng dụng này từ 450 triệu người dùng lên 2 tỷ người dùng. Cùng với Facebook Messenger, Facebook có hai nền tảng nhắn tin thống trị hiện nay, đặc biệt là trên phạm vi quốc tế. Salesforce đã trả 27 tỷ USD cho Slack vào năm 2020. Hay WeChat của Tencent, một ứng dụng nhắn tin của Trung Quốc, đang thu hút 1,2 tỷ người dùng và có doanh thu hàng năm là 5,5 tỷ USD. Snapchat thì có vốn hóa thị trường lên tới 67 tỷ USD còn Telegram đang nhận được 40 tỷ USD định giá từ các nhà đầu tư. Và trong khi Google tiếp tục mải miết thử các ý tưởng mới trong thị trường này, công ty lại không bao giờ thực hiện một khoản đầu tư tương tự như các đối thủ cạnh tranh.
Google đã từng có một đối thủ cạnh tranh về chức năng với iMessage, được gọi là Google Hangouts. Vào khoảng năm 2015, Hangouts đã là một nền tảng nhắn tin, hỗ trợ tin nhắn SMS và Google Voice. Hangouts thậm chí đã thực hiện các cuộc gọi điện video nhóm sớm 5 năm, trước khi Zoom xuất hiện. Và nó có các ứng dụng khác trên Android, iOS, web, Gmail và mọi hệ điều hành dành cho máy tính để bàn thông qua tiện ích mở rộng của Chrome.
Tuy nhiên, như thường lệ, Google không có bất kỳ loại kế hoạch dài hạn nào hoặc muốn thực thi một chiến lược nhắn tin duy nhất. Đó là lý do Hangouts chỉ tồn tại với tư cách là nền tảng có "mọi tính năng" trong vòng một năm. Đến năm 2016, Google chuyển hướng sang ứng dụng nhắn tin tiếp theo và khiến cho Hangouts trở nên mục nát.
Hangouts của Google từng rất tiềm năng, nhưng lại không được coi trọng.
Và giờ, ngay cả khi Google có thể triển khai RCS ở mọi nơi một cách kỳ diệu, thì việc xây dựng nền tảng nhắn tin dựa trên đó lại là một vấn đề, vì nó phụ thuộc vào hóa đơn điện thoại của nhà cung cấp dịch vụ. Các trang web, PC, đồng hồ thông minh và máy tính bảng hầu như đều không có thẻ SIM. Các nhà cung cấp dịch vụ đã thiết kế RCS, vì vậy RCS phải khiến người dùng trả tiền hóa đơn. Và như vậy, Google chỉ đang quảng cáo một "khu vườn" của nhà mạng như một giải pháp để thay thế "khu vườn" của Apple.
Bất chấp việc Google phàn nàn về iMessage, công ty dường như không học được gì từ thất bại trong nhiều năm qua về vấn đề nhắn tin. Ngày nay, loạt hệ thống nhắn tin của Google dường như là thứ tồi tệ và bị phân mảnh nhất từ trước đến nay. Tính đến thời điểm hiện tại, công ty điều hành 8 nền tảng nhắn tin riêng biệt, và không có nền tảng nào “nói chuyện với nhau”. Chúng bao gồm Google Messages/RCS, Google Chat/Hangouts, Google Voice, Google Photos Messages, Google Pay Messages, Google Maps Business Messages, Google Stadia Messages và Google Assistant Messaging.
Một vài ứng dụng về bản chất không chủ yếu là ứng dụng nhắn tin, nhưng chúng đều đã hoàn thành việc triển khai nền tảng nhắn tin riêng vì không có hệ thống chung nào của Google để cắm vào.
Đó là một mớ hỗn độn đáng kinh ngạc, thậm chí không có sản phẩm nào của Google tốt như Hangouts vào năm 2015. Và, trong khi Google đi lùi, họ lại nghĩ đến việc yêu cầu các công ty công nghệ khác vui lòng “chơi đẹp” với mình.
Tham khảo arstechnica