Quả tình, cả người hâm mộ lẫn giới chuyên môn Việt Nam đều nhận ra rằng U22 Việt Nam không ổn chút nào khi chứng kiến màn ép sân của U22 Lào cuối trận. Thậm chí nếu các chân sút trẻ của Lào chỉnh chu hơn trong những pha kết thúc cuối cùng, rất có thể thầy trò HLV Troussier đã phải "ngậm đắng nuốt cay" trước đối thủ được đánh giá là yếu hơn mình rất nhiều.
Dĩ nhiên khi bị dẫn trước, U22 Lào chơi tấn công và có được cơ hội trước khung thành của Quan Văn Chuẩn là bình thường, song điều đáng ngạc nhiên là dù được đánh giá là mạnh hơn rất nhiều và sớm có được bàn thắng sớm khá may mắn, song U22 Việt Nam trong tay HLV Troussier chơi cả trận như thế gặp đối thủ ngang tầm hoặc mạnh hơn, với lối chơi rời rạc, không thể tận dụng được lợi thế và đẳng cấp của mình để kết liễu đối phương.
Quả tình, dù cho HLV Troussier đánh giá là ông và các học trò "cảm thấy ổn" sau trận đấu đầu tiên ở SEA Games 32 và U22 Việt Nam giành được chiến thắng, song đây vẫn là màn khởi đầu tệ nhất ở đấu trường SEA Games của bóng đá Việt Nam tính từ thời Hữu Thắng. Ở giải đấu năm 2017, dù phải xách vali về nước ngay sau vòng đấu bảng, thì U22 Việt Nam ngày ấy cũng khởi đầu bằng 3 trận thắng đậm đà, với mỗi trận ghi đến 4 bàn vào lưới đối phương.
Trận thắng may mắn trước U22 Lào đang đặt ra nhiều câu hỏi cho ông thầy người Pháp của U22 Việt Nam. Phải chăng không có được lợi thế là những cầu thủ quá tuổi như thời HLV Park Hang-seo, U22 Việt Nam cũng chỉ ngang tầm Lào? Hay là bởi triết lý bóng đá của HLV Troussier không phù hợp với U22 Việt Nam, khi từ Doha Cup, 3 trận giao hữu với các đội bóng yếu Việt Nam cho đến trận khai màn SEA Games 32, cả thầy lẫn trò đều "như gà mắc tóc"? Hay lứa cầu thủ trẻ này quá tệ?
Nên nhớ ở SEA Games 29 năm 2017, U22 Việt Nam trong tay Hữu Thắng, với những Quang Hải, Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh... dù thắng giòn giã ở ba trận đầu tiên vòng bảngm song rốt cuộc cũng bị loại cay đắng vì không thể vượt qua được U22 Indonesia trước khi bị U22 Thái Lan "trừng phạt" đến 3 bàn không gỡ ở lượt đấu cuối.
Năm nay, U22 Việt Nam tiếp tục rơi vào "bảng đấu khó" như Hữu Thắng ngày nào với việc chung bảng với U22 Thái Lan, cùng đối thủ "ngang tài ngang sức" khác là U22 Malaysia.
Ở SEA Games 2017, HLV Hữu Thắng đã mắc phải sai lầm "chết người" khi cực kỳ bảo thủ với những quyết định của mình, như nhất quyết tin dùng Tấn Tài để rồi phải "ngậm đắng nuốt cay" trước Indonesia, khiến tâm lý các cầu thủ bị ảnh hưởng rất nhiều.
Sau chiến thắng may mắn trước U22 Lào, dường như HLV Troussier đang đi vào "vết xe đổ" ngày nào với những phát ngôn có phần "hờn dỗi", dù biết thừa rằng nếu không có sự vô duyên của các chân sút trẻ Lào cũng như sự xuất sắc của thủ thành Quan Văn Chuẩn, rất có thể U22 Việt Nam đã phải trận một trận hòa, thậm chí là thua.
Bên cạnh đó, dù được đánh giá cực cao về mặt chuyên môn và kinh nghiệm, song bản thân chiến lược gia người Pháp cũng đưa ra những phát ngôn hết sức khó hiểu: "Trận này, chúng tôi có bàn sớm. Ở một khía cạnh nào đó, không viết đó là lợi thế hay bất lợi. Cầu thủ sẽ bối rối, không biết nên tiếp tục lối chơi hay bảo vệ thành quả".
Với phát ngôn này của ông, không cần đến giới chuyên môn, mà ngay cả người hâm mộ cũng có thể dễ dàng đặt câu hỏi: "Nếu vậy thì ông và cả Ban huấn luyện ngồi trên sân để làm gì?".
HLV Park Hang-seo không hề thiếu sự bảo thủ trong suốt hơn 5 năm gắn bó cùng bóng đá Việt Nam, và cho dù khá may mắn khi cả hai kỳ SEA Games cùng U23 Việt Nam đoạt liên tiếp hai tấm HCV đều có được lợi thế là sự trợ giúp đắc lực của các học trò quá tuổi là trụ cột đội tuyển quốc gia gánh vác cho các cầu thủ trẻ, đồng thời Thái Lan không tận dụng được lợi thế này.
Nhưng SEA Games 32 lần này, khi người Thái nhất quyết phải đòi lại tấm HCV bóng đá nam, đồng thời các đội bóng khá sẽ nhìn vào U22 Lào để đối phó với thầy trò HLV Troussier, thì "bóng ma Hữu Thắng" hơn lúc nào hết đang hiện hữu bên cạnh ông thầy mới người Pháp. Biết đâu lại ngay ở trận đối đầu với U22 Singapore chiều nay?