Thừa nhận có sự xa cách, EU muốn đánh giá lại quan hệ với Trung Quốc

Thu Hoài |

Trước chuyến thăm Trung Quốc vào tuần tới với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Ursula von der Leyen ngày 30/3 kêu gọi đánh giá lại quan hệ với Trung Quốc. Bà Leyen thừa nhận quan hệ hai bên đã trở nên "xa cách và khó khăn hơn" trong vài năm qua.

Phát biểu tại Brussels, Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Ursula von der Leyen cho rằng, với quy mô kinh tế và ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc, việc Liên minh châu Âu quản lý mối quan hệ này sẽ là yếu tố quyết định cho sự thịnh vượng và an ninh kinh tế của toàn khối. Theo Người đứng đầu cơ quan hành pháp Liên minh châu Âu, việc tách khỏi Trung Quốc là không khả thi, nhưng điều quan trọng là phải tập trung vào việc giảm thiểu rủi ro gây ra cho châu Âu.

"Rõ ràng là quan hệ của chúng ta với Trung Quốc đã trở nên xa cách và khó khăn hơn trong vài năm qua. Mối quan hệ EU- Trung Quốc không phải là trắng hay đen, và phản ứng của chúng ta cũng không thể như vậy. Đây là lý do tại sao châu Âu cần tập trung vào việc giảm thiểu rủi ro với Trung Quốc thay vì tách rời khỏi quốc gia này", bà Leyen nói.

Chuyến thăm đến Bắc Kinh của bà Leyen và Tổng thống Pháp Macron dự kiến vào ngày 5/4 tới là chuyến thăm thứ 3 của các quan chức cấp cao châu Âu đến Trung Quốc trong chưa đầy nửa năm qua, sau chuyến thăm của Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Chủ tịch Hội đồng châu Charles Michel. Việc các quan chức hàng đầu châu Âu dồn dập thăm Trung Quốc chỉ trong một thời gian ngắn đã gây tranh cãi ngay trong nội bộ các nước thành viên.

Một số nước, đặc biệt là các nước Baltic và Đông Âu muốn Liên minh châu Âu cứng rắn hơn với Trung Quốc. Tuy nhiên, một số khác, trong đó có Pháp và Đức lại muốn duy trì cách tiếp cận trung lập, mềm dẻo hơn với Trung Quốc, coi Bắc Kinh là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu, không thể thiếu trong việc cùng giải quyết các thách thức toàn cầu lớn như biến đổi khí hậu, dịch bệnh hay đặc biệt trong thời điểm này là xung đột Nga - Ukraine.

Năm 2019, Liên minh châu Âu miêu tả Trung Quốc đồng thời là "đối tác", "đối thủ cạnh tranh kinh tế" và "đối thủ mang tính hệ thống". Các quan chức châu Âu đều nhận định rằng cách tiếp cận này tới nay vẫn không thay đổi.

Những gì đang xảy ra ở châu Âu hiện nay và cách EU xác định mối quan hệ với Trung Quốc trong tương lai sẽ định hình các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương với các đồng minh chủ chốt ở châu Âu.

Những lựa chọn của EU khi nói đến chính sách đối với Trung Quốc cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến kết quả cạnh tranh của Mỹ với Trung Quốc ở các mặt trận khác. Trong phát biểu mới đây, Tổng thống Pháp Macron cũng nhấn mạnh, châu Âu phải xác lập được một vị thế tự chủ để bảo vệ lợi ích của mình, không bị biến thành một "biến số tuỳ chỉnh" trong cuộc chơi Mỹ- Trung./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại