Ngày 8-5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các bộ, ngành đã có buổi làm việc trực tuyến với lãnh đạo TP HCM về tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2020 và phương hướng nhiệm vụ 8 tháng cuối năm. Dự tại điểm cầu TP HCM có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân.
Vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội
Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong đã thông tin với lãnh đạo trung ương về những kết quả đạt được của TP HCM trong thời gian qua.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết trong thời gian tới, TP sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như nêu cao vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác phòng, chống dịch Covid-19; tiếp tục triển khai các biện pháp kịp thời, quyết liệt, linh hoạt, phù hợp trong từng giai đoạn, diễn biến dịch Covid-19. Kiên định với 6 nguyên tắc chống dịch và phương châm "5 tại chỗ", tập trung phòng chống dịch bệnh với tinh thần trách nhiệm cao nhất.
Tiếp tục triển khai 7 bộ tiêu chí để kiểm soát dịch Covid-19 gắn với phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện "bình thường mới" trên 7 lĩnh vực là giáo dục và đào tạo; văn hóa - thể dục thể thao; giao thông vận tải; hoạt động du lịch; chợ, siêu thị, trung tâm thương mại; hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống; cơ sở khám, chữa bệnh…
TP HCM cũng sẽ triển khai thực hiện kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp (DN) từ nay đến hết năm 2020; tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 54 của Quốc hội; triển khai làm việc với các cơ quan trung ương để hoàn chỉnh đề án điều chỉnh tỉ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương; Đề án xây dựng đô thị thông minh giai đoạn 2; Đề án xây dựng khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông TP; Đề án phát triển TP HCM thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế; đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, xây dựng 46 chương trình, đề án nhánh trong 3 chương trình đột phá và 1 chương trình trọng điểm để phát triển TP phục vụ Đại hội đại biểu Đảng bộ TP lần thứ XI…
TP phía Đông sẽ đóng góp 4%-5% GDP của cả nước
Phát biểu tại buổi làm việc, liên quan đến việc thành lập TP thuộc TP, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết trung tâm động lực phát triển kinh tế trong 10 năm tới của TP HCM là khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông TP; thông qua thi tuyển quốc tế đã lập đề án tích hợp 3 lợi thế của 3 quận: 2, 9 và Thủ Đức.
Trong đó, lợi thế của quận 9 là khu công nghệ cao; Thủ Đức là đào tạo đại học và nghiên cứu khoa học với 15 trường đại học, tổng cộng hơn 100.000 sinh viên; trung tâm tài chính quận 2. Khu vực này rộng hơn 21.000 ha, với hơn 1 triệu dân, nếu tích hợp lại sẽ đóng góp khoảng 30% GDP của TP HCM, nghĩa là 4%-5% GDP cả nước.
Theo Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân, hiện nhu cầu bức thiết là gộp 3 quận để thành lập TP phía Đông thuộc TP HCM. Nếu thành lập được thì đây là "quả đấm" kinh tế và GDP bằng nhiều tỉnh, thành khác cộng lại.
"Trước 1975 thì 3 quận hiện nay chính là huyện Thủ Đức. Bây giờ gọi là TP thuộc TP thì hơi lạ nhưng cơ bản đây là TP trực thuộc tỉnh mà nhiều nơi đã có. TP thiết tha xin chủ trương để được hướng dẫn và trong quý III trình đề án" - Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân nói.
Hiện nay Chính phủ và TP HCM đều có các gói hỗ trợ phục hồi DN, trong đó gói tài chính của trung ương rất quan trọng.
Vì thế, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân đề xuất Chính phủ dành 20% tổng gói hỗ trợ của Chính phủ để giúp các DN tại TP HCM phục hồi sản xuất. "TP HCM đóng góp 27% ngân sách, 24% GDP thì xin cắt 20% gói trung ương giao TP HCM trực tiếp thực hiện" - Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân nói.
TP cũng đang cân nhắc nguyên tắc đưa tiêu chí để DN điền vào và chịu trách nhiệm để giải ngân nhanh, sau đó hậu kiểm trong vòng 3-6 tháng.
Tp HCM kiến nghị thành lập TP mới trên cơ sở sáp nhập các quận 2, quận 9 và Thủ Đức Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Trung tâm tài chính khu vực
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương TP HCM trong công tác phòng chống dịch Covid-19; kinh tế - xã hội tăng trưởng; quốc phòng an ninh được bảo đảm. "Đặc biệt, qua buổi làm việc này cho thấy TP HCM quyết tâm rất cao trong việc tăng trưởng các chỉ tiêu, điều này không chỉ đóng góp cho TP mà còn đóng góp cho cả nước" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết có một số việc mà Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các bộ ngành tâm huyết với TP như: Vai trò vị trí của TP HCM trong nền kinh tế quốc gia rất lớn, TP là trung tâm kinh tế, là thị trường năng động. Ngoài ra, TP còn sáng tạo, hiệu quả, quyết liệt và nghĩa tình.
"TP HCM cần phát triển kinh tế xứng đáng với tiềm năng và vị thế của mình. TP HCM cần hành động nhanh hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa, quyết liệt hơn nữa, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm khắc phục được con virus "trì trệ" để phát triển TP" - Thủ tướng nói.
Về vấn đề giải ngân, Thủ tướng nói đây là việc cần làm ngay. "Việc giải ngân của TP trong 4 tháng đầu năm chỉ đạt 9,2%, thấp hơn bình quân cả nước. Chúng ta suy nghĩ gì khi nhiều tỉnh, thành trên cả nước cũng rất khó nhưng vẫn giải ngân gấp 2, 3 lần như Hà Nội, Quảng Ninh… Đây có phải là điểm nghẽn trong phát triển của TP hay không? Đề nghị TP khắc phục vấn đề này".
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị TP chủ động nắm bắt "cơ hội vàng" đầu tư trong bối cảnh hiện nay, vì Việt Nam là nơi an toàn dịch bệnh, an toàn đầu tư... TP HCM cần tận dụng để "biến nguy thành cơ", đặc biệt là những dự án công nghệ. Lưu ý chống sự trục lợi trong đại dịch Covid-19 của DN nước ngoài thông qua thâu tóm, mua bán DN trọng yếu. Do đó, cần có sự hỗ trợ DN kịp thời, tốt hơn nữa.
Cùng những chỉ đạo trên, Thủ tướng cũng nhấn mạnh TP HCM với dân nhập cư đông cần làm tốt công tác an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau. Trước hết, TP HCM giải ngân ngay gói hỗ trợ cho người nghèo, người mất việc.
Cũng tại cuộc họp, Thủ tướng cơ bản đồng ý với một số kiến nghị của TP HCM, ủng hộ TP HCM xây dựng đề án thành lập TP trong TP trực thuộc Trung ương và giao Bộ Tư pháp nghiên cứu; đồng ý với kiến nghị của TP HCM không tổ chức HĐND cấp quận, phường. "Chúng tôi sẽ báo cáo Bộ Chính trị. Tôi đề nghị Thành ủy TP HCM có báo cáo Bộ Chính trị đồng ý chủ trương để làm cho chắc chắn" - Thủ tướng lưu ý.
Thủ tướng cũng đồng ý TP HCM sớm hình thành đề án phát triển TP HCM thành trung tâm tài chính khu vực, tạo nền tảng phát triển TP thành trung tâm khoa học công nghệ.
Kiến nghị Chính phủ 7 nhóm vấn đề
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đã kiến nghị Chính phủ 7 nhóm vấn đề nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương tiếp tục giảm 10% giá điện như hiện nay và tạm thời dừng áp dụng bậc thang giá điện để hỗ trợ nhân dân và DN. Chính phủ cho phép các DN khởi nghiệp (start-up) được hạch toán khoản đầu tư vào chi phí tính thuế thu nhập DN kỳ 2020 và 2021 số tiền tối đa 30% trị giá lợi nhuận trước thuế. Kiến nghị cho phép xây dựng Đề án không tổ chức HĐND quận và phường trên địa bàn TP. Chính phủ cho phép TP xây dựng Đề án thành lập TP trực thuộc TP HCM trên cơ sở sáp nhập quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức. Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép TP thực hiện thí điểm việc thành lập Ban Quản lý vốn nhà nước tại DN TP HCM. Cho phép TP thực hiện thí điểm tổ chức lại Ban Bồi thường, giải phóng mặt bằng thuộc UBND quận - huyện thành Trung tâm phát triển quỹ đất trực thuộc UBND quận - huyện.
Cùng với đó, TP kiến nghị chấp thuận điều chỉnh chức năng quy hoạch sử dụng đất từ chức năng quy hoạch đất du lịch, di tích và danh thắng thành đất khu công viên khoa học và công nghệ để thực hiện công tác phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2000 khu công viên khoa học và công nghệ, phường Long Phước (quận 9).