Thủ tướng ủng hộ phân cấp tối đa cho Thành phố Hồ Chí Minh

Vũ Dũng |

Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc đối với việc Thành phố Hồ Chí Minh cần được phân cấp, phân quyền tối đa, tạo sự chủ động, sáng tạo.

Sáng 6/9, tại Trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bí thư Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Ban cán sự Đảng Chính phủ làm việc với Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh về kết quả thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW ngày 10/8/2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020.

Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc đối với việc Thành phố cần được phân cấp, phân quyền tối đa, tạo sự chủ động, sáng tạo của Thành phố gắn với đề cao trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương trong quản lý điều hành kinh tế xã hội trên địa bàn.

Thủ tướng ủng hộ phân cấp tối đa cho Thành phố Hồ Chí Minh - Ảnh 1.

Ban cán sự Đảng Chính phủ làm việc với Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh

Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, thực hiện Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị, Thành phố đã đạt nhiều thành tựu kinh tế xã hội quan trọng như tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2011-2015 đạt bình quân 9,6%/năm.

Thu nhập bình quân đầu người năm ngoái đạt trên 5.100 USD/người, phấn đấu đến năm 2020 đạt 9.800 USD/người, cao hơn chỉ tiêu Nghị quyết 16 đề ra.

Thu ngân sách Thành phố luôn đạt và vượt kế hoạch, trong đó giai đoạn 2011-2015 đạt gần 1,2 triệu tỷ đồng, đóng góp gần 28% vào nguồn thu ngân sách quốc gia. Thành phố có trên 316.000 doanh nghiệp trong nước đăng ký, trong đó gần một nửa đang hoạt động và đóng thuế; có hơn 7.000 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn 42 tỷ USD.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho biết, thời gian qua, thành phố chưa cần cơ chế đặc thù đã phát triển mạnh mẽ. Thế nhưng, để tiếp tục phát triển đột phá thì cần phải có cơ chế đặc thù.

Ông Nguyễn Thiện Nhân phân tích: “10 năm trở lại đây, sự vượt trội trong phát triển của Thành phố so với cả nước chậm lại, thậm chí có mặt tụt hậu.

Đây là vấn đề phải suy nghĩ, không thể để tình trạng này tiếp tục kéo dài. Cụ thể, với tăng trưởng kinh tế thành phố đóng góp vào kinh tế cả nước, tỷ trọng của 9 năm vừa rồi khoảng 21% từ 2009.

Nhưng nếu không có cơ chế đặc thù thì tỷ trọng này sẽ giảm xuống. Đó là điều không thể chấp nhận được khi Thành phố có trách nhiệm với cả nước”.

Thực tế, tỷ trọng đóng góp của Thành phố vào kinh tế cả nước là 21,5% năm 2010 và đã giảm xuống còn 20,6% giai đoạn 2011-2015. Tốc độ tăng trưởng cũng đang có xu hướng giảm khi giai đoạn 1996-2005 là 10,69%/năm thì giai đoạn 2011-2015 chỉ còn 9,62% và có thể giảm còn 8-8,5% giai đoạn hiện nay.

Trong khi Thành phố đang phải đối mặt với các thách thức về giao thông, ngập lụt, giáo dục, y tế, sự không bền vững về lao động và dân số gia tăng.

Do đó, Thành phố đề xuất cơ chế đặc thù trong việc phân cấp, ủy quyền phù hợp với luật pháp và đặc thù của Thành phố. Nghĩa là trước đây một số việc thuộc trách nhiệm của bộ, ngành thì Thành phố đề nghị phân cấp cho các cơ quan chuyên môn của Thành phố được quyền giải quyết.

Thành phố cũng đề nghị tự chủ về tài chính với trách nhiệm đóng góp ngân sách cao nhất cả nước, trong đó cam kết tỷ trọng đóng góp vào ngân sách Trung ương cao gấp 3 lần tỷ lệ dân số Thành phố so với cả nước.

Cơ chế đặc thù khác mà thành phố đề xuất là thực hiện nguyên tắc trả lương theo năng suất, hiệu quả lao động; thành lập Ban chỉ đạo Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Vùng Thành phố Hồ Chí Minh do Thủ tướng làm Trưởng Ban.

Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng tán thành với các ý kiến là cần tạo cơ chế đặc thù cho Thành phố Hồ Chí Minh phát triển nhanh và bền vững hơn.

Cho rằng cơ chế đặc thù là yêu cầu của sự phát triển đối với Thành phố, Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc việc Thành phố cần được phân cấp, phân quyền tối đa, tạo sự chủ động, sáng tạo của Thành phố gắn với đề cao trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương trong quản lý điều hành kinh tế xã hội trên địa bàn.

Một nguyên tắc nữa là các cơ chế chính sách đặc thù đưa ra phải tuân thủ các quy định pháp luật. Đối với những vấn đề thực sự cấp bách cần sửa đổi bổ sung, nếu thuộc thẩm quyền Chính phủ, Thủ tướng cho biết sẽ cho phép tối đa.

Nếu vấn đề đó thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì tổng hợp đề xuất. Với những vấn đề mới phát sinh thì Thành phố đề xuất làm thí điểm.

Thủ tướng nhấn mạnh: “Để tạo điều kiện cho Thành phố, thứ nhất là về phân cấp ủy quyền, tinh thần của Chính phủ và Ban Cán sự Đảng Chính phủ là ủng hộ phân cấp ủy quyền theo hướng cho phép Thành phố thực hiện một số nhiệm vụ của các bộ, ngành và Chính phủ trong việc phê duyệt một số loại dự án, điều chỉnh một số loại quy hoạch theo một số nhiệm vụ quyền hạn của các bộ, Chính phủ trên địa bàn”.

Song song với việc phân cấp, Thủ tướng yêu cầu các bộ và Thành phố thường xuyên kiểm tra đánh giá việc thực hiện những vấn đề phân cấp này.

Về một số cơ chế cụ thể mà Thành phố đề xuất, Thủ tướng cũng đồng ý về chủ trương, là đối với các dự án do Trung ương tài trợ một phần hoặc toàn bộ nhưng chưa bố trí được vốn, thì cho phép Thành phố huy động vốn theo hình thức PPP hoặc vay để hoàn thành dự án.

Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng Bộ Tài chính, Thành phố Hồ Chí Minh và các đơn vị liên quan phối hợp nghiên cứu xử lý, báo cáo Thủ tướng.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại