Đường phố vắng vẻ ở Melbourne ngày 1/9. (Ảnh: CNN)
“Nó giống như phim The Croods (Cuộc phiêu lưu của nhà Crood)”, ông Morrison nhắc đến bộ phim từ năm 2013 về một gia đình tiền sử buộc phải ra khỏi hang động. “Mọi người muốn ở lại trong hang. Nhưng chúng ta không thể ở lại trong hang và chúng ta có thể ra ngoài an toàn”, ông Morrison nói.
Tranh luận về vấn đề này đã trở thành trận đấu không thân thiện giữa người dân và chính quyền các bang với chính phủ Úc về kế hoạch quốc gia nhằm mở cửa địa phận các bang trước Giáng sinh năm nay.
Vấn đề là không phải tất cả người dân Úc đều muốn ra khỏi hang động nhanh thế.
Tại hai thành phố lớn nhất của Úc là Sydney và Melbourne, số ca mắc COVID-19 gia tăng trong thời gian qua khiến chính quyền quyết định phong toả suốt cả tháng và kiểm soát nghiêm ngặt việc đi lại giữa các bang.
Ở đó, các doanh nghiệp lãnh đủ, nhiều gia đình phải xa nhau, và tình trạng bất định hiện nay đang ảnh hưởng nặng nề đến sức khoẻ tinh thần của người dân.
Nhưng những nơi đã kiểm soát được COVID-19 như hai bang Tây Úc và Queensland không hào hứng với việc mở cửa địa phận để virus tràn vào.
Sau 18 tháng tận hưởng thành công trong nỗ lực ngăn chặn COVID-19, các chính trị gia Úc giờ đang buộc phải chuyển từ chiến lược không COVID sang sống chung với virus.
Câu hỏi đặt ra hiện nay là làm sao để họ thuyết phục người dân Úc ủng hộ kế hoạch quốc gia khi lãnh đạo một số bang kiên quyết phản đối, thậm chí một thủ hiến gọi kế hoạch này là “sự điên rồ tuyệt đối”.
Trong một thời gian, Úc và nước láng giềng New Zealand được phương Tây coi là hình mẫu thành công. Khi số ca mắc và tử vong vì COVID-19 tăng vọt trên toàn cầu, Úc vẫn gần như “sạch sẽ”.
Chính phủ Úc đóng cửa biên giới quốc gia từ tháng 3/2020, không lâu sau làn sóng đầu tiên, rồi sau đó bất kỳ ca mắc nào xuất hiện cũng được xử lý bằng phương pháp quyết liệt nhất. Cho đến tháng 6.
Từ đó, Úc hứng một đợt bùng phát nghiêm trọng do biến thể Delta tấn công New South Wales, nơi có thủ phủ là Sydney.
Chính quyền địa phương lúc đầu áp các biện pháp hạn chế vừa phải, nhưng số ca mắc tiếp tục leo cao, dẫn đến việc thắt chặt phong toả. Sau đó, virus lan sang Melbourne, bang Victoria, rồi đến thủ đô Canberra.
Tính đến tuần này, hơn một nửa trong tổng số 25 triệu dân Úc phải sống trong cảnh phong toả, bao gồm toàn bộ dân của 3 bang và một vùng lãnh thổ.
Trước sức ép kinh tế, số ca mắc tăng và các cuộc biểu tình phản đối phong toả, Thủ tướng Morrison thông báo kết thúc chiến lược không COVID từ ngày 22/8.
Ông muốn Úc làm như Mỹ, Anh và EU, những nơi đang chấp nhận sống chung với COVID, dùng vắc-xin để giảm tỷ lệ nhập viện và cho phép đi lại ở mức độ nào đó.
Theo kế hoạch mà chính phủ Úc đề ra, nước này sẽ mở cửa với những hạn chế nhất định, khi ít nhất 70% dân số đủ điều kiện đã tiêm xong 2 mũi vắc-xin.
Tuy nhiên, quốc gia này vẫn đang chật vật tiêm chủng cho người dân, một phần vì thiếu vắc-xin. Tính đến cuối tuần này, khoảng 37% dân số trên 16 tuổi của Úc đã được tiêm 2 mũi, trong khi tỷ lệ ở Mỹ là 60% và Anh 78%.
Kế hoạch của chính phủ Úc dựa trên mô hình của Viện Doherty, một cơ quan nghiên cứu về bệnh truyền nhiễm. Viện này ước tính rằng độ bao phủ vắc-xin phù hợp và các biện pháp hạn chế vừa phải cho phép Úc mở cửa lại với thế giới với số ca tử vong dưới 100 trong 6 tháng.
“Đây là cách sống chung với COVID. Số ca mắc có thể tăng khi chúng ta bắt đầu mở cửa. Điều đó là không tránh khỏi”, ông Morrison viết trong bài nêu ý kiến riêng đăng trên báo trong nước.
Nhưng nhiều người không nghĩ như vậy.
Tại một bệnh viện ở TP Perth, bác sĩ đa khoa Donough O'Donovan cho biết nhiều bệnh nhân của ông, nhất là những người già, rất lo lắng về nguy cơ dịch bệnh bùng phát ở bang Tây Úc này.
“Những người đó rất sợ mở cửa…họ lo tình hình ở đây sẽ giống ở New South Wales”, bác sĩ O'Donovan cho biết.
Thủ hiến bang Tây Úc Mark McGowan nói rằng mở cửa sớm là “chủ ý mang vắc-xin vào” và điều này là “hoàn toàn điên rồ”.
Thủ tướng Queensland Annastacia Palaszczuk thừa nhận COVID có thể thâm nhập qua biên giới của bang, nhưng bà yêu cầu phải có mô hình chi tiết hơn về việc mở cửa sẽ ảnh hưởng đến những đứa trẻ chưa được tiêm vắc-xin như thế nào.
Hiệp hội y khoa Úc có vẻ đồng tình với nhiều lãnh đạo bang, vì thế đã gửi thư đến Thủ tướng Morrison để cảnh báo rằng hệ thống y tế của Úc chưa sẵn sàng xử lý một đợt bùng phát lớn.