Thủ tướng: Tình trạng 'trên nóng, dưới lạnh' từng bước được cải thiện

Văn Kiên |

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” đã từng bước được cải thiện. Tuy nhiên cần kiên trì bằng nhiều biện pháp như động viên tinh thần, xử lý nghiêm minh; công tác cán bộ phải dân chủ, công bằng, có cạnh tranh.

Thủ tướng: Tình trạng trên nóng, dưới lạnh từng bước được cải thiện - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội. Ảnh: Như Ý

Vẫn còn tư tưởng làm ít, sai ít

Chiều 5/11, chất vấn Thủ tướng Phạm Minh Chính , đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Quảng Ninh) cho biết, thời gian qua Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo cải cách thủ tục hành chính, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả tích cực, nhiều cử tri cho rằng, vẫn còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”; “trên rải thảm dưới rải đinh"; vẫn còn tư tưởng làm ít, sai ít.

Bà Hà đề nghị Thủ tướng cho biết quan điểm của mình về vấn đề trên và các giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Trả lời câu hỏi trên, Thủ tướng cho rằng, đất nước đang trong quá trình phát triển, chuyển đổi; qua hơn 30 năm đổi mới đã đạt được thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử. Đóng góp vào thành công đó có vai trò của đội ngũ cán bộ, công chức. Tuy nhiên, quá trình vận hành, trưởng thành, thì cũng phải kiên trì, hoàn thiện thể chế để đơn giản bộ máy, tinh giản biên chế, thu hút người tài; phát huy trí tuệ, bản lĩnh và tinh thần yêu nước của mỗi người, trong đó có cán bộ công chức để thực thi nhiệm vụ.

Thủ tướng: Tình trạng trên nóng, dưới lạnh từng bước được cải thiện - Ảnh 2.

ĐBQH Nguyễn Thị Thu Hà - Quảng Ninh. Ảnh: Như Ý

Về tư tưởng “trên nóng, dưới lạnh”, đánh giá tổng thể, Thủ tướng cho rằng, đã từng bước được cải thiện. Tuy nhiên cần kiên trì bằng nhiều biện pháp như động viên tinh thần, xử lý nghiêm minh; công tác cán bộ phải dân chủ, công bằng, có cạnh tranh.

Liên quan đến câu hỏi của đại biểu về việc chậm ban hành các nghị định quy định nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc của Chính phủ, Thủ tướng cho biết, phấn đấu trong tháng 11 và chậm nhất trong tháng 12 sẽ hoàn thành.

“Việc ban hành này tuy có chậm nhưng lấy chất lượng, hiệu quả bù lại. Dự kiến sau khi ban hành giảm 17 tổng cục, 8 cục và 145 vụ”, Thủ tướng thông tin.

Ông đồng thời cũng nhấn mạnh, giải pháp căn cơ, quan trọng nhất là làm sao khi có bộ máy rồi thì vận hành bộ máy là con người, vấn đề con người, cán bộ quyết định việc vận hành bộ máy.

“Chúng ta không chọn bên mà chọn công lý và lẽ phải”

Nêu câu hỏi chất vấn, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) nói rằng: thời gian qua, hoạt động đối ngoại của đất nước đã thành công rực rỡ nhờ sự kiên định, linh hoạt, mềm dẻo. Ông đề nghị Thủ tướng cho biết một số định hướng đối ngoại thời gian tới trong bối cảnh tình hình có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường?

Thủ tướng: Tình trạng trên nóng, dưới lạnh từng bước được cải thiện - Ảnh 3.

ĐBQH Nguyễn Anh Trí - Hà Nội. Ảnh: Như Ý

Trả lời, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Hiến pháp và Nghị quyết Đại hội XIII đã nêu rõ đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; là bạn, đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.

Hiện Chính phủ đang cụ thể hóa đường lối đối ngoại, với 3 trụ cột chính là ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế và ngoại giao văn hóa thu nhiều kết quả quan trọng.

“Chúng ta không chọn bên mà chọn công lý và lẽ phải, ủng hộ các vấn đề vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển, phù hợp quan điểm đối ngoại của chúng ta”, Thủ tướng nêu rõ.

Qua đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương Bộ Ngoại giao đã rất tích cực thực hiện ngoại giao vắc xin; nhờ đó, bảo đảm được việc chăm sóc sức khỏe nhân dân và tiết kiệm được chi phí.

Trả lời câu hỏi về phát triển hạ tầng giao thông, với chiến lược về phát triển hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông, Thủ tướng cho hay nhiệm kỳ này sẽ dành 470.000 tỉ đồng cho phát triển. So với nhiệm kỳ trước là 165.000 tỉ đồng, huy động được 134.000 tỉ đồng, thì nay mức bố trí cao hơn so với trước.

Các giải pháp tập trung là hợp tác công tư, Chính phủ đang cho tổng kết cơ chế BOT, nghiên cứu thêm cơ chế BT để đầu tư mạnh về hạ tầng chiến lược nói chung.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại