Ông Prayuth trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết có "noi gương" Thủ tướng Anh David Cameron hay không. Ông Cameron đã từ chức sau khi Anh bỏ phiếu rời khỏi EU trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 23.6.
Thủ tướng Thái Lan cho biết ông không có ý định ra đi, vì Anh không có những vấn đề tương tự như Thái Lan, và không giống như ông Cameron, ông Prayuth không lên lắm quyền bằng cách bầu cử.
"Hai trường hợp hoàn toàn khác nhau. Các bạn muốn tôi từ chức? Tôi sẽ không làm như thế. Tôi đã đặt ra các luật lệ. Ông Cameron không giống tôi. Nước Anh cũng không có những vấn đề giống như Thái Lan" - tờ Bangkok Post dẫn lời ông Prayuth.
Dự thảo hiến pháp Thái Lan lần thứ hai được đưa ra trong thời kỳ nắm quyền của ông Prayuth. Tháng 9 năm ngoái, Quốc hội Thái Lan đã bỏ phiếu chống bản dự thảo đầu tiên.
Những người đệ trình nói rằng dự thảo nhằm ngăn chặn các chính trị gia tham nhũng tham gia quốc hội.
Những người phản đối dự thảo, như thành viên chủ chốt Đảng Pheu Thai, ông Khunying Sudarat Keyuraphan, cho rằng dự thảo đặt ra những cơ chế hướng tới việc kiểm soát bất kỳ đảng nào giành đa số trong quốc hội. Điều này sẽ vô hiệu hóa một chính phủ dân cử hoạt động đúng đắn.
Hàng chục chính trị gia và các nhà hoạt động kêu gọi phản đối dự thảo hiến pháp đã bị bắt giam. Theo Luật trưng cầu dân ý, việc vận động hoặc chống lại dự thảo hiến pháp đều bị cấm.