Thủ tướng Scholz tiết lộ mục tiêu của Đức ở Ukraine

Hoàng Phạm |

Trong một bài phát biểu ngắn qua video ngày 28/1, ông Scholz nói rằng Đức đã theo đuổi chính sách 3 mũi nhọn kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát, đồng thời khẳng định đây là cách tiếp cận mà chính phủ Đức sẽ kiên định trong tương lai.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết mục tiêu mà Đức đang cố gắng đạt được bằng cách hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga là ngăn chặn Moscow thay đổi biên giới bằng vũ lực. Tuyên bố được đưa ra vài ngày sau khi Đức cam kết cung cấp xe tăng Leopard 2 cho Ukraine sau nhiều tuần chịu áp lực từ Mỹ và các đồng minh khác trong NATO.

Thủ tướng Scholz tiết lộ mục tiêu của Đức ở Ukraine - Ảnh 1.

Thủ tướng Olaf Scholz trò chuyện với các binh sỹ bên cạnh xe tăng chiến đấu Leopard 2 của quân đội Đức. Ảnh: AFP

Trong một bài phát biểu ngắn qua video ngày 28/1, ông Scholz nói rằng Đức đã theo đuổi chính sách 3 mũi nhọn kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát. Ông xác định 3 khía cạnh đó là hỗ trợ Kiev về viện trợ nhân đạo, tài chính và vũ khí; làm việc để ngăn chặn leo thang, bởi “không nên xảy ra chiến tranh giữa Nga và NATO”; phối hợp chặt chẽ với các đồng minh, đặc biệt là Mỹ, đồng thời kiềm chế mọi hành động đơn phương.

Thủ tướng Scholz khẳng định đây là cách tiếp cận mà chính phủ Đức sẽ kiên định trong tương lai.

Theo ông Scholz, quyết định của Đức về việc cung cấp 14 xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2 cho Ukraine và cho phép các nước khác cung cấp xe tăng do Đức sản xuất cho Kiev được đưa ra phù hợp với chính sách đó.

“Mục tiêu của chúng tôi ở Ukraine rất rõ ràng. Nga không được thành công trong việc thay đổi biên giới bằng vũ lực”, nhà lãnh đạo Đức nói.

Cuối tháng 9, đầu tháng 10/2022, 4 vùng lãnh thổ của Ukraine gồm Zaporizhzhia, Kherson, Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Lugansk - đã sáp nhập vào Nga sau khi đa số người dân các vùng này ủng hộ việc làm như vậy trong các cuộc trưng cầu ý dân. Crimea đã làm điều tương tự vào năm 2014 sau cuộc đảo chính ở Kiev.

Một cuộc khảo sát do công ty thăm dò dư luận YouGov thực hiện cho hãng thông tấn DPA vào tuần trước cho thấy 43% người Đức phản đối việc cung cấp xe tăng cho Kiev, 39% ủng hộ và 16% còn lại chưa quyết định.

Thư ký báo chí Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng Nga coi việc Đức, Mỹ và Anh chuyển giao xe tăng cho Ukraine là “sự can dự trực tiếp” của NATO vào xung đột ở Ukraine.

Tuy nhiên, ông Peskov cũng tuyên bố xe tăng phương Tây sẽ không phải là yếu tố thay đổi cuộc chơi trong cuộc xung đột, cho rằng NATO “đã đánh giá quá cao khả năng mà xe tăng có thể đem lại cho quân đội Ukraine”.

Trong một cuộc phỏng vấn riêng, ông Peskov nhấn mạnh, quyết định của Berlin cung cấp Leopard 2 cho Kiev chắc chắn sẽ “để lại dấu ấn” trong quan hệ Nga-Đức vốn đã ở mức thấp./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại