Sáng 23-5, Quốc hội (QH) thảo luận ở tổ về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017; dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của QH năm 2018.
Phát biểu tại thảo luận tổ về về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đại biểu QH đoàn TP Hải Phòng, cho biết cả hệ thống chúng ta nếu nói về thể chế thì bao gồm cả chính sách, luật pháp, cả nghị định, thông tư trong hệ thống pháp luật.
Đảng cũng phải có chính sách đổi mới mới đáp ứng được kinh tế hội nhập, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. QH cũng phải tăng cường lập pháp mới đáp ứng được đường lối đổi mới đó.
Chúng ta đã đổi mới, chuyển từ quan liêu bao cấp sang thị trường nên thay đổi rất nhiều vấn đề về tư duy, hành pháp, lập pháp, các lĩnh vực đời sống xã hội.
"Còn nếu tư duy cũ tiếp tục điều hành đất nước bằng thói quen phi pháp luật thì sẽ nguy cho đất nước"- Thủ tướng nhấn mạnh, đồng thời cho rằng đây là nhiệm vụ rất nặng nề của QH cũng như các cơ quan Nhà nước hiện nay.
Chính vì vậy, Thủ tướng nhấn mạnh Chính phủ mới của nhiệm kỳ này đã chuyển từ sự quan tâm kinh tế-xã hội nhiều hơn trước đây sang quan tâm điều quan trọng nhất, dành nhiều thời gian hơn là làm thể chế.
"Tức là tập trung thảo luận những dự án luật, pháp lệnh trình QH. Tiếp đó là tập trung làm các nghị định của Chính phủ để thể chế hoá các luật, pháp lệnh mà QH đã thông qua".
Về số lượng và chất lượng, Thủ tướng cho rằng hiện Chính phủ không còn nợ các nghị định, thông tư; không nợ báo cáo gửi đến QH. Chỉ trong một thời gian ngắn,
Chính phủ đã sửa 50 nghị định liên quan đến đầu tư kinh doanh; sửa 4.500 thủ tục cải cách đổi mới doanh nghiệp, các thành phần kinh tế, trong đó chủ yếu là DN tư nhân liên quan đến Luật đầu tư kinh doanh mà QH mới thông qua.
Dù vậy, Thủ tướng cũng đồng tình với ý kiến của các đại biểu QH đã phát biểu trong tổ, khi cho rằng hệ thống lập pháp và hành pháp vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. "Luật, một là chuẩn bị chưa tốt; hai là nhận thức, nội dung còn nhiều vấn đề bất cập".
Do vậy, thời gian tới, các cơ quan Nhà nước, kể cả QH, Chính phủ, các uỷ ban của QH, các bộ ngành phải tập trung vấn đề này tốt hơn.
"Không phải nhà nước pháp quyền là anh ban hành bao nhiêu luật, mà chính là trình độ người làm luật đó cũng như người thông qua luật đó.
Cho nên kể cả Chính phủ và QH cũng có thành công bước đầu khi ban hành được nhiều luật nhưng vẫn còn nhiều bất cập như đại biểu đã nêu như luật chưa đáp ứng được yêu cầu, còn khó khăn cho sản xuất, kinh doanh…"- Thủ tướng nói.
Thủ tướng cho rằng những luật nào thiết thực trong cuộc sống thì cần phải làm trước, những cái nào chưa cấp thiết thì làm sau. Những cái nào liên quan đến kinh tế xã hội, hội nhập quốc tế chúng ta phải tranh thủ làm sớm.
"Mình thông qua một chương trình nhưng không phải quá máy móc.
Kinh tế thị trường rất đa dạng, phức tạp, cho nên việc bức xúc xảy ra, chúng ta cũng phải bổ sung, chứ không phải cứ máy móc rằng chương trình tôi đề ra đầu năm rồi, 5 năm ông cứ làm thế thôi.
Không thể có một kế hoạch cứng nhắc như thế được"- Thủ tướng nhấn mạnh.
Về xây dựng pháp luật, Thủ tướng cho rằng cái gì chuẩn bị tốt rồi thì làm, chuẩn bị chưa tốt thì tiếp tục hoàn thiện.
Xung quanh vấn đề giám sát của QH, Thủ tướng cho rằng ở địa phương, cơ sở, các ngành cũng áp lực rất nhiều về thời gian. Vì vậy, nên chọn vấn đề giám sát cho xác đáng, đánh giá cho trúng, cho đúng vấn đề và giải quyết đến nơi đến chốn.