Thủ tướng phát lệnh khởi công dự án cao tốc dài nhất miền Tây

An Bình - Cảnh Kỳ - Nhật Huy |

Sáng 17/6, tại An Giang - điểm cầu chính, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự lễ khởi công dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Buổi lễ được tổ chức tại 4 điểm cầu ở An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng.

Tham dự tại điểm cầu An Giang có Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; tại điểm cầu Sóc Trăng có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, lãnh đạo các bộ, ngành trung ương cùng tham dự tại các điểm cầu.

Thủ tướng phát lệnh khởi công dự án cao tốc dài nhất miền Tây - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự tại điểm cầu chính An Giang.

Báo cáo tại lễ khởi công, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm cho biết, tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng được Quốc hội khóa XV thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 60 ngày 16/6/2022 với chiều dài 188,2km, kết nối từ Châu Đốc (tỉnh An Giang) đến cảng Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng), đi qua 4 tỉnh, thành phố; quy mô hoàn thiện 6 làn xe, quy mô phân kỳ đầu tư 4 làn xe, tổng mức đầu tư 44.691 tỷ đồng.

Thủ tướng phát lệnh khởi công dự án cao tốc dài nhất miền Tây - Ảnh 2.

Đại biểu tham dự tại điểm cầu Hậu Giang.

Dự án được chia thành 4 dự án thành phần (DATP) và giao UBND các tỉnh, thành phố làm cơ quan chủ quản triển khai đầu tư. Trong đó, tỉnh An Giang DATP1 dài hơn 57 km, thành phố Cần Thơ DATP2 dài hơn 37 km, tỉnh Hậu Giang DATP3 dài gần 37 km và tỉnh Sóc Trăng DATP4 dài gần 57 km.

Thủ tướng phát lệnh khởi công dự án cao tốc dài nhất miền Tây - Ảnh 3.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ khởi công (Ảnh: VGP).

Theo Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, Dự án được áp dụng nhiều cơ chế đặc thù như: Cho phép triển khai đồng thời các thủ tục để rút ngắn thời gian thực hiện các công việc; Được áp dụng các cơ chế khai thác các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; Được áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, xây lắp liên quan đến các dự án thành phần, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư.

Thủ tướng phát lệnh khởi công dự án cao tốc dài nhất miền Tây - Ảnh 4.

Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh phát biểu.

Ông Đồng Văn Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang - cho biết, đây là dự án quan trọng quốc gia đầu tiên giao tỉnh làm cơ quan chủ quản, trong tổ chức thực hiện cũng gặp những khó khăn, lo lắng. Nhưng với quyết tâm chính trị, trách nhiệm cao, tỉnh đã nỗ lực để thực hiện hoàn thành vượt tiến độ nhiệm vụ được Thủ tướng giao (bàn giao mặt bằng 70% diện tích trước ngày 30/6/2023), đảm bảo chất lượng. Đến nay đã hoàn thành tất cả các thủ tục và đủ điều kiện khởi công dự án theo quy định; đặc biệt là đã thu hồi đất đạt 84,6%, sẵn sàng bàn giao cho đơn vị thi công.

Thủ tướng phát lệnh khởi công dự án cao tốc dài nhất miền Tây - Ảnh 5.

Đại tá Vũ Phúc Hậu – Phó Tư lệnh Binh đoàn 12, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn, đại diện các nhà thầu cam kết về thi công công trình.

Đại tá Vũ Phúc Hậu - Phó Tư lệnh Binh đoàn 12, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn, đại diện các nhà thầu cam kết tập trung mọi nguồn lực từ con người, tài chính, xe máy thiết bị và các điều kiện có liên quan để tổ chức thi công quyết liệt, khoa học, đúng quy trình kỹ thuật, quyết tâm hoàn thành dự án đúng tiến độ, đảm bảo an toàn và chất lượng tốt nhất. Chấp hành nghiêm và sử dụng chặt chẽ, đúng mục đích các nguồn vốn đầu tư, vật tư, vật liệu, không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực; đảm bảo dự án đạt hiệu quả kinh tế cao.

Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, trong thời gian rất ngắn (khoảng 1 năm so với mức trung bình 2 năm triển khai thông thường), 4 tỉnh An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng cùng các bộ, ngành, các đơn vị liên quan đã nỗ lực để khởi công đồng loạt 4 dự án thành phần với mục tiêu đến năm 2025 sẽ cơ bản hoàn thành và đưa vào khai thác đồng bộ toàn tuyến cao tốc trong năm 2026.

Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi dự án đi qua trung tâm vùng ĐBSCL với năng lực thông hành lớn, tốc độ cao và an toàn góp phần đáp ứng nhu cầu vận tải, tạo sức lan tỏa, động lực và dư địa để phát triển kinh tế - xã hội khu vực; từng bước hình thành trục kết nối, giao thương và phát triển kinh tế - xã hội giữa Việt Nam với các nước tiểu vùng sông Mekong.

Thủ tướng phát lệnh khởi công dự án cao tốc dài nhất miền Tây - Ảnh 6.

Thủ tướng phát lệnh khởi công tại điểm cầu An Giang.

Thủ tướng đánh giá cao sự cố gắng nỗ lực, tinh thần trách nhiệm của các tỉnh, Bộ GTVT, các cơ quan liên quan; đặc biệt là các tỉnh, thành phố đã phối hợp triển khai; biểu dương chính quyền và nhân dân 4 tỉnh, thành phố có dự án đi qua đã nỗ lực trong công tác giải phóng mặt bằng, tạo mọi điều kiện thuận lợi để triển khai dự án.

Thủ tướng cũng lưu ý, công việc sắp tới còn rất lớn và nhiều thách thức. Đó là phải tiếp tục giải phóng mặt bằng các vị trí còn lại, trong đó có nhiều vị trí tập trung đông dân cư, dễ phát sinh các khiếu nại. Chuẩn bị khối lượng vật liệu xây dựng, bãi đổ thải rất lớn đòi hỏi sự vào cuộc tích cực của các địa phương trong cấp phép khai thác. Thi công khối lượng công trình rất lớn trong khoảng thời gian không dài và chịu ảnh hưởng của các điều kiện thời tiết.

Thủ tướng phát lệnh khởi công dự án cao tốc dài nhất miền Tây - Ảnh 7.

Thủ tướng thăm hỏi đơn vị thi công.

Để công trình được hoàn thành đảm bảo an toàn, chất lượng và đáp ứng tiến độ, Thủ tướng yêu cầu UBND 4 tỉnh thành tập trung quyết liệt chỉ đạo, yêu cầu ban quản lý dự án, tư vấn giám sát và các nhà thầu phải phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất; huy động nhân lực, thiết bị máy móc hiện đại để thi công. Tuân thủ tuyệt đối những yêu cầu kỹ thuật, quy định của pháp luật liên quan, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, lãng phí gây thất thoát tài sản nhà nước.

Thực hiện thẩm quyền, trách nhiệm của người quyết định đầu tư theo các quy định hiện hành trong tổ chức thực hiện dự án thành phần được phân cấp, bảo đảm chất lượng, tiến độ cơ bản hoàn thành một số đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn năm 2025, cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026 và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án năm 2027.

Thủ tướng phát lệnh khởi công dự án cao tốc dài nhất miền Tây - Ảnh 8.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cùng đại biểu thực hiện nghi thức khởi công tại điểm cầu Cần Thơ.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu tỉnh An Giang và các tỉnh có mỏ khoáng sản ưu tiên cung cấp nguồn nguyên vật liệu cát đắp cho dự án. UBND các tỉnh cấp phép khai thác các mỏ vật liệu xây dựng cho các nhà thầu thi công dự án một cách nhanh chóng, thuận lợi, đúng quy định pháp luật.

"Các tỉnh thành đảm bảo bàn 100% mặt bằng trước ngày 31/12/2023. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến công tác tái định cư, hỗ trợ ổn định sản xuất để người dân có nơi ở mới, có công việc mới bằng và tốt hơn nơi cũ. Bà con nhân dân có đất phải thu hồi phục vụ dự án ủng hộ chủ trương lớn của nhà nước, tạo điều kiện cho các đơn vị thi công dự án..." - Thủ tướng lưu ý.

Bà Lê Kim Tuyến, sinh sống tại xã Đông Thắng, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ, nơi có dự án đi qua, chia sẻ:

"Tôi phấn khởi và vinh dự khi được ban tổ chức tạo điều kiện đại diện cho 90 hộ dân xã Đông Thắng và 352 hộ dân thuộc huyện Cờ Đỏ bị ảnh hưởng phát biểu cảm nghĩ tại lễ khởi công hôm nay. Tôi cũng như bà con trên địa bàn huyện rất đồng tình, ủng hộ khi nghe địa phương triển khai thực hiện dự án. Bởi vì, đây là lần đầu tiên trên địa bàn huyện Cờ Đỏ, một huyện nông nghiệp, ngoại thành của thành phố có dự án đường bộ cao tốc đi qua.

Gia đình tôi bị ảnh hưởng dự án và có một căn nhà và xưởng may quần áo. Mặc dù rất nhiều đồ đạc cần di chuyển và ảnh hưởng đến sản xuất nhưng qua tuyên truyền, vận động của chính quyền địa phương, gia đình tôi cũng như nhiều hộ dân khác sẵn sàng di dời nhà cửa, bàn giao mặt bằng...".


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại