Hai nhà lãnh đạo nhất trí đánh giá trong gần 7 thập kỷ qua, quan hệ hai nước do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng thống Sukarno đặt nền móng đã phát triển mạnh mẽ và sâu rộng; nhất là sau khi nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược năm 2013.
Hiểu biết và tin cậy chính trị sâu sắc hơn, hợp tác trên các lĩnh vực phát triển toàn diện và hiệu quả hơn. Hai bên tích cực phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các cơ chế đa phương (Liên Hợp Quốc, ASEAN, Phong trào Không liên kết...).
Hai bên nhất trí một số định hướng lớn nhằm khai thác hiệu quả các tiềm năng hợp tác trên các lĩnh vực, đưa quan hệ Đối tác Chiến lược phát triển ngày càng sâu rộng, thực chất, sớm đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới, nhân kỷ niệm 70 năm quan hệ ngoại giao và 80 năm Quốc khánh hai nước.
Theo đó, hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao, các cấp và các kênh, triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương nhằm tăng cường tin cậy và góp phần tháo gỡ khó khăn trên các lĩnh vực.
Hai bên tin tưởng sẽ sớm đạt mục tiêu 18 tỷ USD kim ngạch thương mại song phương; nhất trí phối hợp tháo gỡ khó khăn, giảm rào cản thương mại, tạo thuận lợi triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại và tiếp cận thị trường hàng hóa của nhau, trong đó có hàng nông sản và sản phẩm Halal.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam sẵn sàng hợp tác, hỗ trợ Indonesia bảo đảm an ninh lương thực; đề nghị sớm ký kết thỏa thuận hợp tác thương mại gạo; đề nghị Indonesia tạo thuận lợi cho nông sản và các sản phẩm Halal của Việt Nam tiếp cận thị trường Indonesia; ủng hộ Việt Nam tháo gỡ thẻ vàng IUU trong lĩnh vực thủy sản.
Tổng thống đắc cử Indonesia mong muốn thúc đẩy hợp tác với Việt Nam về an ninh lương thực, an ninh năng lượng, công nghệ cao; mong Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm phát triển nông nghiệp.
Hai bên nhất trí khuyến khích, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước đầu tư thuận lợi vào thị trường của nhau, nhất là trong các lĩnh vực mới như kinh tế số, kinh tế xanh, chuyển đổi năng lượng, phát triển hệ sinh thái xe điện; thúc đẩy sớm ký văn bản hợp tác trao đổi đào tạo kỹ thuật và kinh tế số.
Hai nhà lãnh đạo nhất trí làm sâu sắc hơn hợp tác trên các lĩnh vực quan trọng khác như quốc phòng-an ninh, hợp tác biển, hợp tác nghề cá, xây dựng quan hệ đối tác số, bao gồm thương mại điện tử xuyên biên giới, chuyển đổi số; phòng chống tội phạm xuyên quốc gia và các hình thức tội phạm mạng, hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ thông tin; tăng cường hợp tác giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân, kết nối hàng không và kết nối địa phương.
Hai nhà lãnh đạo cũng đã trao đổi về tình hình khu vực và quốc tế cùng quan tâm; nhất trí tăng cường hợp tác, củng cố đoàn kết, vai trò trung tâm và quan điểm chung của ASEAN trong các vấn đề an ninh khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông; thúc đẩy phát triển bền vững, đồng đều các tiểu vùng trong khu vực, trong đó có tiểu vùng sông Mekong.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Indonesia tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Việt Nam để duy trì đoàn kết, lập trường chung và các kết quả ASEAN đạt được trong vấn đề Biển Đông, thúc đẩy đàm phán COC thực chất, hiệu lực, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Indonesia quan tâm, ủng hộ và cử đại diện cấp cao tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN 2025 và Hội nghị Thượng đỉnh Đối tác về Tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G) tổ chức tại Việt Nam năm 2025.