"Cỗ máy tăng trưởng của Việt Nam ví như cỗ xe tam mã"
Ngày 2/7, Chính phủ tổ chức Hội nghị với các địa phương, đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị.
Phát biểu mở đầu, Thủ tướng cho rằng, Hội nghị không chỉ đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng qua, mà còn bàn những định hướng, nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi phát triển kinh tế, tận dụng tốt cơ hội khống chế và kiểm soát dịch Covid -19.
Theo Thủ tướng, chúng ta đã có đối sách đúng, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, đặc biệt được sự ủng hộ, quyết tâm của chính quyền, nhân dân nên đã sớm ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh, tạo tiền đề quan trọng để chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh.
"Thế giới đánh giá cao thành quả kiểm soát dịch bệnh của nước ta. Đây là thành công rất lớn của chế độ ta", Thủ tướng nói.
Một tín hiệu vui được Thủ tướng nhắc tới là dấu hiệu phục hồi của ngành du lịch nội địa. Tất cả khách sạn trong cả nước từ Phú Quốc đến khu vực miền Trung, miền Bắc trong thời gian còn lại của mùa hè đều kín chỗ, số lượng khách nội địa tăng so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ rõ, đại dịch Covid-19 đã tác động rất mạnh đến nền kinh tế nước ta trong quý II. Tốc độ tăng trưởng GDP Qúy II chỉ tăng 0,36%, 6 tháng đầu năm GDP tăng 1,81%.
"Trong bối cảnh hiện nay, nhiệm vụ phục hồi phát triển kinh tế trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Do đó, Hội nghị này đưa ra phương châm quyết liệt phục hồi tăng trưởng, tận dụng tốt cơ hội do kiểm soát sớm dịch bệnh.
Một tinh thần trong chỉ đạo là kiên quyết không để Covid - 19 quay lại nước ta, đồng thời, chúng ta phải tiến công mạnh mẽ để phát triển kinh tế, phục hồi tăng trưởng", Thủ tướng nêu và cho biết, kinh tế thế giới xấu đi nhanh chóng do dịch Covid-19, đặc biệt là các đối tác lớn, quan trọng của nước ta.
Thủ tướng chủ trì Hội nghị.
Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu của năm 2020 là phải giữ chỉ số CPI dưới 4% như Quốc hội đã đề ra, vì nếu chỉ tiêu này không đạt thì sẽ phá vỡ nhiều vấn đề khác, tác động tiêu cực ngay đến đời sống người dân.
Mặc dù kinh tế vĩ mô nhìn chung ổn định, nhưng theo Thủ tướng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, trong đó giá dầu thô biến động mạnh, giá thịt lợn còn cao, rủi ro tỷ giá thương mại, đầu tư, tài chính, tiền tệ quốc tế gia tăng,
"Trong khó khăn của thế giới cũng như trong nước, một lần nữa chúng ta cần khẳng định rõ phải duy trì ổn định kinh tế vĩ mô để nâng cao uy tín chỉ đạo, điều hành, củng cố niềm tin của người dân, doanh nghiệp, thu hút đầu tư, tạo nền tảng cho ổn định và phát triển kinh tế, xã hội.
Chúng ta đều biết cỗ máy tăng trưởng của Việt Nam ví như cỗ xe tam mã, gồm ba cấu phần quan trọng nhất là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng.
Hội nghị này phải dùng mọi biện pháp để ba con ngựa kéo đạt mục tiêu tăng trưởng cao nhất, để lấy đà cho đất nước, nhất là trong năm nay Đại hội Đảng các cấp và Đại hội toàn quốc vào đầu năm sau", Thủ tướng yêu cầu.
"Cứ quyền anh, quyền tôi, gây khó khăn cho nhà đầu tư thì không bao giờ tạo được động lực"
Về điều hành chính sách tài khoá, tiền tệ, tinh thần được Thủ tướng quán triệt là không chỉ phòng thủ dịch bệnh mà còn phải tiến công để phát triển.
“Phòng thủ tích cực, tiến công nhanh và bền vững để phát triển”, Thủ tướng nói và nhận định, dư địa của Việt Nam còn lớn nên cần thống nhất, chủ động, linh hoạt trong các chính sách này, vì lợi ích tổng thể của đất nước.
Một vấn đề khác cũng được Thủ tướng đặt ra, đó là giải ngân vốn đầu tư công chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Theo đó, kết quả giải ngân mới đạt 33% và giải ngân vốn ODA rất thấp, chỉ 10%.
Thủ tướng nói, chúng ta có gần 700.000 tỷ đồng, tương đương 3 tỉ USD, nếu giải ngân tốt, đây là biện pháp kích cầu hiệu quả, tạo động lực cho tăng trưởng 6 tháng cuối năm và đầu năm 2021.
Thủ tướng cũng nhắc lại Bộ Chính trị, Quốc hội đã quyết định ngành nào, địa phương nào không giải ngân được thì Thủ tướng có quyền chuyển số vốn đó cho ngành, địa phương khác.
Thủ tướng nêu dẫn chứng khi một tờ báo có bài viết "Giải ngân không được bởi vì giải phóng mặt bằng". Từ đó Thủ tướng đặt vấn đề, như vậy thì Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch tỉnh có phải "xắn tay áo" lên để giải phóng mặt bằng không?
"Phải nóng ruột lên. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh kiểm tra giải ngân ở TP. HCM và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long thấp lắm.
Khi đề nghị dự án thì rất quyết liệt, nhưng gặp giải phóng mặt bằng thì lại giao cấp dưới, không quan tâm. Tại sao nhiều địa phương giải ngân tốt, nhưng rất nhiều địa phương lại giải ngân rất chậm. Lần này phải có chế tài mạnh", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng nhắc đến một số vấn đề như kinh tế ban đêm, kinh tế số, phát triển nhà ở xã hội, tạo điều kiện cho người dân về nhà ở, đây là những vấn đề mới, Thủ tướng đề nghị các địa phương lưu ý và tận dụng vấn đề này.
Thủ tướng băn khoăn khi có địa phương cả năm không có dự án nào được khởi công, trong khi nhu cầu đầu tư rất lớn, nếu địa phương như vậy thì làm sao phát triển được.
Theo Thủ tướng, doanh nghiệp, người dân đang đối mặt với các khó khăn do đại dịch Covid-19, do vậy, địa phương cần cắt giảm thủ tục hành chính, sớm báo cáo cấp có thẩm quyền để gỡ bỏ các rào cản.
"Tinh thần phải phục vụ nhân dân, phục vụ cho sự phát triển của doanh nghiệp mới tạo được động lực phát triển. Các anh cứ quyền anh, quyền tôi, gây khó khăn, khó dễ cho nhà đầu tư thì không bao giờ tạo được động lực", Thủ tướng lưu ý, đồng thời gợi mở hướng phát triển một số lĩnh vực kinh tế mới như kinh tế ban đêm, kinh tế số, kinh tế đô thị… Theo Thủ tướng, những cái này rất mới, địa phương nào biết chỉ đạo sẽ góp phần phát triển kinh tế rất lớn.
Thủ tướng yêu cầu phải bỏ ngay những điều bất hợp lý, xử lý nghiêm cán bộ nhũng nhiễu doanh nghiệp và người dân.