Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Không được thanh tra doanh nghiệp một năm quá một lần

K.Linh |

Đầu giờ chiều 17.5, Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp Việt Nam năm 2017 do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp chủ trì đã khép lại. So với hội nghị lần trước tại TPHCM, Thủ tướng nhận định tính gay gắt đã giảm đi nhiều, chủ yếu là các ý kiến góp ý cách làm cụ thể để giảm phiền hà hơn nữa cho doanh nghiệp. Điều đó cho thấy, Chính phủ và các bộ ngành, địa phương đã “gãi đúng chỗ", chứ không phải “ngứa trên đầu mà gãi dưới chân”.

Mở đầu bài phát biểu bế mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, điều đầu tiên cần làm là tinh thần chuyển lời nói thành hành động, không được thanh tra doanh nghiệp 1 năm quá 1 lần, nếu thanh tra đột xuất vi phạm trực tiếp không được mở rộng.

Theo đó, một chỉ thị mang số hiệu 20 vừa được Thủ tướng ký vào lúc 1 giờ chiều hôm nay để chấn chỉnh công tác thanh tra, kiểm tra, “gỡ khó” cho doanh nghiệp.

Việc thứ hai, Thủ tướng khẳng định các doanh nghiệp yên tâm rằng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, phục vụ phải xây dựng và bảo đảm môi trường kinh doanh tốt, có năng lực cạnh tranh cao; không chỉ có tự do kinh doanh, tự do sáng tạo mà còn an toàn với người đầu tư, kinh doanh, tài sản, vốn đầu tư; không chỉ chi phí giao dịch thấp mà còn rủi ro thấp; không chỉ độc quyền kinh doanh được kiểm soát mà còn chống hàng giả, hàng nhái hiệu quả để bảo đảm môi trường kinh doanh công bằng, hiệu quả; các nhà đầu tư, doanh nghiệp không chỉ được tôn trọng mà còn được vinh danh; môi trường kinh doanh có độ tin cậy cao, vững chắc để mọi người yên tâm đầu tư và mở rộng kinh doanh.

Trong một năm qua, Chính phủ và các địa phương đã “gãi đúng chỗ” chứ không phải “ngứa trên đầu, gãi dưới chân”. Mặc dù chưa hoàn thiện nhưng so với Hội nghị lần trước tổ chức tại TPHCM thì tính gay gắt đã giảm đi rất nhiều. Lần này chủ yếu là các ý kiến góp ý những cách làm cụ thể, phương pháp tính toán cụ thể để giảm phiền hà cho doanh nghiệp.

Điểm lại những kết quả đã đạt được trong năm qua về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Thủ tướng cho rằng chúng ta đã đạt được những kết quả bước đầu đáng khích lệ.

Chúng ta đã kiểm tra, thành lập các tổ công tác để tới các địa phương đôn đốc thực hiện. Theo đó, đã có 4.500 thủ tục bị bãi bỏ và xử lý hơn 850 trong số hơn 1.100 kiến nghị của doanh nghiệp (chiếm 77,5%). Năm 2016 đã thành lập trên 110.000 doanh nghiệp. Việt Nam đang phấn đấu năm 2017 sẽ đạt nhóm đầu của ASEAN về môi trường tăng trưởng.

Tuy nhiên, Chính phủ cũng nhận thức rõ những tồn tại, rào cản đối với doanh nghiệp vẫn đang gặp phải.

Trước hết, về thể chế chính sách (còn mâu thuẫn chồng chéo trong nhiều quy định; quy định chưa sát thực tế), đặc biệt là việc ban hành văn bản dưới luật chưa sát với thực tiễn như về PCCC, đo không khí, chất thải, bảo vệ môi trường... thiếu minh bạch, tốn kém chi phí. Nhiều thủ tục,quy định gây mất thời gian cho doanh nghiệp. Nhiều vấn đề chưa đi vào cuộc sống.

Bên cạnh đó là vấn đề thuế, phí còn cao; thủ tục hành chính còn gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp dẫn đến hiện tượng “cò” thực thi chính sách; tình trạng nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ, công chức; tình trạng doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong tiếp cận tín dụng; tiếp cận thị trường; hoạt động thanh tra, kiểm tra chồng chéo, kém hiệu quả gây phiền hà, bức xúc cho doanh nghiệp...

Thủ tướng cho biết trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tập trung kiến tạo môi trường kinh doanh minh bạch, thuận lợi cho doanh nghiệp; thực thi công vụ nghiêm túc, không gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp,.. và nhấn mạnh trách nhiệm của Bí thư, Chủ tịch địa phương, Bộ trưởng, Trưởng ngành phải thực hiện những nhiệm vụ này.

Thứ hai nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, tối ưu hóa các thành tựu công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Với tinh thần trao cơ hội cho mọi thành phần kinh tế sản xuất kinh doanh, mọi thành phần kinh tế đều bình đẳng, Chính phủ sẽ tiếp tục tái phân bổ, tối ưu hóa các nguồn lực phát triển; quyết liệt thực hiện các giải pháp nhằm giảm bớt các chi phí cho doanh nghiệp.

Theo đó, Chính phủ tiếp tục rà soát các quy định và thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm giảm bớt gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp như chi phí thủ tục hành chính về thuế, hải quan, giấy phép, phí BOT, chi phí về logicstic, chi phí sử dụng các công trình dịch vụ công, nhất là chi phí kiểm định, thẩm định, giám định, các chi phí kiểm tra khác của Nhà nước.

Đây là khoản đang đè nặng lên doanh nghiệp mà chúng ta phải nghiên cứu để giảm bớt cho doanh nghiệp. "Có đồng chí đề nghị tôi năm nay đặt tên là “Năm giảm phí cho doanh nghiệp”" - Thủ tướng cho hay.

Thủ tướng cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam phải chiếm lĩnh chính địa bàn của mình – thị trường lớn thứ 13 trên thế giới. Giờ đây khẩu hiệu “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” mà phải là phải chinh phục thị trường Việt Nam. Nếu quên thị trường này, chúng ta sẽ thất bại. Xu hướng tương lai không cho phép tồn tại quan điểm quản trị trì trệ, không đáp ứng được nhu cầu mới.

"Tôi nghĩ rằng bình minh đang đến đất nước ta, tôi tin tưởng các bạn, những doanh nghiệp sẽ đóng góp cho bình minh rực sáng trên Tổ quốc Việt Nam thân yêu.

Với tinh thần đó, tôi tin tưởng rằng chúng ta sẽ xây dựng một hệ sinh thái lành mạnh, mà ở đó tất cả các thành phần kinh tế đều phát triển bình đẳng, kết nối và hỗ trợ nhau, đem lại sự thịnh vượng và phát triển kinh tế chung cho Việt Nam. Đó chính là tinh thần đồng hành mà tôi muốn nói đến ngày hôm nay" - Thủ tướng khẳng định.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại