Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Khởi động lại nền kinh tế

Văn Kiên - Luân Dũng |

Trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, phải tập trung hơn nữa để khởi động lại nền kinh tế. Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ phải xắn tay áo lên, vào cuộc, tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

“Các thành viên Chính phủ thể hiện bản lĩnh trí tuệ, đạo đức cách mạng của người lãnh đạo, không phải "quyền anh", "quyền tôi" lúc này mà chính là vì đất nước, vì dân tộc, vì 100 triệu dân”, Thủ tướng phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 diễn ra ngày 5/5.

Xông vào trận để giải ngân 700.000 tỷ đồng

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói rằng, trong bối cảnh dịch bệnh đã được kiểm soát, nhiệm vụ trọng tâm hiện nay là phải sớm phục hồi, phát triển các hoạt động kinh tế- xã hội, đây là yêu cầu cấp thiết của nền kinh tế, của cộng đồng và nhân dân cả nước.

Có tăng trưởng mới giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội tốt nhất. Thủ tướng lưu ý việc giải ngân nguồn vốn đầu tư công khoảng 700.000 tỷ đồng trong năm nay là vô cùng quan trọng.

“Các đồng chí phải xông vào trận, nếu có vướng mắc thì báo cáo kịp thời, bám ngày, bám đêm để triển khai cho được. Phải chuẩn bị sẵn sàng, nhất là với tinh thần tiến công, không có ngành nào, địa phương nào không giải ngân hết số vốn.

Không để tình trạng trì trệ xảy ra trong các cấp, các ngành”, Thủ tướng nói.

Báo cáo tại cuộc họp về dự thảo nghị quyết về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng kiến nghị các cơ quan, đơn vị phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện, lập kế hoạch giải ngân, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho từng dự án.

Kết quả giải ngân của từng dự án được phân công theo dõi là căn cứ chủ yếu để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2020. Trường hợp không hoàn thành kế hoạch giải ngân theo tiến độ đề ra, kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, người đứng đầu, cá nhân liên quan…

“Không để chậm trễ, tồn đọng hồ sơ chưa giải quyết; kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết đối với các vấn đề vượt thẩm quyền”, ông Dũng nói.

Không để tình trạng “quyền anh, quyền tôi”

Báo cáo tại cuộc họp, lãnh đạo Bộ GTVT cam kết sẽ cố gắng giải ngân 100% số vốn đầu tư công, trước hết là 37.000 tỷ đồng được giao của bộ, trong đó có các công trình đường cao tốc…

Đối với việc triển khai thực hiện gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng sâu bởi dịch COVID-19, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, đến nay, 63/63 tỉnh thành triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội đến người dân.

Trong đó 4 đối tượng cơ bản là người có công, bảo trợ xã hội, người nghèo và cận nghèo đã nhận được tiền hỗ trợ. Từ ngày 10/5 sẽ tập trung cao độ để giải quyết hỗ trợ cho lao động tự do.

"Gói hỗ trợ đang được triển khai thực hiện đảm bảo nghiêm túc, công khai, minh bạch và cho đến giờ này chưa phát hiện và chưa nhận được bất cứ phản ánh tiêu cực nào từ các địa phương", ông Dung nói.

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương sâu sát hơn, giải quyết kịp thời các bức xúc của người dân và doanh nghiệp.

Tất cả các cơ quan phải thực hiện nghiêm tinh thần nêu gương của cán bộ, đảng viên. Phải xắn tay áo lên, vào cuộc, tháo gỡ cho sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, phát triển ngành, địa phương mình trong phạm vi được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, phải tập trung hơn nữa khởi động lại nền kinh tế, phấn đấu GDP năm 2020 đạt mức tăng trưởng trên 5%, kiểm soát lạm phát dưới 4%.

Muốn như vậy, thu hút FDI, đẩy mạnh xuất khẩu, đẩy mạnh đầu tư công, thu hút đầu tư tư nhân, đẩy mạnh tiêu dùng nội địa là 5 mũi đột phá để tăng trưởng, phát triển, vượt qua khó khăn giai đoạn này.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Khởi động lại nền kinh tế - Ảnh 4.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại