Chưa vội về nước, Thủ tướng Lebanon, ông Saad al-Hariri sẽ từ Pháp sang Ai Cập và gặp Tổng thống chủ nhà Fattah al-Sisi vào ngày 20-11, trước khi trở về nước vào ngày 22-11, ngày Độc lập của Lebanon.
Đi cùng ông Hariri từ Saudi Arabia sang Paris (Pháp) ngày 18-11 là vợ và con trai lớn, hai con nhỏ còn ở lại Saudi Arabia. Ông Hariri đã có cuộc gặp với Tổng thống chủ nhà Emmanuel Macron. Sau cuộc gặp, Văn phòng Tổng thống Macron cho biết ông “sẽ tiếp tục các nỗ lực, sáng kiến cần thiết vì sự ổn định của Lebanon”.
Ông Hariri mang cả gia đình sang Saudi Arabia ngày 3-11. Một ngày sau bất ngờ tuyên bố từ chức Thủ tướng Lebanon trên truyền hình Saudi Arabia, lý do sợ bị ám sát.
Ông Hariri cáo buộc Hezbollah thao túng quyền lực ở Lebanon và cấu kết với Iran gây bất ổn Trung Đông. 8 ngày sau, ông Hariri một lần nữa lên truyền hình nói mình sẽ về nước để từ chức đúng hiến pháp, thòng khả năng có thể rút lại tuyên bố từ chức này nếu Hezbollah thôi can thiệp vào các cuộc xung đột trong khu vực.
Chính phủ Lebanon và Hezbollah cho rằng Saudi Arabia cưỡng ép giữ người và buộc ông Hariri từ chức, dù ông Hariri khẳng định mình tự do và tự nguyện. Tổng thống Lebanon Michel Aoun tuyên bố không chấp nhận sự từ chức của ông Hariri chừng nào ông về nước tuyên bố trực tiếp.
Tuyên bố từ chức của ông Hariri gây ra cuộc khủng hoảng chính trị lớn ở Lebanon, khi nước này đang có nguy cơ xung đột giữa phái người Shiite do Saudi Arabia bảo trợ và phái người Sunni Hezbollah do Iran bảo trợ. Không chỉ thế khủng hoảng này cũng làm tăng thế đối đầu nguy hiểm giữa hai đối thủ Saudi Arabia và Iran.
Ngày 19-11, theo yêu cầu của Saudi Arabia, các Ngoại trưởng Liên đoàn Ả Rập họp khẩn ở Cairo (Ai Cập) bàn cách đối phó Iran và Hezbollah. Ngoại trưởng Lebanon Gebran Bassil không tham dự. Tuyên bố chung cho thấy các nước Ả Rập thống nhất cáo buộc Hezbollah ủng hộ khủng bố.