Thủ tướng lên đường thăm CHLB Đức, dự Hội nghị G20

Đức Tuân |

Đêm 4/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời Hà Nội, lên đường bắt đầu thăm CHLB Đức và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 theo lời mời của Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Tham gia đoàn có: Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà và lãnh đạo một số bộ, địa phương.

Chuyến thăm của Thủ tướng diễn ra trong bối cảnh quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Đức đang phát triển sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực; quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và các nước thành viên G20 phát triển tốt đẹp.

Đức là một đối tác quan trọng nhất của Việt Nam ở châu Âu. Việt Nam cũng là đối tác quan trọng của Đức tại Đông Nam Á. Thông qua duy trì trao đổi đoàn cấp cao và các cơ chế hợp tác, hai bên đã tăng cường sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau.

Trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Angela Merkel năm 2011, hai bên đã ký Tuyên bố chung Hà Nội về việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược.

Là cửa ngõ quan trọng để hàng hóa Việt Nam vào thị trường châu Âu, Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, chiếm gần 20% xuất khẩu của Việt Nam vào EU. Tính đến hết tháng 4/2017, có 285 dự án của Đức tại Việt Nam còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 1,4 tỷ USD, đứng thứ 5 EU và thứ 20/116 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. 

Đức còn là nhà viện trợ ODA lớn và thường xuyên cho Việt Nam với 2 tỷ USD từ năm 1990 đến nay. Đức cũng là đối tác quan trọng của Việt Nam trong hợp tác dạy nghề, giáo dục, văn hóa, du lịch, tư pháp-pháp luật, khoa học công nghệ…

Từ ngày 7-8/7, Thủ tướng tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại thành phố Hamburg với chủ đề “Định hình một thế giới kết nối”. Hội nghị tập trung vào 3 trọng tâm nghị sự: Tạo dựng nền tảng tự cường; tăng cường tính bền vững; tăng cường trách nhiệm, với dự kiến 5 phiên thảo luận.

Theo đó, các nước G20 sẽ trao đổi các giải pháp để thúc đẩy và duy trì tăng trưởng kinh tế thế giới hướng đến xây dựng một nền kinh tế toàn cầu tự cường, bền vững và bao trùm; các vấn đề biến đổi khí hậu và năng lượng, thúc đẩy các ưu tiên về sử dụng năng lượng hiệu quả, năng lượng tái tạo, xây dựng nền kinh tế phi carbon.

Với tư cách là chủ nhà APEC 2017, Việt Nam được mời tham dự các hội nghị và cuộc họp trong khuôn khổ G20 trong năm 2017, tham gia thảo luận tại tất cả các phiên họp của Hội nghị Thượng đỉnh và đóng góp ý kiến cho dự thảo Tuyên bố chung của Hội nghị.

Việt Nam có quan hệ đối tác chiến lược với 10 nước và quan hệ đối tác toàn diện với 2 nước thành viên của G20. Các mối quan hệ này ngày càng mở rộng, đi vào chiều sâu và hiệu quả.

Chuyến thăm CHLB Đức và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Đức của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhằm tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại