Sau cuộc họp Chính phủ đầu tháng 3, Văn phòng Chính Phủ mới đây đã đưa ra thông báo kết luận chính thức của Thủ tướng về “số phận” của dự án thép Cà Ná do Tập đoàn Hoa Sen làm chủ đầu tư.
Người đứng đầu Chính phủ cho rằng dự án Cà Ná mới dừng ở mức đánh giá sơ bộ, công tác chuẩn bị còn vội vàng, thông tin về dự án còn bất cập, chưa đầy đủ, toàn diện. Do đó, Thủ tướng yêu cầu tỉnh Ninh Thuận và các cơ quan tạm dừng đề xuất dự án để làm rõ một số vấn đề.
Cụ thể đầu tiên cần tính toán kỹ lưỡng nhu cầu của thị trường thép trong nước và trên thế giới, trên cơ sở đó rà soát quy hoạch các nhà máy thép, cơ cấu sản phẩm theo nhu cầu để xác định quy mô, công suất và thời điểm hợp lý mới phát triển dự án.
Bên cạnh đó, cần phải đánh giá kỹ về vấn đề môi trường, công nghệ và thiết bị của dự án. Đặc biệt nghiên cứu đánh giá tác động môi trường, đảm bảo dự án an toàn, không để xảy ra sự cố như vụ việc Formosa trước đó.
Cuối cùng, Thủ tướng yêu cầu phải xác định tổng mức vốn đầu tư tổng thể, trong đó, tính đến cả cảng biển nước sâu, đường sắt, đường bộ. Đồng thời, cần phải xác định rõ nguồn nguyên liệu cho dự án.
“Đây là dự án công nghiệp nặng luyện cán thép được đề xuất sau sự cố nhà máy thép Formosa nên rất nhạy cảm, vì vậy bước nghiên cứu đề xuất chủ trương đầu tư cần làm kỹ các nội dung trên ở mức nghiên cứu khả thi dự án”, Thủ tướng nêu trong văn bản phát đi.
Thủ tướng nhấn mạnh chỉ khi nghiên cứu kỹ, làm rõ các vấn đề trên, tỉnh Ninh Thuận phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thiện các bước chuẩn bị, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét theo quy định.
Trước đó, Thủ tướng cũng kết luận tỉnh Ninh Thuận là một tỉnh còn nhiều khó khăn, đặc biệt việc dừng đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Do đó, việc thu hút các nhà đầu tư khác để phát huy tiềm năng thế mạnh của tỉnh là hết sức cần thiết.
Để phát triển, tỉnh Ninh Thuận không chỉ đầu tư nhà máy thép, nhà máy điện hạt nhân mà còn có rất nhiều lợi thế khác như: đầu tư năng lượng sạch như điện gió, điện mặt trời, du lịch, nông nghiệp hữu cơ… sẽ mang lại lợi ích nhiều mặt cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Kết luận này đã nêu rõ quan điểm của người đứng đầu Chính phủ sau rất nhiều cuộc tranh luận về tính khả thi, hiệu quả và vấn đề môi trường của dự án thép Cà Ná từ khi được nêu ra đến khi được đưa vào Quy hoạch ngành thép đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.