Phát biểu tại một cuộc họp báo, ông Conte nêu rõ Chính phủ sẽ dành 4,3 tỷ euro cho chính quyền các thành phố đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân và dành một quỹ đặc biệt 400 triệu euro cho những người gặp hoàn cảnh khó khăn.
Cùng ngày, trả lời phỏng vấn nhật báo Italy Il Sole 24 Ore, ông Conte hối thúc Liên minh châu Âu (EU) triển khai một loại “trái phiếu phục hồi” nhằm hỗ trợ đối phó với dịch bệnh COVID-19. Ông Conte cho rằng EU cần có một công cụ nợ chung để thúc đẩy kế hoạch phục hồi và tái đầu tư nhằm hỗ trợ nền kinh tế của toàn khu vực.
Nhằm ngăn dịch bệnh tiếp tục lây lan, Bộ trưởng Giáo dục Italy Lucia Azzolina cho biết quyết định đóng cửa các trường học, bắt đầu từ ngày 5/3 vừa qua, sẽ được gia hạn đến hết ngày 3/4 tới.
Những thông báo trên được đưa ra sau khi giới chức y tế Italy thông báo thêm 889 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên tới 10.023 người kể từ khi dịch bùng phát tại đây ngày 21/2 vừa qua. Trong khi đó, tổng số ca mắc bệnh tại Italy đã tăng thêm 6.000 ca lên 92.472 ca, chỉ xếp sau Mỹ - nước có số ca mắc COVID-19 cao nhất thế giới.
* Tại Tây Ban Nha - ổ dịch lớn thứ hai của châu Âu sau Italy, Thủ tướng nước này Pedro Sanchez cùng ngày 28/3 thông báo sẽ siết chặt các biện pháp hạn chế đi lại, theo đó những lao động làm việc trong ngành dịch vụ không thiết yếu sẽ phải ở nhà trong 2 tuần.
Ông Sanchez cho biết các lao động thuộc diện này sẽ vẫn được hưởng lương như bình thường nhưng muộn hơn. Biện pháp trên dự kiến được thông qua tại cuộc họp nội các Tây Ban Nha trong ngày 29/3, và sẽ có hiệu lực từ ngày 30/3 - 9/4 tới.
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 từ xe cứu thương vào một bệnh viện ở Leganes, Tây Ban Nha ngày 26/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Bên cạnh đó, Thủ tướng Sanchez hối thúc EU hành động và kêu gọi khối này đưa ra “chiến lược thống nhất về xã hội và kinh tế”. Ông Sanchez cũng kêu gọi EU phát hành các trái phiếu phục hồi, cho rằng các nền kinh tế thành viên phải cùng chia sẻ gánh nặng nợ công nhằm đối phó với dịch COVID-19.
* Tại Séc, kể từ khi ban bố tình trạng khẩn cấp ngày 12/3 để ứng phó với COVID-19, song song với việc triển khai các biện pháp để kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh, Chính phủ Séc cũng triển khai các biện pháp nhằm giảm tác động của dịch bệnh đối với nền kinh tế.
Nhà hàng tại Praha, CH Séc, đóng cửa ngày 13/3/2020 trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. Ảnh: THX/TTXVN
Theo phóng viên TTXN tại Praha, để đảm bảo tăng chi cho công tác khống chế dịch bệnh COVID-19 song vẫn đảm bảo sự ổn định của thị trường tài chính trong nước, Chính phủ Séc điều tiết nền kinh tế vĩ mô theo hướng tăng thâm hụt ngân sách nhà nước và giảm lãi suất ngân hàng.
Tổng thống Séc Milos Zeman ngày 26/3 đã ký ban hành luật ngân sách quốc gia sửa đổi, cho phép tăng mức thâm hụt ngân sách nhà nước năm 2020 từ 40 tỷ Korun (1,57 tỷ USD) lên 200 tỷ Korun (7,89 tỷ USD) do thất thu thuế và tăng chi tiêu ứng phó với dịch COVID-19.
Trong khi đó, Ngân hàng quốc gia Séc (CNB) đã 2 lần hạ mức lãi suất để đảm bảo sự ổn định của thị trường tài chính. Ngày 25/3, CNB giảm tỷ lệ lãi suất 75 điểm cơ bản xuống còn 1%. Trước đó, ngày 17/3, CNB giảm tỷ lệ lãi suất 50 điểm cơ bản xuống 1.75 %.
Ngoài ra, Chính phủ Séc cũng đã cho phép CNB mở rộng phạm vi giao dịch, tạo điều kiện để CNB có thể giao dịch với các công ty bảo hiểm hoặc các nhà đầu tư khi trước đây, CNB chỉ được giao dịch với các ngân hàng và các tổ chức tín dụng. Bên cạnh điều tiết nền kinh tế vĩ mô, Chính phủ Séc chú trọng hỗ trợ các doanh nghiệp bị tổn thương bởi các biện pháp khẩn cấp ứng phó với dịch COVID-19 như đóng cửa các cửa hàng, đóng cửa biên giới, hạn chế đi lại với mục tiêu giảm nguy cơ các doanh nghiệp này sa thải người lao động.
Đáng chú ý, Chính phủ Séc cũng quan tâm tới việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp cá thể bị tác động bởi dịch bệnh COVID-19 thông qua việc miễn nộp tiền bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội trong 6 tháng, từ tháng 3 - 8/2020. Người có con dưới 13 tuổi phải nghỉ học trong thời gian dịch bệnh, bố mẹ sẽ được trợ cấp mỗi ngày 424 Korun tiền ở nhà trông con.
Để đảm bảo tự chủ về an ninh lương thực, Chính phủ Séc cũng thông qua Chương trình phát triển nông thôn, với tổng số vốn 3,3 tỷ Korun để hỗ trợ các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm, lâm nghiệp.