Theo đài RT (Nga), phát biểu trên đài phát thanh Kossuth, ông Orban tuyên bố Hungary đã bị hạ xuống vai trò không tham gia trong khối quân sự do Mỹ dẫn đầu bởi lập trường đối với xung đột Ukraine. Ông cho biết Budapest đang nghiên cứu các biện pháp hợp pháp để duy trì tư cách thành viên trong NATO, nhưng có quyền từ chối tham gia các hoạt động của khối mà nước này không chấp thuận .
“Hungary phải xác định lại lập trường, các luật sư và quan chức của chúng ta đang tìm cách cho phép Hungary tiếp tục tồn tại với tư cách là thành viên NATO mà không cần tham gia vào các hoạt động của NATO bên ngoài lãnh thổ của khối. Chúng ta cần tạo ra một cách tiếp cận mới, một định nghĩa mới cho vị thế của chúng ta là lực lượng ủng hộ hòa bình trong NATO”, ông Orban nói.
Theo Thủ tướng Hungary, có những điểm “tương đồng đáng báo động” giữa thông tin từ truyền thông, tuyên bố của các chính trị gia phương Tây về cuộc xung đột Ukraine và bầu không khí trước Thế chiến thứ nhất và thứ 2.
“Những gì đang xảy ra ngày hôm nay ở Brussels và Washington dường như đang khởi động cho một cuộc xung đột quân sự trực tiếp có thể xảy ra. Chúng ta có thể gọi đó là sự chuẩn bị cho việc châu Âu tham chiến một cách an toàn vào cuộc xung đột này”, ông Orban nói và cho biết thêm rằng các nhóm làm việc trong NATO đang đánh giá những cách tốt nhất để khối tăng cường tham gia hơn nữa vào cuộc xung đột.
Ông cảnh báo kết quả cuối cùng của những hành động này có thể là một cuộc xung đột trực tiếp giữa Liên minh châu Âu, NATO và Nga - một “viễn cảnh nghiệt ngã” vì cuộc xung đột sẽ liên quan đến các cường quốc hạt nhân.
Thủ tướng Hungary lưu ý NATO được thành lập với mục đích bảo vệ các quốc gia thành viên chống lại hành động xâm lược, không tiến hành chiến tranh bên ngoài lãnh thổ của khối. Bình luận về tuyên bố của phương Tây rằng Nga có thể tấn công châu Âu nếu đánh bại Ukraine, ông Orban cho biết khả năng này là vô cùng mong manh và những cảnh báo này chỉ là cái cớ để họ trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột ở Ukraine.
Hungary đã phản đối việc NATO tài trợ và trang bị vũ khí cho Ukraine ngay từ đầu cuộc xung đột vào tháng 2/2022. Nước này không gửi vũ khí cũng như không cho phép sử dụng lãnh thổ đất nước để chuyển giao vũ khí tới Kiev, bất chấp áp lực từ cả Brussels và Washington. Trong khi đó, Budapest luôn kêu gọi ngừng bắn và nỗ lực tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột.