Thủ tướng Đức Olaf Scholz. (Ảnh: Reuters)
Quan hệ thương mại sâu sắc đang ràng buộc hai nền kinh tế lớn nhất của châu Á và châu Âu. Sự phát triển nhanh chóng của Trung Quốc khiến nhu cầu mua xe hơi, máy móc của Đức cũng tăng mạnh. Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Đức từ năm 2016.
Một cuộc khảo sát gần đây do tổ chức tư vấn chính sách Ifo thực hiện cho thấy gần một nửa các công ty công nghiệp Đức hiện nay đang phụ thuộc đáng kể đầu vào từ Trung Quốc.
Tuy nhiên, chuyến thăm của Thủ tướng Scholz diễn ra trong bối cảnh phương Tây, nhất là đồng minh hàng đầu của Đức là Mỹ, ngày càng cảnh giác với Trung Quốc.
Hiện cũng có những lo ngại về tình trạng phụ thuộc của Đức vào quốc gia khác, nhất là sau khi cuộc xung đột ở Ukraine đẩy Đức vào tình cảnh mất an ninh năng lượng do quá phụ thuộc vào khí đốt của Nga.
“Điều cực kỳ quan trọng là chúng ta không bao giờ được để mình một lần nữa quá phụ thuộc vào một quốc gia không chia sẻ các giá trị chung với chúng ta”, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock gần đây nói với đài ARD khi được hỏi về Trung Quốc.
Tuần trước, phát ngôn viên Chính phủ Đức cho biết ông Scholz sẽ gặp cả Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường để thúc giục mở cửa thị trường, nêu quan ngại về nhân quyền và bàn các vấn đề khác.
Ông Scholz dự kiến cũng sẽ đề nghị Trung Quốc thuyết phục Nga kết thúc chiến dịch quân sự ở Ukraine.
“Đây là một chuyến đi khám phá để tìm hiểu quan điểm của Trung Quốc, hướng đi của Trung Quốc và những hình thức hợp tác có thể triển khai”, một quan chức chính phủ Đức cho biết ngày 2/11.
Đức bắt đầu có quan điểm cứng rắn hơn với Trung Quốc từ thời chính quyền của cựu Thủ tướng Angela Merkel, như điều tàu chiến đến Biển Đông lần đầu tiên trong 2 thập kỷ.
Chính phủ của Thủ tướng Scholz hiện nay đang soạn thảo chiến lược Trung Quốc đầu tiên, dựa trên quan điểm cứng rắn hơn với Bắc Kinh.
Khác với người tiền nhiệm, Thủ tướng Scholz chọn Nhật Bản là nước châu Á đầu tiên để thực hiện chuyến thăm chính thức sau khi nhậm chức.