Tham dự Lễ khánh thành tại điểm cầu chính ở khu vực trạm 500 kV Phố Nối (Hưng Yên) có Thủ tướng Phạm Minh Chính; Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến.
Tại điểm cầu thuộc tỉnh Thái Bình có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà; tại điểm cầu thuộc tỉnh Thanh Hóa có Phó Thủ tướng Lê Thành Long; tại điểm cầu thuộc tỉnh Hà Tĩnh có Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc.
Lễ khánh thành được tổ chức theo hình trực tiếp kết hợp trực tuyến với điểm cầu chính diễn ra tại trạm biến áp 500 kV Phố Nối (Hưng Yên) và kết nối trực tuyến đến 8 điểm cầu thuộc 8 tỉnh nơi có dự án đi qua.
Dự án đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối là dự án quy mô lớn, có tổng chiều dài 519 km, 2 mạch với 1.177 vị trí cột, tổng mức đầu tư là hơn 22.300 tỉ đồng (gần 1 tỉ USD).
Dự án có khối lượng đào đất đá là hơn 2,5 triệu m3, sử dụng hơn 705.000 m3 bêtông, gần 70.000 tấn cốt thép móng; tổng khối lượng lắp dựng cột thép là 139.000 tấn; kéo tổng cộng gần 14.000 km dây dẫn các loại.
Đây là dự án trọng điểm, cấp bách, có ý nghĩa rất quan trọng để tăng cường năng lực truyền tải điện qua hệ thống 500 kV từ Trung - Bắc với công suất từ 2.500 MW hiện nay lên 5.000 MW, nâng cao sự ổn định vận hành hệ thống điện, tăng cường cung cấp điện cho miền Bắc năm 2025 và các năm tiếp theo, giảm bớt nguy cơ đầy và quá tải cho các đường dây và trạm 500 kV hiện hữu, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Quá trình thi công gặp nhiều khó khăn, thách thức lớn như: Phải thực hiện khối lượng lớn công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, tổng diện tích đất thu hồi khoảng 1,83 triệu m2, trải dài qua 9 tỉnh; hỗ trợ, tái định cư, ổn định sản xuất cho 167 hộ dân phải di dời và 5.248 hộ bị ảnh hưởng; Khó khăn do thiếu hụt về huy động đồng thời nhiều máy móc, thiết bị thi công đặc thù trên toàn tuyến...
Kể từ khi bắt đầu triển khai đầu tư xây dựng, dự án đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Với sự tư duy, phương pháp, cách tiếp cận mới so với cách làm trước đây nên thời gian triển khai dự án đã được rút ngắn rất đáng kể, đáp ứng yêu cầu tiến độ hoàn thành dự án như Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo. Đây là điều chưa từng có tiền lệ với các công trình xây dựng đường dây 500kV trước đó.
Theo đánh giá, đối với các dự án có quy mô, khối lượng tương tự phải triển khai từ 3 đến 4 năm. Trước đây, dự án đường dây 500 kV mạch 3 Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông dài 437 km phải thi công trong gần 3 năm, dự án đường dây 500 kV mạch 3 cung đoạn Vũng Áng - Quảng Trạch - Dốc Sỏi - Pleiku 2 dài 740 km cũng cần gần 4 năm thi công.
Tuy nhiên, dự án đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối đã hoàn thành sau hơn 6 tháng thi công. Nếu xét về quy mô công trình, đường dây 500 kV Bắc - Nam mạch 1 cần dựng 60.000 tấn cột thép thì dự án này phải dựng tới 139.000 tấn thép, tức là gấp hơn 2 lần so với mạch 1.
Tại nhiều cuộc họp kiểm điểm, đôn đốc tiến độ cũng như kiểm tra thực tế trên công trường thời gian qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã biểu dương lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị, xã hội, EVN, EVNNPT, các đơn vị tư vấn, cung cấp vật tư thiết bị, các đơn vị thi công làm việc với tinh thần “vượt nắng, thắng mưa, không thua gió bão”, “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, “làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm”, “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”, làm việc liên tục 24/7, “3 ca, 4 kíp”, “làm xuyên lễ, xuyên tết, xuyên ngày nghỉ”. Với nỗ lực đó dự án đã hoàn thành, đóng điện vận hành đáp ứng theo đúng yêu cầu mà Thủ tướng Chỉnh phủ đã chỉ đạo.
Việc hoàn thành đường dây 500 kV mạch 3 giúp cho hệ thống điện của Việt Nam có 4 mạch đường dây 500kV Bắc - Nam, có ý nghĩa quan trọng trong việc góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, phục vụ phát triển kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng của đất nước.
Sự nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, hoàn thành công trình đúng tiến độ yêu cầu là niềm vinh dự, tự hào, là hành động thiết thực chào mừng kỷ niệm 79 năm Ngày Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9 và chào mừng kỷ niệm 70 năm truyền thống ngành Điện lực Việt Nam.