Thủ tướng đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước chỉ đạo quyết liệt, chủ động tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, “xem vướng cái gì để tháo gỡ cho tăng trưởng”. Đây được coi là nhiệm vụ quan trọng của những đơn vị này.
Người đứng đầu Chính phủ cho rằng nút thắt của tăng trưởng vẫn là thủ tục hành chính, nhất là trong lĩnh vực giải ngân vốn đầu tư xây dựng. Tính đến tháng 7, giải ngân mới đạt gần 30% kế hoạch.
Vay vốn được xem là nút thắt thứ 2. Liên quan đến tín dụng, Thủ tướng "đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo, không dồn cho các đại gia mà tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng”.
Nút thắt thứ 3 được Thủ tướng chỉ ra là việc giải phóng mặt bằng cho dự án, kể cả dự án ODA. Ông đặt câu hỏi: “Tại sao địa phương A giải phóng mặt bằng nhanh như thế còn các địa phương ì ạch, mãi không giải phóng được?”.
Với những vấn đề trên, Thủ tướng đề nghị Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đôn đốc kiểm tra; Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp báo cáo. Các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Giao thông vận tải, Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo tình hình tăng trưởng tại phiên họp Chính phủ hằng tháng.
“Chỉ cần lơ là một chút là tăng trưởng sụt giảm ngay”, Thủ tướng nhận xét.
Yêu cầu đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư, Thủ tướng cho biết, sắp tới đây, đến hạn định đến tháng 9, 10 này, đơn vị nào, địa phương nào không giải ngân thì sẽ điều động vốn cho đơn vị khác.
Thủ tướng yêu cầu, sau hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp vừa qua, phải chỉ đạo phát triển phong trào khởi nghiệp ở địa phương, chứ không phải “đánh trống bỏ dùi”. Sớm ban hành nghị định hướng dẫn Luật Doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Ông yêu cầu phải đẩy mạnh cải cách mạnh mẽ hơn nữa, nhất là cải cách hành chính, tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính; Phải chuyển động hệ thống từ Trung ương đến cơ sở theo hướng phục vụ người dân tốt hơn, giải quyết nhanh mọi thủ tục để giải phóng sức sản xuất.
“Hướng này chúng ta nói nhiều nhưng thực hành còn kém, cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn”, Thủ tướng nêu rõ.
Ông nói thêm: “Phải tiếp tục lắng nghe, xử lý kiến nghị của người dân và doanh nghiệp. Đối thoại với người dân, doanh nghiệp để tìm ra phương thức xử lý hợp tình, hợp lý, thuyết phục rất quan trọng”.
Bởi nếu không, sẽ rơi vào bệnh quan liêu, cửa quyền, hách dịch, xa rời thực tiễn. “Nếu chính sách đi từ trong phòng lạnh thì sẽ không vào cuộc sống đâu”. Cải cách hành chính phải nói đi đôi với làm, hành động quyết liệt, cụ thể, sát thực tiễn, không ngồi chờ báo cáo.
Thủ tướng cũng chỉ rõ phải nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản khu vực Nhà nước và khu vực tư nhân. Hiện tổng giá trị tài sản khu vực Nhà nước có khoảng hơn 300 tỷ USD, trong đó tổng giá trị tài sản của DNNN là trên 200 tỷ USD, theo tính toán, nếu tăng hiệu quả sử dụng được 1 điểm %, sẽ có thêm được 1,5 điểm % tăng trưởng GDP.
“Phải thấy nút thắt, bí bách của chúng ta ở chỗ này”, Thủ tướng nói. Các bộ, ngành chức năng, các trường đại học, viện nghiên phải đề xuất những giải pháp để nâng cao hiệu quả kinh doanh của khu vực tư nhân đang rất thấp.
Ông cũng cho biết Việt Nam đang có 600.000 doanh nghiệp nhưng chỉ có 1/3 số DN nộp thuế thu nhập, tức là có lãi, hiệu suất sinh lời trên tài sản chỉ đạt 1,4% trong khi đó tỉ lệ này ở khu vực FDI là 5,9%.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với VCCI, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách cải thiện hiệu quả khu vực tư nhân, chiếm đến 40% GDP.
Cũng theo kiểm kê bước đầu, tổng giá trị số lượng tài sản của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam khoảng 400 tỷ USD, trong đó tài sản cố định của doanh nghiệp tư nhân trên 180 tỷ USD. Và nếu tăng được 1 điểm % hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp tư nhân thì sẽ có thêm 2 tỷ USD, tương đương 1 điểm % tăng trưởng GDP.
Thủ tướng yêu cầu thúc đẩy cổ phần hóa, bán vốn DNNN. Tiếp tục giữ gìn kỷ cương, kỷ luật của hệ thống hành chính; Cố gắng giảm các loại phí đối với doanh nghiệp để giảm giá thành sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh. Nghiên cứu sớm giảm lãi suất cho vay.