Thủ tướng đặt câu hỏi về hai ngã rẽ của "siêu Uỷ ban" quản lý 2,3 triệu tỷ đồng tài sản nhà nước

Đức Minh |

Uỷ ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã chính thức được ra mắt vào chiều nay, 30/9.

Sau gần 1 năm chờ đợi, Uỷ ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, gọi tắt là Uỷ ban đã chính thức được ra mắt. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ với sự tham dự của nhiều lãnh đạo Bộ, tập đoàn, tổng công ty.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng trong chiều nay đã công bố Nghị định 131 ký ngày 29/9 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Uỷ ban này.

Trong đó, Nghị định cho biết Uỷ ban là cơ quan thuộc Chính phủ, được Chính phủ giao thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và phần vốn đầu tư tại CTCP, công ty TNHH 2 thành viên trở lên theo quy định pháp luật.

Theo Nghị định, có 19 tập đoàn, tổng công ty được chuyển về Uỷ ban. Tính đến thời điểm 31/12/2017, giá trị sổ sách vốn chủ sở hữu nhà nước của 19 đơn vị này là trên 1 triệu tỷ đồng, tổng giá trị tài sản là hơn 2,3 triệu tỷ đồng.

"Uỷ ban có vai trò chủ chốt quyết định, được Đảng, Nhà nước giao cho tổng tài sản gần 2,3 triệu tỷ đồng, chiếm 2/3 số vốn nhà nước tại doanh nghiệp", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh và cho biết các đơn vị được chuyển giao về là các "ông lớn", có ảnh hưởng đến cả nền kinh tế Việt Nam.

Như vậy, Uỷ ban không chỉ quản lý số lượng vốn lớn, tài sản lớn mà còn là những đơn vị có vị trí trọng yếu của nền kinh tế.

Theo Thủ tướng, việc nâng cao hiệu quả, tính cạnh tranh của DNNN là nhu cầu cơ bản được đặt ra từ lâu. Đây là mối quan tâm đặc biệt của Nhà nước, xã hội. Điều này chính là lý do để ra đời Uỷ ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Thực tế, trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12 đã ghi rõ thời hạn thành hình của Uỷ ban.

Thành lập Uỷ ban, theo Thủ tướng, là bước quan trọng để phân biệt rõ, tách biệt chức năng quản lý của nhà nước và chức năng kinh doanh của doanh nghiệp, vốn bị lúng túng trước nay. Ở nhiều nước như Trung Quốc, Singapore, mô hình Uỷ ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã có từ lâu, hoạt động hiệu quả và từ đó, Việt Nam đã có những học tập, rút kinh nghiệm để vận dụng.

Những tập đoàn, tổng công ty khi được chuyển giao về Uỷ ban sẽ không làm giảm đi vai trò, chức năng của các Bộ, ngành quản lý trước đây, Thủ tướng nhấn mạnh. "Thay vào đó, lượng công việc sẽ tăng lên", ông nói.

Nguyên nhân "Tư lệnh ngành" sẽ phải tập trung vào những công việc vĩ mô, liên quan đến bức tranh chung của DNNN như là việc quy hoạch, đổi mới khoa học công nghệ, đào tạo nhân lực...

Đối với Uỷ ban vừa ra mắt chiều nay, Thủ tướng cho biết có 2 con đường được đặt ra. Con đường thứ nhất là xây dựng một Uỷ ban chuyên nghiệp, hiện đại, thúc đẩy cải cách trong toàn bộ hệ thống. Con đường thứ hai là một cơ quan quan liêu, kiểu cũ, tạo gánh nặng.

"Hai con đường đó, chúng ta chọn con đường nào?", Người đứng đầu Chính phủ đặt vấn đề và ngay lập tức ông tuyên bố dù con đường thứ nhất khó khăn hơn nhưng tin tưởng tất cả mọi người sẽ nhất trí chọn đi.

"Đây không phải là cơ quan hành chính, cơ quan quan liêu kiểu cũ", ông nói và khẳng định nếu đi theo hướng như vậy thì Uỷ ban không cần thiết phải ra đời. Theo đó, Uỷ ban cần gánh trọng tránh thúc đẩy phát triển của DNNN trong bối cảnh mới.

Tiếp thu ý kiến của Thủ tướng, ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Uỷ ban cho biết đơn vị này cơ bản đã hoàn thành công tác nhân sự trong năm 2018. Uỷ ban đã xây dựng hơn 40 quy chế nghiệp vụ và quản trị nội bộ.

Uỷ ban cũng đã cơ bản hoàn thành các quy chế nghiệp vụ quan trọng nhất về tiếp nhận quyền đại diện sở hữu vốn nhà nước, quản trị vốn tại doanh nghiệp, giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả doanh nghiêp...

Ông Hoàng Anh nhấn mạnh rằng Uỷ ban đang và sẽ áp dụng các tiến bộ khoa học công nghiệp lần thứ 4, đồng thời để triển khai chủ trương xây dựng Chính phủ điện tử, Uỷ ban đã nghiên cứu xây dựng phần mềm Bộ chỉ số giám sát, đánh giá hiệu quả doanh nghiệp. Điều này nhằm mục đích kết nối các doanh nghiệp được giao quản lý, phục vụ giám sát, theo dõi.

Mặt khác, Uỷ ban cũng đã ký biên bản hợp tác với Temasek Holdings của Singapore để trao đổi thông tin nghiệp vụ, kinh nghiệm quản lý. Đồng thời, ông Hoàng Anh cho biết đã đặt vấn đề với Uỷ ban giám sát và quản lý tài sản nhà nước tại doanh nghiệp của Trung Quốc (SASAC).

"Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng điều kiện để tiếp nhận doanh nghiệp", Chủ tịch Uỷ ban Nguyễn Hoàng Anh khẳng định.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại