Hôm nay, 2/2, trong ngày làm việc đầu tiên sau Tết Nguyên đán, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn nút khởi động sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại tỉnh Hà Nam và đặt ra các bài toán về phát triển lĩnh vực quan trọng này.
Tham dự lễ khởi động có lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo 15 tỉnh, thành phố phía Bắc và lãnh đạo tỉnh Hà Nam.
Cho rằng đây là một mô hình tốt về nông nghiệp mà các địa phương cần học tập, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt vấn đề "nền nông nghiệp hiện nay của Việt Nam như thế nào?".
Thủ tướng bày tỏ trăn trở khi nền nông nghiệp - trụ đỡ của nền kinh tế - bị tác động lớn bởi biến đổi khí hậu, chi phí sản xuất còn lớn, sử dụng nhiều nước tưới và các đầu vào khác, do đó, hiệu quả sản xuất, đời sống của người nông dân còn thấp.
Thủ tướng đặt tiếp câu hỏi: Tinh thần kiến tạo của Chính phủ mới trong nông nghiệp là gì? Và cho biết đây cũng là câu hỏi, điều trăn trở mà "chúng tôi suy nghĩ trong đầu năm mới này".
Thủ tướng khẳng định sẽ đẩy mạnh cởi trói, kiến tạo phát triển nông nghiệp theo hướng nền nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nền nông nghiệp thông minh, sản xuất theo yêu cầu thị trường, hướng vào thị trường gần 100 triệu dân của nước ta và hướng về xuất khẩu, nhất là rau, củ, quả, chăn nuôi.
Nêu tiếp câu hỏi "Giải bài toán nông nghiệp Việt Nam bằng cách nào?", Thủ tướng cho rằng, hôm nay đã có lời giải đáp thông qua sản xuất nông nghiệp công nghệ cao mà Thủ tướng vừa nhấn nút khởi động.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn nút khởi động sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại tỉnh Hà Nam. - Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Giải bài toán này có sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân và HTX chất lượng cao làm nông nghiệp.
"Chính vì vậy, chúng ta khuyến khích khởi nghiệp trong nông nghiệp, áp dụng điện toán đám mây vào nông nghiệp để có một nền nông nghiệp thông minh ở Việt Nam.
Các đồng chí thấy nhà kính, nhà lưới đang mọc lên ở tỉnh Hà Nam này", Thủ tướng nói.
Lời giải nữa là mở rộng hạn điền trong nông nghiệp, tích tụ ruộng đất mạnh mẽ hơn. Chuyển giao khoa học công nghệ mạnh mẽ vào nông nghiệp.
Phải có vốn cho nông nghiệp công nghệ cao. Thủ tướng nhấn mạnh, phải nâng gói hỗ trợ cho đầu tư nông nghiệp công nghệ cao từ 60.000 tỷ đồng đến 100.000 tỷ đồng và giao Ngân hàng Nhà nước vận động các ngân hàng có gói tín dụng hỗ trợ cần thiết để làm vấn đề này.
Bên cạnh đó, nguồn nhân lực từ nông dân để làm nông nghiệp công nghệ cao phải được tập trung đầu tư phát triển, không để tồn tại mãi hình ảnh "con trâu đi trước cái cày theo sau".
Mở rộng thị trường, nâng cao chất lượng mẫu mã, bao bì, xây dựng thương hiệu, áp dụng thương mại điện tử trong tiêu thụ nông sản.
Tại lễ khởi động, Thủ tướng khẳng định, sẽ báo cáo Quốc hội việc sửa Luật Đất đai 2013 như kiến nghị của các địa phương, yêu cầu quy hoạch sử dụng đất ở các địa phương theo hướng mở rộng hạn điền, quy hoạch các điều kiện để hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao như chế độ nước tưới, kênh mương, hỗ trợ hạ tầng…
Trên khu đất sản xuất với diện tích gần 130 ha, VinEco Hà Nam sẽ triển khai khoảng 15 sản phẩm chủ lực phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
"Các địa phương phải chú ý cái này để tạo điều kiện, chứ không phải làm giữa cánh đồng không mông quạnh, cô độc đâu.
Cái chính là các địa phương phải quan tâm, chúng ta thấy đường vào như thế nào, điện như thế nào… thì mới có nông nghiệp công nghệ cao được", Thủ tướng nói và yêu cầu các địa phương giảm thủ tục rườm rà.
Thủ tướng sẽ giúp tiếp thị nông sản
Thủ tướng khẳng định: Chính phủ đồng hành với doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp cũng như HTX làm nông nghiệp công nghệ cao, trong đó có VinEco.
Chính phủ sẽ quyết liệt bảo vệ quyền lợi chính đáng, các thương hiệu nông sản Việt Nam của các doanh nghiệp, HTX làm nông nghiệp công nghệ cao.
"Bản thân Thủ tướng sẽ trực tiếp cùng các ngành giới thiệu các sản phẩm công nghệ cao, chất lượng cao, nông nghiệp sạch của Việt Nam ra thị trường thế giới", Thủ tướng khẳng định và cho biết gần đây Nhật Bản đã đồng ý tiêu thụ thêm một nông sản của Việt Nam là quả thanh long ruột đỏ.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành phải suy nghĩ, nghiên cứu hướng vào nông nghiệp công nghệ cao để sửa đổi chính sách như trong tháng 3 này phải chỉnh sửa xong Nghị định 210 về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Chính phủ đồng hành với doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp cũng như HTX làm nông nghiệp công nghệ cao. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Bày tỏ vui mừng khởi động sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam dịp đầu xuân mới, bắt đầu từ tỉnh Hà Nam, Thủ tướng mong muốn nhiều tỉnh khác sẽ tiếp tục triển khai chủ trương này.
Theo Tập đoàn Vingroup, dự án VinEco Hà Nam có diện tích 180 ha với tổng số vốn đầu tư gần 300 tỷ đồng. Trong đó có khu cánh đồng mẫu lớn rộng gần 130 ha, khu nhà kính Israel công nghệ cao quy mô 5 ha và các khu vực hỗ trợ sản xuất.
Dự kiến đến cuối năm 2017, VinEco Hà Nam sẽ hoàn thiện hạ tầng cơ sở, triển khai sản xuất trên toàn bộ diện tích dự án.
Khu nhà kính số 1 được Thủ tướng ấn nút khởi động có diện tích 8.300 m2, công suất trung bình khoảng 150 tấn/năm cho nhóm rau ăn lá.
Nhà kính sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt tự động và kiểm soát các thông số nước, không khí và sinh trưởng cây trồng theo công nghệ của Israel.
Trên khu cánh đồng mẫu lớn gần 130 ha, VinEco Hà Nam cũng sẽ triển khai sản xuất khoảng 15 sản phẩm chủ lực với sản lượng từ 20-30 tấn/ngày nhằm phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm và nói chuyện với cán bộ, công nhân của Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển nông nghiệp công nghệ cao Hà Nam (Vinaseed). Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Cũng trong chuyến công tác tại Hà Nam, Thủ tướng đến thăm và nói chuyện với cán bộ, công nhân của Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển nông nghiệp công nghệ cao Hà Nam (Vinaseed).
Đây là cơ sở nông nghiệp công nghệ cao từng bị thiệt hại nặng nề do bão số 1 năm 2016, khi đó, Thủ tướng đã trực tiếp đến thăm hỏi, chỉ đạo các biện pháp khắc phục hậu quả thiên tai.
"Hồi bão số 1, tôi xuống đây thì nhà lưới sụp đổ hết. Bây giờ, các đồng chí làm sang nhà kính, áp dụng công nghệ Israel và giải pháp Việt Nam", Thủ tướng nói và đánh giá cao hướng đi của cơ sở sản xuất này.
Thủ tướng cho rằng, "tư nhân làm nông nghiệp công nghệ cao là mô hình tốt ở Việt Nam, cùng với mô hình HTX thời gian tới".
Thủ tướng khẳng định sẽ tiếp tục tạo điều kiện tốt nhất cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao và đề nghị Công ty nghiên cứu sâu hơn những giải pháp kỹ thuật để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả sản xuất.