Thủ tướng: Công nhân bậc 7 còn quý hơn học vị cao

Đức Minh |

Chia sẻ tại buổi gặp gỡ, trò chuyện với 3.000 công của 8 tỉnh, thành phía Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khuyến khích anh chị em công nhân phấn đấu, trau dồi hơn nữa tay nghề, nghiệp vụ bởi theo Thủ tướng 'Công nhân bậc 7 còn quý hơn kĩ sư, học vị cao'.

Sáng 30/4, tại TP Biên Hòa (Đồng Nai), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi gặp gỡ với 3.000 công nhân đến từ 8 tỉnh, thành phố thuộc khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam gồm TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang.

Cùng tham dự có đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương và lãnh đạo một số ban ngành, chính quyền 8 tỉnh và TP Hồ Chí Minh.

Tại buổi gặp gỡ, Thủ tướng đã trực tiếp trao đổi, giải đáp những băn khoăn, mong mỏi của công nhân lao động xung quanh những vấn đề: giải pháp nâng cao tiền lương, thu nhập cho công nhân lao động, những chính sách hỗ trợ, điều kiện để công nhân lao động yên tâm lao động, những biện pháp để doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội cho công nhân lao động, các chính sách ưu tiên cho dạy nghề, nâng cao trình độ người lao động.

Sau phần mở đầu ngắn gọn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lắng nghe và giải đáp từng câu hỏi của anh chị em công nhân.

Trả lời câu hỏi đầu tiên của anh Nguyễn Văn Thơ, công nhân lao động tại Đồng Nai về vấn đề tiền lương, Thủ tướng cho rằng, đời sống công nhân được Đảng, Nhà nước, công đoàn, chủ sử dụng lao động quan tâm, Hội đồng tiền lương nhà nước, cùng cơ quan chức năng, thảo luận cùng công đoàn, nâng lương năm nay lên 12%.

Mức lương như vậy là hợp tình hợp lý, điều này thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, góp phần quan trọng nâng cao đời sống công nhân.

Việc tăng lương giúp công nhân có đời sống tốt hơn năm trước. Theo Thủ tướng, một bộ phận công nhân còn khó khăn và Nhà nước sẽ tiếp tục quan tâm nhiều hơn nữa.

Trước vấn đề của một công nhân nêu về việc khi lương chưa tăng thì giá cả đã tăng trước, Thủ tướng cho rằng, Nhà nước đã có các giải pháp bình ổn giá khi có cả hệ thống cung ứng bán lẻ đáp ứng mọi nhu cầu người dân, không để tư thương ép giá, nâng giá.

Công nhân Nguyễn Thị Mai (ở tỉnh Long An) trăn trở trước việc thiếu nhà trẻ, thiếu nhà ở cho công nhân.

Thủ tướng ghi nhận ý kiến và yêu cầu các KCN, tỉnh thành trong cả nước phải xây dựng KCN đi kèm khu nhà ở, nhà trẻ cho công nhân và con em họ.

Thủ tướng cho rằng, Chính phủ đã ban hành chính sách ưu đãi đất đai, cho vay lãi suất thấp để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư xây nhà ở công nhân, nhà trẻ con em họ.

Thủ tướng đề nghị các tỉnh thành trên cả nước hỗ trợ, xã hội hóa để công nhân có nhà ở, con em họ có mẫu giáo, đừng để công nhân làm việc suốt ngày, rồi tăng ca mà con em họ thất học..

Thủ tướng cũng đề nghị lãnh đạo các tỉnh, thành phố quan tâm đến việc xây dựng các thiết chế văn hóa để phục vụ người dân địa phương và công nhân.

Anh Phan Thanh Tùng, công nhân đến từ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phản ánh với Thủ tướng về vấn đề các doanh nghiệp không đóng bảo hiểm xã hội cho công nhân, lao động.

Thủ tướng nói đây là vấn đề rất sôi động trong thời điểm hiện nay. Bảo hiểm xã hội là quyền lợi thiết thân của người lao động. Đảng, Nhà nước, Chính phủ ủng hộ vấn đề này, được Quốc hội thông qua.

Theo Luật bảo hiểm xã hội, các doanh nghiệp phải đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Phần lớn các doanh nghiệp trong và ngoài nước đều thực hiện tốt, nhưng vẫn còn bộ phận không ít doanh nghiệp không chịu đóng bảo hiểm xã hội, ảnh hưởng tới công nhân.

Doanh nghiệp không đóng bảo hiểm, chây ỳ thì ngoài xử phạt hành chính, còn bị xử lý hình sự.

Chị Trần Thị Hằng (tỉnh Bình Phước) nêu bữa ăn giữa ca công nhân chất lượng thấp, thực phẩm bẩn bán tràn lan. Thủ tướng chia sẻ: "Vấn đề an toàn thực phẩm đang là vấn đề nhức nhối của chúng ta.

Cách đây mấy hôm, tôi đã họp với bí thư, chủ tịch tỉnh toàn quốc để họp giải quyết vấn đề này".

Thủ tướng đề nghị công đoàn các cấp, giới chủ các cấp phải công khai mức ăn, thực đơn hàng ngày. Không có sức khỏe thì không thể tái sản xuất lao động.

“Phải có nguồn thực phẩm sạch cho công nhân, thực phẩm phải đảm bảo vệ sinh an toàn. Chợ đó, siêu thị đó, ông chủ chợ, chủ siêu thị phải chịu trách nhiệm.

Nếu có ngộ độc, nơi nào để thực phẩm bẩn, chính quyền ở đó phải chịu trách nhiệm trước công nhân”- Thủ tướng nhấn mạnh. .

Trao đổi với các công nhân về vấn đề hội nhập quốc tế, Thủ tướng nói Đất nước ta hội nhập sâu quốc tế, đặc biệt kinh tế. Thời gian qua Đảng, Nhà nước, Chính phủ ký nhiều hiệp định thương mại tự do.

Thời cơ thuận lợi khi chúng ta tham gia, hội nhập là lao động Việt Nam có thể lựa chọn. Mặt khác lao động khác đến Việt nam tăng, trình độ họ hơn, ngoại ngữ tốt.

Đây là cuộc cạnh tranh, vì vậy từng công nhân, lao động phải học nữa, học mãi… muốn như vậy công nhân phải rèn luyện tay nghề, ngoại ngữ để ứng phó mọi tình huống.

Nếu có chuyên môn tốt thì ở bất kỳ đâu người lao động cũng đều được sử dụng. Học tập rèn luyện tay nghề, nâng cao nghề nghiệp – giới chủ phải tạo điều kiện cho công nhân học tập để ứng phó với cạnh tranh.

Thủ tướng cho rằng, Công đoàn chúng ta không chỉ đòi hỏi quyền lợi, mà phải phải rèn luyện tay nghề cho công nhân. Rèn luyện tay nghề là vũ khí sắc bén nhất để chúng ta hội nhập thành công.

Thủ tướng cũng nêu lên câu nói “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” để khuyến khích anh chị em công nhân phấn đấu, trau dồi hơn nữa trong công việc bởi theo Thủ tướng thì: Công nhân bậc 7 còn quý hơn kĩ sư, học vị cao.

Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tặng bằng khen cho 30 công nhân lao động xuất sắc của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Thủ tướng cũng trao tặng 24 ti vi cho công nhân lao động thuộc Liên đoàn lao động 8 tỉnh, thành phố và quà lưu niệm cho 3.000 công nhân mỗi người một cây bút khắc dòng chữ “Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tặng 1.5.2016”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại